Hội đồng Bảo an LHQ thông qua 2 nghị quyết chống khủng bố

Thứ Năm, 15/09/2005, 22:01

Cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 14/9 đã kết thúc một cách tốt đẹp với việc thông qua 2 nghị quyết kêu gọi các quốc gia cùng tham gia chống khủng bố, ngăn chặn những cơn khủng hoảng quốc tế bắt nguồn từ những mâu thuẫn và xung đột bằng vũ khí…

Lãnh đạo 15 nước thành viên, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Mỹ G.Bush, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Tony Blair đều bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ một sự liên kết toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Philippines, bà Gloria Macapagal Arroyo, người vừa nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã trình bày những nguyện vọng của các nước châu Á và nêu tấm gương giải quyết tranh chấp trong nước bằng hoà bình của Chính phủ Indonesia.

Bắt nguồn từ những đề xuất của Anh sau 8 vụ tấn công khủng bố hồi tháng 7, 2 nghị quyết đều nêu rõ trách nhiệm của mỗi một quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố của tập thể cộng đồng quốc tế. Nghị quyết 1624 đề cập đến nguy cơ đe dọa hoà bình và an ninh trên toàn thế giới, trong đó nêu rõ những mục đích không lành mạnh của những phần tử khủng bố và hậu quả mà thói "hiếu chiến" và ham hố quyền lực sẽ dẫn tới. Bên cạnh đó, các phương án chống khủng bố theo kiểu mới đã được đề xuất và xem xét. Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều phải thông qua những biện pháp chống khủng bố.

Với nội dung chính là ngăn chặn xung đột, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được coi như kim chỉ nam cho những cuộc xung đột khu vực và trong nước. Quan điểm của các đại biểu là "không ai vạch áo cho người xem lưng" và rằng nếu không giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn trong nước bằng con đường đối thoại thì nó sẽ là mầm mống của hậu họa sau này.

Theo Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, khu vực cần phải chú trọng nhiều nhất là châu Phi bởi luôn xảy ra các cuộc xung đột giữa bè phái, các nhóm vũ trang... Ngoài ra, vấn đề chống khủng bố còn được bàn đến với khía cạnh ngăn chặn sự phát triển của loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, sự trợ giúp quốc tế trong trường hợp có quốc gia bị khủng bố tấn công. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới ký kết Công ước quốc tế chống khủng bố hạt nhân dày 15 trang

P.V
.
.