Hoạt động chống khủng bố của Sở Cảnh sát New York

Thứ Bảy, 20/05/2006, 08:00

Từ vị trí một cơ quan chống tội phạm truyền thống, Sở Cảnh sát của thành phố New York (gọi tắt là NYPD) hiện nay đã “kiêm nhiệm” thêm hoạt động chống khủng bố, với 1.000 cảnh sát được phân công đặc trách vào vị trí mới này.

Những thay đổi này xuất phát từ nhận định rằng. New York là mục tiêu “hàng đầu” của bọn khủng bố, nên chính sách “tự cứu mình” là thượng sách! Để phòng vệ, thành phố không dựa vào quân đội, CIA hay FBI, mà đó là Sở Cảnh sát New York.

Người lãnh đạo chiến dịch chống khủng bố mang tên “Sóng cồn” của NYPD “mới” là Cảnh sát trưởng Vincent Giordano. Điều đặc biệt là chiến dịch này không tiến hành trong thời gian nhất định, mà kéo dài liên tục suốt năm. “Sóng cồn” triển khai khoảng 200 cảnh sát vũ trang hạng nặng vào các vị trí có nguy cơ khủng bố cao trong thành phố. Người chịu trách nhiệm các cuộc tuần tra chống khủng bố là thanh tra Ray Kelly.

Sau vụ tấn công ngày 11-9, Kelly được bổ nhiệm làm thanh tra Cảnh sát New York, với trọng trách mới: cải tổ NYPD. Ông đã thành lập Phòng chống khủng bố, phát triển Ban tình báo và nâng quân số cảnh sát làm việc về khủng bố với FBI từ 17 lên 120 người. Kelly cũng tổ chức cho 37.000 sĩ quan cảnh sát của NYPD luyện tập cách xử lý những cuộc tấn công khủng bố sinh - hóa, đồng thời ra lệnh cho Đơn vị xử lý tình huống khẩn cấp luôn sẵn sàng ứng phó các kịch bản như là một cuộc tấn công vào đường tàu điện ngầm. “Tính quy mô của sự huấn luyện đã thay đổi mạnh từ sau ngày 11-9”, Kelly giải thích.

Một sự thay đổi khác nữa: các thám tử được huấn luyện để nhận biết một kẻ đánh bom liều chết. Các khóa huấn luyện này do Phòng chống khủng bố của NYPD phụ trách và diễn ra trong một kho hàng bỏ trống ở Brooklyn. Nhiệm vụ của các thám tử đặc biệt này là đảm bảo an ninh cho thành phố. Họ có trách nhiệm thu thập thông tin về các mối đe dọa tiềm tàng. Các chuyên gia phân tích được lệnh nghiên cứu mọi thứ, từ Hồi giáo cực đoan và khủng bố quân sự, cho đến việc phân tích chi tiết về các kỹ thuật chế tạo bom và những cuộc tấn công khủng bố. Theo Kelly cho biết, không có nơi nào trên thế giới có một cơ quan cảnh sát đặc biệt như NYPD!

Ngoài ra, NYPD còn cộng tác chặt chẽ với các nhân viên FBI. Kelly cho biết, ông không hề bàn luận với FBI về các thay đổi triệt để trong NYPD khi mới bắt đầu. Để xúc tiến kế hoạch cải tổ của mình, Kelly đã thuê hai người trong số các nhân vật dày dạn kinh nghiệm nhất trong làng tình báo Mỹ - David Cohen và Michael Sheehan.

Trước khi trở thành sếp tình báo của NYPD, David Cohen là giám đốc các chiến dịch của CIA, nơi ông ta có thâm niên làm việc đến 35 năm. Sau khi rời khỏi môi trường tình báo 2 năm thì Cohen được Kelly mời trở vào làm việc cho NYPD. Công việc của Cohen là đưa các “khuôn mẫu” làm việc của CIA và FBI vào NYPD. Sheehan giải thích: “Những gì chúng tôi làm trong Phòng chống khủng bố là cố gắng xác định rõ mối đe dọa. Chìa khóa của chống khủng bố là tình báo, và chìa khóa của tình báo là thông tin”.

Mỗi buổi sáng, thanh tra Kelly đều lắng nghe các thông tin tình báo về tình hình khủng bố ở nước ngoài. Ví dụ, thông tin chi tiết về đánh bom liều chết ở Israel được cung cấp bởi Mordecai Dzikansky, một thám tử New York City hoạt động ở nước này. Dzikansky là 1 trong 10 thám tử hoạt động ở hải ngoại của NYPD, được gọi là “hệ thống cảnh báo sớm”. Trong vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Madrid cách đây 2 năm, giết chết gần 200 người, người của NYPD đã lập tức bay đến Tây Ban Nha khi thảm họa vừa xảy ra để gặp cảnh sát nước này và chuyển thông tin chi tiết về Mỹ. Nhờ đó, NYPD có thể phân tích được các kỹ thuật đánh bom khủng bố để có biện pháp phòng vệ thành phố New York.

Để công tác phòng chống khủng bố đạt hiệu quả, NYPD còn đề ra chương trình mang tên “Chiến dịch Nexus” - tức là, các toán cảnh sát sẽ thâm nhập vào các doanh nghiệp buôn bán các sản phẩm có thể được bọn khủng bố sử dụng. Cohen giải thích: “Ví dụ, như vụ tấn công khủng bố ngày 7/7 ở London: một trong các chất chính là hydrogen peroxide. “Chiến dịch Nexus” xác định ai sản xuất chất liệu và ai phân phối nó”.

Việc sáng tạo một đơn vị chống khủng bố ở New York là một cách “tự vệ”, nói theo Kelly: "Chúng tôi không thể chỉ tin cậy vào các cơ quan khác để bảo vệ chúng tôi tại chỗ. Chúng tôi muốn tự cứu lấy mình và đó là những gì mà chúng tôi đang làm”. Và cái giá phải trả cho sự “tự vệ” này lên đến gần 1 tỉ USD, phần lớn là tiền của người dân thành phố New York! Số tiền đó được chi cho các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất trong lịch sử thành phố. Mỗi ngày, cảnh sát đều tìm kiếm những vật thể khả nghi trong đường tàu điện ngầm, xa lộ... Mỗi ngày các đội tuần tra đều xem xét rất kỹ cầu Brooklyn để tìm chất nổ. Và mỗi ngày các máy bay trực thăng được trang bị camera công nghệ cao luôn đảo lượn khắp bầu trời thành phố để phát hiện những điều gì khác thường.

Giá trị thông tin mà NYPD thu thập được là vô giá. Cũng nhờ các thông tin quý báu này mà NYPD đã phá vỡ âm mưu đánh bom một trạm tàu điện ngầm, và trước đó vào năm 2003 là mưu toan đánh sập cây cầu Brooklyn của Al-Qaeda do tên Iyman Farris tiến hành. Cohen cho biết, các âm mưu khủng bố này lẽ ra đã không phá vỡ được nếu như NYPD không có sự cải tổ quyết liệt bộ máy hoạt động của mình

Di An (theo CBS)
.
.