Hoang tin “Syria sẽ dùng vũ khí hóa học” đẩy cuộc chiến quân sự Nga - Mỹ cận kề?

Thứ Hai, 03/07/2017, 15:04
Cuộc đấu khẩu giữa Nga và Mỹ về vũ khí hóa học của Syria trong mấy ngày qua đang có nhiều nguy cơ biến thành một cuộc đối đầu quân sự thực sự.

Vì Mỹ đã cảnh báo nên chính phủ Syria chưa “động thủ”!

Thông tin mới nhất theo đài Sputnik của Nga cập nhật dẫn nguồn từ kênh CNN của Mỹ ngày 29-6 cho biết Lầu Năm Góc đã triển khai tàu và máy bay gần căn cứ Shayrat của Syria để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Kênh truyền hình CNN trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Mỹ đang giám sát căn cứ không quân này ở Syria 24/24 giờ, đồng thời cáo buộc Damascus chuẩn bị một cuộc tấn công hóa học nhắm vào dân thường. Tuy nhiên, vẫn theo CNN, Mỹ không phát hiện hoạt động đáng ngờ nào tại căn cứ Shayrat. Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về thông tin trên.

Máy bay Mỹ ở gần biên giới Syria.

Ngày 28-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng “dường như chính quyền Syria đã nhận được cảnh cáo của Washington nên họ chưa dám làm gì”.

Những chuyển động quân sự của Mỹ (nếu có) thì không có gì đáng ngạc nhiên vì trước đó vào khuya ngày 27-6, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer dẫn nguồn tin tình báo nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang “chuẩn bị” thực hiện một cuộc tấn công hóa học mới, tương tự như cuộc tấn công hồi tháng 4 tại miền Bắc Syria, đồng thời cảnh báo rằng nếu chính quyền Syria thực hiện thêm một cuộc tấn công hóa học nữa, thì “cá nhân ông Assad và quân đội của ông sẽ phải trả một cái giá rất đắt”.

Hồi đầu tháng 4-2017, Mỹ cáo buộc quân đội Chính phủ Syria tấn công bằng vũ khí hóa học vào thị trấn Khan Sheikhoun do phe đối lập kiểm soát đã giết chết hơn 80 người. Vụ tấn công này đã khiến Mỹ phản ứng bằng một đợt không kích.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức vào tuần tới.

Chính phủ Syria ngày 27-6 bác bỏ luận điệu của Mỹ. Bộ trưởng hòa giải dân tộc Ali Haidar khẳng định rằng Damascus chưa bao giờ dùng tới vũ khí hóa học và không dự định sẽ dùng chúng trong tương lai. Ông Haidar đồng thời cáo buộc Washington đang chuẩn bị một “cuộc chiến ngoại giao” chống lại Syria tại LHQ.

Về phần mình, Nga cho rằng việc Washington tung tin Syria đang chuẩn bị tấn công vũ khí hóa học là vô căn cứ vì thực chất Mỹ chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh Damascus đang chuẩn bị một cuộc tấn công như vậy nhằm vào dân thường.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, chính phủ nước này sẽ không công bố bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới cáo buộc Chính phủ Syria chuẩn bị cho một cuộc tấn công hóa học vì theo bà Nauert, đó là “bí mật tình báo”(!). Thậm chí Nhà Trắng còn cho rằng nếu để xảy ra chuyện chính quyền Damascus tấn công vũ khí hóa học lần này thì Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm.

Bà Nauert tin rằng tình hình ở Syria đã trở nên tồi tệ “bởi vì Nga đã giúp chính phủ Al-Assad. Trong năm 2015, chính quyền Syria đang trên bờ vực sụp đổ. Ai đã đến giải cứu họ? Là Nga. Đó là lý do tại sao bây giờ chúng tôi đang ở trong một tình huống như hiện nay. Chúng tôi, ý tôi muốn nói là thế giới. Nga đến, giúp tăng cường quân đội Syria, và chúng tôi thấy tình hình ngày càng tồi tệ", bà Nauert đã nói tại một cuộc họp báo ngày 27-6.

