Hội nghị Geneva về Syria: Đột phá hay chỉ tạo đà?

Thứ Ba, 28/02/2017, 11:45
Ngày 22-2, đại diện các bên tham gia Hội nghị Geneva về hòa bình Syria đã đến thành phố Geneva, Thụy Sĩ theo lời triệu tập của LHQ để tiến hành vòng đàm phán mới. Dư luận không đặt nhiều hy vọng vào vòng đàm phán này, vì tình hình Syria đến nay đã có nhiều thay đổi so với vòng đàm phán trước.

Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura cho biết, vòng đàm phán mới - còn gọi là vòng đàm phán Genea IV - đang được khởi động lại giữa đại diện Chính phủ Syria với đại diện các nhóm đối lập ở Syria trong nỗ lực mới nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài đã 6 năm.

Những thắng lợi trên chiến trường của Tổng thống Bashar al-Assad, cộng với những nỗ lực ngoại giao của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chiến lược không chắc chắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Syria đã khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về triển vọng làm im tiếng súng, để đưa đất nước Syria trở lại với cuộc sống bình yên.

Theo ông De Mistura, đại diện các bên tham chiến ở Syria và các đại diện ngoại giao các nước khác và các tổ chức quốc tế đã đến Geneva trong 2 ngày 22 và 23-2 để tham gia vòng đàm phán. Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari tiếp tục là trưởng đoàn đàm phán cho Chính phủ Syria. Những gương mặt mới tham gia vòng đàm phán này có thể kể đến như trưởng phái đoàn của phe đối lập Syria là một gương mặt mới, Nasr Hariri, một bác sĩ 40 tuổi đến từ tỉnh Daraa, nơi khởi nguồn cuộc nổi dậy vào tháng 3-2011 dẫn đến cuộc nội chiến.

Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura.

Ông Hariri hiện nay là một thành viên cao cấp của Liên minh Quốc gia Syria (SNC), một trong những nhóm đối lập lớn nhất, bao gồm nhiều cái tên phiến quân nổi cộm. Những nhóm phiến quân bị xem là khủng bố tiếp tục không được tham gia đàm phán.

Một vấn đề được đặt ra là liệu hội nghị đàm phán lần này có mang lại điều gì khác so với lần đàm phán trước? Bối cảnh địa chính trị đã thay đổi khá nhiều kể từ khi ông De Mistura triệu tập hội nghị đàm phán lần trước cũng tại thành phố Geneva vào tháng 4-2016. Trước vòng đàm phán đó, trong giới ngoại giao phương Tây đã có một sự lạc quan nhất định, tuy âm thầm, rằng Nga sẽ sẵn sàng để cho một phái đoàn mang thiện chí hòa giải từ Chính phủ Syria đến tham gia đàm phán sau khi quân đội Nga can thiệp vào Syria.

Tuy nhiên, thay vì thế, các lệnh ngừng bắn liên tiếp đổ vỡ và thái độ đàm phán của các bên Syria không thống nhất với nhau xung quanh vấn đề chuyển tiếp chính trị. Những trục trặc đó buộc ông De Mistura phải hủy bỏ vòng đàm phán. Bản báo cáo tóm tắt sau vòng đàm phán đã đưa ra quá ít điểm thỏa thuận đạt được.

Sau khi phiến quân đối lập thất thủ ở Aleppo, cùng với nhiều nhóm phiến quân khác tan rã hoặc sáp nhập bằng vũ lực đẫm máu, tình hình thực tế ở Syria đã diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Chính phủ Syria, với nhiều phần lãnh thổ lần lượt được thu hồi từ tay các nhóm phiến quân, khủng bố. Tình hình đó buộc các nhóm đối lập ở Syria phải tính toán lại chiến lược, vì họ không còn ở thế có thể cầm cự với quân chính phủ trên mặt trận thực địa, kể cả căn cứ địa quan trọng nhất giờ cũng không còn.

Sự hậu thuẫn của nước ngoài, nhất là phương Tây và các đồng minh trong khu vực đã không đủ mạnh và hiệu quả để họ có thể chống lại quân đội chính phủ đang được hỗ trợ một cách hiệu quả từ Nga. Ngay cả người Mỹ cũng thừa nhận sự chắc chắn của Chính phủ Al-Assad hiện nay.

Vòng đàm phán Geneva về hòa bình Syria tháng 4-2016.

Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, đã nhìn nhận sự đổi thay rất lớn ở Syria, cho rằng nếu như cách đây một, hai năm, người ta có thể nghĩ đến việc ông Al-Assad phải ra đi và điều đó có thể xảy ra. “Nhưng hiện nay, tôi không nghĩ ông ta sẽ bị đánh bật ra khỏi chiếc ghế của mình” – ông Ford nhìn nhận.

Phát biểu trước báo giới hôm 22-2 về khả năng thành công của vòng đàm phán, ông De Mistura cam kết ông và đội ngũ trợ lý trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ thực hiện một “nỗ lực nghiêm túc” nhằm bảo đảm hội nghị thành công. Mistura dè dặt cho rằng ông không kỳ vọng sẽ có “đột phá” tại vòng đàm phán này mà chỉ hy vọng vòng đàm phán sẽ tạo đà để tiếp tục những vòng đàm phán tiếp theo.

De Mistura không nói cụ thể đàm phán tại Geneva lần này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng các chuyên gia về Syria cho rằng, vòng đàm phán này nên hướng đến việc các bên đồng lòng chấm dứt các hành động đẫm máu thay vì tập trung vào hóa giải những khác biệt vốn rất khó hòa hợp giữa các bên xung quanh vai trò tương lai của Chính phủ Al-Assad ở Syria. Tuy nhiên, De Mistura cùng các cộng sự vẫn khăng khăng theo đuổi quan điểm rằng không thể có hòa bình lâu dài ở Syria nếu không có sự đồng thuận chính trị về hệ thống điều hành quốc gia và bầu cử tự do.

Vòng đàm phán Geneva IV này diễn ra sau khi những cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra tại Astana, Kazakhstan, chủ yếu do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chủ xướng và điều phối. Những cuộc đàm phán đó đã tạo ra bước đột phá nhất định: Hai bên Syria đã chịu ngồi mặt đối mặt với nhau trong đàm phán. Tuy nhiên, De Mistura lại tỏ ra băn khoăn rằng liệu hình ảnh đó có thể lặp lại tại Geneva hay không? Ngừng bắn sau đàm phán Astana hầu như đang được tuân thủ tại Syria, nhưng ngày nào cũng có xảy ra vi phạm. Hiện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hợp tác để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình đi đến kết quả cuối cùng, nhưng con đường đến đó còn lắm chông gai.

Để góp phần làm cho đàm phán mau chóng đạt được kết quả cuối cùng, EU cũng đang có những động thái hậu trường gây áp lực lên Cao ủy Đàm phán – cơ quan đại diện cho mạng lưới các chiến binh phiến quân và các nhóm Syria đối lập chống Al-Assad – thừa nhận rằng họ đã thất bại cả về quân sự lẫn chính trị, và vì thế họ phải chấp nhận thỏa hiệp. Tuy nhiên, về mặt chính thức, phe đối lập Syria cho đến nay vẫn chưa chịu chấp nhận thất bại, chưa chịu khuất phục theo điều kiện EU đặt ra.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.