Hội nghị LHQ về người di cư: Cộng đồng cần hành động
Theo thống kê của LHQ, thế giới hiện có 65,3 triệu người rơi vào tình trạng không nơi ở, phải di cư, tị nạn, sống trong các “khu phố lều”, trại tị nạn tập trung với điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn, mất vệ sinh và không an toàn. Trong số đó có 21 triệu người phải rời bỏ đất nước vì chiến tranh. Rất nhiều cái chết thương tâm của người di cư, tị nạn đã xảy ra trên đường bộ, trên biển và ngay tại nơi họ đến, nơi được họ xem là “thiên đường”.
Theo dự báo của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), trong năm 2016 này, số người chết trong quá trình di cư, tị nạn sẽ vượt mốc 10.000 người.
Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing phát biểu mở màn hội nghị. |
Vấn đề người di cư, tị nạn đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng trong năm 2015, đỉnh điểm là khủng hoảng người di cư ở châu Âu với hàng trăm ngàn người từ Trung Đông, nhất là Syria, tràn vào châu Âu qua con đường Đông Âu, Nam Âu và Balkan. Liên minh châu Âu đã phải họp khẩn cấp để bàn biện pháp đối phó khủng hoảng, nhưng giải pháp cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ, với một số quốc gia đồng ý mở cửa biên giới, như Đức, còn một số quốc gia khác như Hungary, Rumani thì đóng cửa biên giới, xây hàng rào bê-tông để chặn người di cư. Sự bất đồng, thiếu hợp tác giữa các quốc gia được xem là nguyên nhân chính khiến cho châu Âu hầu như bất lực, chia rẽ.
Trong bối cảnh như thế, giới quan sát đặt ra câu hỏi: Liệu Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ có thể đưa ra được giải pháp nào để giải quyết vấn đề người di cư hay không? Câu trả lời nằm ở quyết tâm, ở sự cộng đồng trách nhiệm của các quốc gia. Nước chủ nhà Mỹ đã có một kế hoạch hành động riêng. Trước khi bước vào hội nghị, một số quốc gia thành viên đã bác bỏ bản dự thảo ban đầu của thỏa thuận.
Bản dự thảo kêu gọi các quốc gia chấp nhận cho tái định cư 10% số người di cư mỗi năm. Sự thiếu thống nhất, đồng thuận trong quan điểm và hành động là nguyên nhân quan trọng nhất khiến thế giới chưa thể giải quyết được vấn đề người di cư.
Năm 2016 được dự báo có hơn 10.000 người chết trong khi di cư. |
Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing đã nhấn mạnh mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết vấn đề người di cư, người tị nạn hiện nay là cộng đồng quốc tế cùng hành động, cùng chung sức, hiệp lực. Ông Swing nêu ra 3 yếu tố cốt lõi để chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận chung, đó là: xu hướng chung toàn cầu, niềm tin và thời điểm đưa ra thỏa thuận.
Di dân được thúc đẩy bởi các yếu tố như dân số, thảm họa, cách mạng kỹ thuật số, công nghệ, bất đồng Bắc - Nam và môi trường sống xuống cấp. Đây là vấn đề được tất cả các chính phủ trên thế giới đặt làm ưu tiên hàng đầu.
Ngày 20-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì một cuộc hội nghị riêng với các lãnh đạo thế giới, bên cạnh hội nghị của LHQ, để vận động đóng góp tài chính nhằm triển khai mở rộng các chương trình tái định cư cho người di cư.