Kịch bản cũ soạn lại

Nga cáo buộc Mỹ đang âm mưu "khiêu khích" tại Syria, sau đó đổ lỗi cho chính phủ của Tổng thống Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. “Chiến dịch thông tin của Mỹ về cái gọi là Syria đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học thực chất là nhằm dọn đường cho cuộc can thiệp quân sự mới vào Syria”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 29-6.

Bà Zakharova nhấn mạnh rằng chiến dịch thông tin này không có gì mới lạ và đã từng được sử dụng năm 2013 để chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria, nhưng chiến dịch này khi đó đã được ngăn chặn nhờ lập trường quyết đoán của Nga. Mỹ cũng đã áp dụng chiến dịch thông tin như vậy cho cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân của Syria hồi tháng 4-2017.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, kịch bản mà Mỹ đưa ra lần này cũng sẽ tương tự như trước. Trên phần lãnh thổ do phe đối lập Syria kiểm soát sẽ xảy ra một vụ việc mà nạn nhân sẽ là thường dân, sau đó phe đối lập này sẽ vu cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học từ phía quân đội Chính phủ Syria.

Tổng thống Donald Trump đang chịu sức ép lớn ở trong nước do liên quan đến Nga.

Cũng trong cuộc họp báo, bà Zakharova cho biết Moskva đã nhận được thông tin rằng phiến quân nổi dậy tại Syria đã làm giả các tài liệu video để cáo buộc chính quyền ở Damascus gây ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Tại cuộc họp báo diễn ra hôm 28-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng các đối tác phương Tây sẽ có cách tiếp cận cởi mở, trên tinh thần hợp tác nhằm hạ nhiệt tình hình tại Syria, thông qua bình thường hóa tình hình nhân đạo. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định, Moskva luôn thể hiện thiện chí, đặc biệt là tại các vòng đàm phán hòa bình tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Ông Lavrov hy vọng Mỹ không sử dụng các đánh giá tình báo về những kế hoạch của chính quyền Syria làm cớ cho các hành động khiêu khích tại Syria. Song ông Lavrov không ngần ngại đề cập đến phản ứng của Nga nếu Mỹ tiếp tục lựa chọn hành động quân sự để chống chính quyền Syria khi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng với lòng tự trọng và thích hợp đối với tình huống leo thang”.

Lý giải về sự gia tăng các hoạt động chống Nga và Syria của Mỹ thời gian gần đây, các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân. Các tuyên bố của Washington, theo đó Damascus đang chuẩn bị một cuộc tấn công hóa học, là nhằm chuyển hướng sự chú ý tới "chiến thắng của quân đội chính phủ Damascus ở sa mạc Syria, trên biên giới với Iraq, và hợp tác thành công với lực lượng dân quân Al'-Khachd al-Chaabi trong cuộc chiến chống phiến quân và khủng bố", Ammar al-Asad, đại biểu Quốc hội Syria nói với đài Sputnik ngày 28-6.

Ông Ammar cho biết: “Mỹ đã hỗ trợ các lực lượng đối lập ở Syria kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu”.

Ngoài ra còn có một lý do quan trọng khác, đó là việc Tổng thống Donald Trump đang muốn “chia lửa” khỏi những cáo buộc trong nước. Ở Mỹ, ông Trump đang vướng phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của giới truyền thông và quốc hội liên quan tới mối quan hệ của ông với Nga.

Ông Trump hôm 16-6 thừa nhận đang bị điều tra trong nghi án ban vận động tranh cử của ông có thể đã thông đồng với Nga để giúp ông đắc cử tổng thống. Trước đó một ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết đã thuê luật sư nổi tiếng để hỗ trợ ông trong các cuộc điều tra về liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga.

Báo Le Figaro của Pháp (ra ngày 27-6) điểm ra "những mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ", trong đó đáng ngại nhất là quan hệ với Nga. Khi mới vào Nhà Trắng, ông Donald Trump cho rằng cần hợp tác với Moskva để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, kẻ thù duy nhất của Mỹ. Do đó cần tập trung chính sách đối ngoại vào mục tiêu khử trừ tổ chức này. Vậy mà giờ đây, quan hệ Mỹ-Nga xuống đến mức thấp nhất. Do bị điều tra về khả năng quan hệ giữa Moskva và nhóm cộng sự thân cận của ông, để "chạy tội", Tổng thống Mỹ buộc phải gia tăng trừng phạt Nga...

