Hội nghị G-7: Lo ngại bùng nổ chiến tranh tiền tệ

Thứ Hai, 20/05/2013, 16:45

Các chính sách cắt giảm chi tiêu và sự phá giá đồng tiền nhằm giành lợi thế cạnh tranh của các nước là hai trong số những nguyên nhân chính đe dọa kìm hãm đà hồi phục kinh tế toàn cầu. Làm sao để duy trì đà phục hồi này nhưng không làm ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của từng nước và từng khối là nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính 7 nước công nghiệp phát triển vừa kết thúc hôm 11/5 tại Anh.

Để kích thích tăng trưởng kinh tế nói chung cần phải có đầu tư vào sản xuất, từ đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, kích thích tiêu dùng. Các nước châu Âu từ mấy năm nay đã chìm nghỉm trong các khoản nợ công cho nên chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công được thi hành nghiêm ngặt. Điều này đã và đang kéo mức tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro nói riêng và cả nền kinh tế toàn cầu nói chung đi xuống. Rất nhiều cuộc họp trước đây của lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới đã băm nát chủ đề này.

Tuy nhiên, dù bị chỉ trích nhưng ai cắt giảm cứ cắt giảm. Và hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển G-7 (bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ) tổ chức trong hai ngày 10 và 11/5 tại Anh tiếp tục bàn về vấn đề này. Hay nói chi tiết hơn, hội nghị này nhằm giải quyết những bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về cách cân đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” với các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.

Các giới chức từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Nhật Bản, Anh và Ý đã gặp nhau tại Hartwell House, London trong hai ngày 10 và 11/5 để bàn các biện pháp duy trì đà phục hồi kinh tế thế giới.

Mỹ đã gây áp lực lên các quốc gia châu Âu để buộc các nước này hạ mức cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về việc chính sách cắt giảm này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh George cho rằng, những kế hoạch củng cố tài chính trung hạn đáng tin cậy, được vạch ra cụ thể cho từng quốc gia sẽ đảm bảo nền tài chính công và tăng trưởng ổn định.

Các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-7 còn có sự tham dự của những đại diện hàng đầu từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hội nghị G-7 lần này diễn ra sau Hội nghị Tài chính G-20 hồi tháng 4/2013, tiếp theo đó là cuộc họp Thượng đỉnh G-8 (G7 + Nga) vào tháng 6 tới tại Bắc Ailen. IMF đã hoan nghênh các nỗ lực của Chính phủ Anh về việc cắt giảm chi tiêu song cũng yêu cầu Anh cần giảm bớt tốc độ tiến hành biện pháp khắc khổ để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế yếu ớt của nước này.

Ngày 10/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới cảm thấy "sự cần thiết phải có được sự cân đối hợp lý giữa chính sách thắt lưng buộc bụng và thúc đẩy tăng trưởng", trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc rằng Đức đã ép buộc các quốc gia thành viên khu vực đồng euro đang trong khủng hoảng nợ công như Tây Ban Nha và Italia phải tiến hành cắt giảm chi tiêu. Một viên chức Mỹ giấu tên cho rằng việc siết chặt ngân sách một cách thô bạo sẽ cản trở tiêu dùng.

Một nguồn tin Pháp nhận định, nếu định ra các mục tiêu bất khả thi sẽ gây phản tác dụng vì hủy hoại động cơ tăng trưởng. Bị kìm hãm bởi sự suy yếu của khu vực đồng euro, quá trình phục hồi kinh tế thế giới đang chao đảo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào giữa tháng 4/2013 đã hạ mức dự báo tăng trưởng thế giới năm nay từ 3,5% xuống còn 3,3%.

Biếm hoạ về khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ giữa các nước trong nhóm G-7.

Ngoài chủ đề làm sao để cân bằng chính sách "bóp mồm bóp miệng" của các nước với các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng với mục đích cuối cùng là bảo vệ nền kinh tế thế giới đang phục hồi yếu ớt, hội nghị nhóm G-7 lần này còn bàn cách làm sao để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ trên quy mô toàn cầu.

Sau hai ngày nhóm họp, các bộ trưởng Tài chính nhóm G-7 đã thống nhất sẽ cố gắng không để xảy ra chiến tranh tiền tệ, hay là việc đua nhau hạ giá đồng tiền của nước mình. Chả là trong thời gian gần đây, nhiều nước đã tiến hành hạ giá đồng nội tệ nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của mình. Trong số đó có Nhật Bản.

Tuy nhiên, bản thông cáo chung của hội nghị G-7 lần này đã không đưa ra các chỉ trích gay gắt liên quan đến Nhật Bản. Nước này bị cho là đã cố ý hạ thấp 20% đồng yen để trục lợi cho nền kinh tế quốc gia, và đã làm dấy lên nhiều luồng phản đối trên thế giới. Trong văn bản chung cuộc này, các bên đã đưa vào một cam kết, theo đó các nước trong khối sẽ không tiến hành hạ giá nội tệ để tăng tính cạnh tranh, mà để thị trường tự điều chỉnh tỉ giá hối đoái.

Theo Hãng tin Reuters, bản thông cáo đã tỏ ra nể nang Nhật Bản, nước vừa qua bị chỉ trích nặng nề về việc cố ý phá giá nội tệ để kích thích xuất khẩu. Thế nhưng, không chỉ có một mình Nhật Bản sử dụng chiêu bài này, mà mới đây Trung Quốc cũng bị các nước lên án đã hạ giá đồng nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Mỹ vừa rồi cũng bị chỉ trích tương tự.

Sau cùng, Hội nghị G-7 cũng khẳng định cam kết chống lại tình trạng trốn thuế và tránh thuế bất hợp pháp đang diễn ra khi các cá nhân và công ty lợi dụng các kẽ hở luật pháp. Với tư cách là nước chủ tịch của Hội nghị G-7 và G-8, Anh đã đưa vấn đề này trở thành ưu tiên trong hai hội nghị. Bộ trưởng Osborne cho biết: "Việc các nước phát triển và đang phát triển tiến hành thu thuế là vô cùng cần thiết". Hội nghị G-7 cũng khẳng định lại cam kết của nhóm này về cải cách quy định tài chính.

Bộ trưởng Osborne nói: "Việc hoàn thành một cách nhanh chóng công việc của chúng tôi để bảo đảm rằng không có một ngân hàng lớn nào bị sụp đổ là vô cùng quan trọng. Chúng tôi cũng nhất trí về sự cần thiết cải cách cơ cấu để thúc đẩy tính cạnh tranh của tăng trưởng, bao gồm cả những thỏa thuận thương mại mới". Những hoạt động ngân hàng thất bại tại nhiều nơi trên thế giới đã là nguyên nhân của vụ khủng hoảng tài chính trong năm 2008 khiến cho kinh tế thế giới trượt xuống vực suy thoái sâu rộng nhất kể từ Thế chiến II

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.