Hội nghị Thượng đỉnh Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc

Thứ Tư, 14/09/2005, 10:16

Khai mạc ngày 14/9 tại thành phố New York (Mỹ), mục đích chính của Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ là đánh giá những tiến bộ trong việc thực thi cam kết trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của LHQ cách đây 5 năm; xem xét lại quá trình chống đói nghèo trên thế giới và đưa ra các mục tiêu mới về giáo dục, y tế, phát triển.

1 tỷ người châu Phi và 621 triệu người châu Á - Thái Bình Dương đang sống ở mức dưới 1 USD/ngày. Đói nghèo, bệnh tật cũng đã khiến mỗi ngày có gần 1 triệu người chết và khoảng 40.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì các bệnh sốt rét, tiêu chảy, viêm phổi. Đấy còn chưa kể mỗi ngày có khoảng 10.000 chết vì nạn dịch AIDS, 200 triệu trẻ em không được đi học và 600 triệu phụ nữ không biết chữ… Như vậy, mặc dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới vẫn chưa đẩy lùi được thực trạng đáng buồn tại nhiều quốc gia kém phát triển.

Bảng tổng kết 5 năm đầu tiên trong quá trình thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển tới năm 2015 của LHQ đã khẳng định cần phải quyết tâm giữ vững vai trò, trách nhiệm của người tài trợ và phải làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa và nhanh hơn nữa để giúp các nước đang phát triển giảm đói nghèo và cải thiện cuộc sống của người dân. Những gì được nêu trên đã và đang trở thành vấn đề cốt lõi được bàn đến tại Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ.

Với hơn 170 vị đứng đầu nhà nước và Chính phủ tham dự, Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ năm nay là hội nghị có nhiều nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng các nước tham dự nhất trong lịch sử 60 năm phát triển của LHQ. Đối với những đại biểu tham dự, Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ là nơi để họ bày tỏ quan điểm của quốc gia mình cũng như những khó khăn cần đến sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan cũng khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ là "cơ hội lịch sử" chỉ có một lần trong một thế hệ để quyết định những vấn đề hệ trọng của nhân loại trong các lĩnh vực phát triển, xoá đói giảm nghèo, an ninh và chống khủng bố, dân chủ và nhân quyền, cải tổ LHQ để làm cho tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này hoạt động có hiệu quả hơn trong sứ mệnh duy trì hoà bình, an ninh, thúc đẩy phát triển trên toàn cầu.

Dự kiến, khoảng 32 thỏa thuận về các vấn đề như quyền con người, vấn đề dân tị nạn, khủng bố, tham nhũng, tội phạm có tổ chức, môi trường và giải giáp vũ khí sẽ được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị. Đặc biệt, Hội nghị sẽ thảo luận và thông qua văn kiện cuối cùng được coi là kế hoạch hành động toàn cầu nhằm đáp ứng hiệu quả các thách thức trong thế kỷ 21.

Bên lề Hội nghị, chiến dịch "Kêu gọi toàn cầu hành động chống nghèo đói" một lần nữa lại được phát động với liên minh ngày càng lớn mạnh bao gồm các tổ chức, mạng lưới và các quốc gia cam kết xoá bỏ đói nghèo.

Với biểu tượng chung là một vòng băng trắng, thông điệp chính của chiến dịch trong năm 2005 là thương mại công bằng, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn viện trợ, cam kết thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ, phái đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dẫn đầu đã tới thành phố New York từ chiều 12/9 (giờ New York). Đoàn Việt Nam sẽ giới thiệu, chia sẻ với các nước kinh nghiệm để đạt được những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là thành tích xóa đói, giảm nghèo đạt mục tiêu trước thời hạn 10 năm

Việt Nam là ví dụ đáng khích lệ cho các nước đang phát triển

Báo cáo Phát triển con người của Văn phòng Tổ chức Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho biết, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng. Trong tổng số 177 nước được xếp hạng, vị trí của nước ta tăng thêm 4 bậc (từ vị trí 112 lên 108). Ông Jordan Ryan, điều phối viên thường trú LHQ nhận định, Việt Nam là ví dụ đáng khích lệ đối với các nước đang phát triển về đạt tốc độ phát triển kinh tế bền vững. Ông nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đạt thành tích tốt để thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức vì đói nghèo vẫn tồn tại ở một số khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. UNDP cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong giai đoạn tới, đồng thời hướng tới những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn nữa, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân.

P.V

Huyền Chi
.
.