Trò chơi nguy hiểm

Nói về nguy cơ đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ, các chuyên gia cho rằng lo ngại này thật ra không đáng kể vì cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều nhận thức rõ hậu quả nếu mọi sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Nếu đụng độ quân sự Nga-Mỹ bùng nổ tại chiến trường Syria, hai nước không những sẽ không thể tìm được lợi ích của mình ở đây mà còn chịu nhiều tổn thất to lớn khôn lường.

Tarek Alabed, chuyên gia phân tích chính trị tại Damascus, Syria, nhận định: “Cả Nga và Mỹ rõ ràng đều không muốn bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng hoặc bị đẩy đến đối đầu trực tiếp tại Syria. Nga cần Mỹ xác định rõ hơn vai trò của Moskva tại đây và không muốn Mỹ đóng vai trò lãnh đạo để giải quyết khủng hoảng”.

Ngày 27-6, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad lần đầu đến thăm căn cứ Không quân Nga Hmaymim thuộc tỉnh Latakia.

Viết trên trang National Interest, Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì các học giả Woodrow Wilson - từng là nhà đàm phán Trung Đông trong các Chính phủ Mỹ, cho rằng dù ông Assad có ra đi thì Mỹ cũng chưa chắc tiêu diệt được tổ chức IS. Richard Sokolsky, chuyên gia tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, cho rằng mục tiêu hàng đầu của Mỹ ở Syria vẫn nên là tiêu diệt IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan, ngăn các tổ chức này tấn công Mỹ, châu Âu và các đồng minh Trung Đông. Đây có thể chưa phải là kỳ vọng lớn nhất Mỹ theo đuổi tại Syria nhưng lại là điều khả thi nhất.

Đặc biệt nếu các mục tiêu còn lại thiếu tính thực tế và có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến không có điểm dừng. Hơn nữa các nước đồng minh của Syria như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga... sẵn sàng hy sinh nhiều hơn Mỹ để bảo vệ quyền lợi ở Syria. Iran đã dốc cả người và của vào Syria từ trước khi cuộc nội chiến nổ ra. Nga có căn cứ quân sự và các tài sản quốc phòng đang nằm tại Syria.

Các chuyên gia cho rằng liên minh Syria - Iran - Nga hiện tại được xây dựng trên nền tảng ý muốn chung và quyền lợi chung, mạnh hơn nhiều so với liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu cũng như mạng lưới các đối tác do Mỹ chống lưng ở Syria. Ý tưởng tăng áp lực lên Nga, hay lên Iran để các nước này thay đổi ở Syria là một trò chơi nguy hiểm.

Thay vì đối đầu trực tiếp, kịch bản có khả năng cao nhất diễn ra trong thời gian tới là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ sẽ trở nên khốc liệt hơn khi tổ chức khủng bố IS dần bị đẩy lùi để lại những khoảng trống địa lý khiến Damas và lực lượng đối lập cùng tranh giành quyền kiểm soát. Nga và Mỹ sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn mà sẽ tiếp tục can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng khiến tình hình càng thêm rối loạn.

Giới phân tích cho rằng, dù tình hình có diễn biến xấu như thế nào đi nữa, dù Mỹ có tấn công quân sự Syria chỉ vì hoang tin Damascus chuẩn bị tấn công vũ khí hoá học, thì Nga cũng sẽ không đáp trả Mỹ bằng hành động quân sự mà sẽ lựa chọn biện pháp hóa giải bằng tấn công thật mạnh lực lượng đối lập Syria do Mỹ ủng hộ nhằm khẳng định mục đích hành động chính nghĩa trước sau như một để củng cố vị thế cho mình.

Bên cạnh đó Moskva sẽ thúc đẩy các cuộc hòa đàm để nhanh chóng tạo ra một khung thỏa thuận. Khi có được điều đó, các hành động quân sự bừa bãi tại Syria - nhưng không phải tấn công khủng bố - sẽ hạn chế vì có cơ chế quốc tế ràng buộc. Như vậy, trong trường hợp Mỹ tấn công Syria, Moskva tương kế tựu kế luôn an toàn cho cả Syria và Nga hơn là ăn miếng trả miếng với Washington.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.