Hội nghị G7 ra tuyên bố quan ngại hành vi của Trung Quốc:Ai gây sóng lớn?

Thứ Tư, 13/04/2016, 11:25
Bất chấp sự phản đối mang phong thái “kẻ cả” của Bắc Kinh, Tuyên bố chung của Hội nghị ngoại trưởng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. “Chúng tôi quan ngại về tình hình tại biển Hoa Ðông và Biển Ðông, đồng thời nhấn mạnh đến sự quan trọng nền tảng của việc quản lý và dàn xếp các tranh chấp một cách ôn hòa”.

Bản tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng các nước G7 viết như thế sau hai ngày hội họp tại Hiroshima, Nhật Bản. Tham dự hội nghị G7 lần này ngoài nước chủ nhà Nhật Bản còn có các ngoại trưởng Mỹ, Italia, Anh, Ðức, Canada, Pháp và đại diện Liên minh châu Âu. “Chúng tôi mạnh mẽ chống lại bất cứ hành động đe dọa, ức hiếp hay khiêu khích đơn phương nào có thể thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng. Ðồng thời chúng tôi thúc giục tất cả các nước kiềm chế các hành vi như bồi đắp đảo nhân tạo, bao gồm cả các vụ bồi đắp quy mô lớn, xây dựng tiền đồn cũng như sử dụng chúng cho các mục đích quân sự, các nước cần hành xử theo luật lệ quốc tế kể cả các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không”- bản tuyên bố chung viết.

Bản tuyên bố chung của Hội nghị G7 không nói thẳng ra nhưng ai cũng hiểu là nhắm vào các hành động bá quyền của Trung Quốc lâu nay trên cả hai vùng biển Hoa Ðông và Biển Ðông.

Ở phía Bắc, Trung Quốc không ức hiếp được một nước Nhật Bản hùng cường mọi mặt. Nhưng trên Biển Ðông, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia đều là những nước nhỏ yếu về quân sự. Bắc Kinh đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 rồi đến năm 1988 cướp thêm 6 bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa. Bây giờ, họ đã bồi đắp chúng thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển để khống chế toàn bộ Biển Ðông. Bị các nước G7 lên án, Bắc Kinh ngang nhiên đả kích rằng hội nghị này không nên “thổi phồng” vụ việc theo “lợi ích ích kỷ” của một số nước.

Nhóm G7 đã đưa ra thông cáo chung nói trên mặc dù hôm 9-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu là không đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông ra thảo luận tại cuộc họp ở Hiroshima. Hôm 11-4, Tân Hoa Xã cũng đã lên án Nhật Bản tìm cách “thao túng” cuộc họp các Ngoại trưởng nhóm G7 và cáo buộc chính phủ Nhật là “kẻ tạo ra sóng làm lật thuyền”.

Các ngoại trưởng G7 nhóm họp tại Hiroshima, Nhật Bản hôm 10-4.

Ông Malcom Davis, nhà phân tích kỳ cựu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, cho rằng: “G7 đang có những thái độ để làm rõ với Trung Quốc rằng nếu họ làm gì hơn nữa, sẽ có cái giá phải trả. Tuyên bố của G7 mang lại cho Mỹ một cơ sở vững mạnh hơn nhiều để Mỹ đi đến với các đồng minh chủ chốt, gồm cả Australia, và làm cho họ hành động nhịp nhàng cùng với Mỹ”.

Ông Davis cho rằng, Mỹ muốn vận động sự ủng hộ chính trị quốc tế trước khi tòa La Haye ra phán quyết về vụ khiếu nại của Philippines đối với Trung Quốc. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đi đến một tuyên bố tương tự của Liên Hiệp Quốc sẽ bị chặn đứng bởi Trung Quốc, là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và có quyền phủ quyết.

Ông Davis nhận định: “Tuyên bố của G7 có lẽ là điều tốt nhất mà Mỹ có thể có được vào giai đoạn này”. Mỹ lâu nay vẫn vận động cộng đồng quốc tế hậu thuẫn chính trị, làm áp lực với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp Biển Ðông.

Gián tiếp nhắc đến vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, nhóm G7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật hàng hải quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào của các tòa án và tòa trọng tài. Manila đã đề nghị Tòa trọng tài Quốc tế ở La Haye đưa ra phán quyết về đơn kiện của Philippines kiện tuyên bố đường “lưỡi bò” của Trung Quốc. Cái “lưỡi bò” ngang ngược này chiếm hơn 80% Biển Ðông mà nhiều đoạn lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Ngoại trưởng các nước G7 đặt vòng hoa tưởng niệm tại khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima, Nhật Bản.

Chính phủ Nhật hy vọng Tuyên bố chung của G7 phản ánh được nỗi lo ngại quốc tế về căng thẳng tại Biển Đông, với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại nhiều khu vực có tranh chấp chủ quyền. Tokyo dự kiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh cáo các hành động đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực, như các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn.

Trong hội nghị thượng đỉnh năm 2015, được tổ chức tại Đức, tuyên bố chung của G7 cũng đã “cực lực phản đối” việc đe dọa dùng vũ lực, sử dụng vũ lực, hoặc các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Mặc dù, không bị chỉ tên đích danh, nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đang có các hoạt động bồi đắp trên quy mô lớn nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.

Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trong bản tuyên bố đưa ra tại Hiroshima hôm 11-4, các ngoại trưởng G7 cũng đã kêu gọi “một thế giới không vũ khí hạt nhân”, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế đẩy nhanh và tăng cường cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Ngày 9-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra yêu cầu Hội nghị Ngoại trưởng G7 không được đề cập vấn đề Biển Đông.

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị G7, ngày 11-4, các ngoại trưởng G7 đã thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân của vụ Mỹ ném bom hạt nhân xuống thành phố này vào ngày 6-8-1945. Đây là lần đầu tiên, tất cả các ngoại trưởng G7 đến thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima.

Theo dự kiến, sau hội nghị Ngoại trưởng, các nước G7 sẽ tiến hành thêm nhiều hội nghị cấp Bộ trưởng trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 5 tới tại tỉnh Mie, Nhật Bản.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.