Hội nghị Thượng đỉnh WTO từ 13-18/12/2005: Sẽ không có phép mầu!

Thứ Tư, 14/12/2005, 07:15

"Tôi không phải Harry Potter" - Tổng thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy phát biểu, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh WTO tổ chức tại Hongkong, ám chỉ rằng ông không có phép mầu để giúp hội nghị Hongkong đạt kết quả như ý.

Kinh tế gia Klaus Schwab thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới bổ sung: "Nếu hội nghị Hongkong thất bại, việc làm ăn sẽ mất niềm tin hoàn toàn đối với các tổ chức đa quốc gia". Trong thực tế, mỗi khi WTO nhóm họp, tình trạng bất ổn trong mậu dịch toàn cầu lại phơi bày. Nước nghèo vẫn thất thế, nếu không nói bị chèn ép từ nước giàu...

Trên một phóng sự của tuần báo Time: Một nông dân trồng bông tên Bafing Diarra tại làng Korokoro ở Mali (Tây Phi) quanh năm đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Nỗi khổ Bafing Diarra lặp đi lặp lại: hạt giống năng suất thấp; thời tiết khắc nghiệt và bông bán giá rẻ. Trong khi đó, 25.000 nông dân trồng bông tại Mỹ được trợ cấp 3 tỉ USD mỗi năm.

Washington duy trì mức giá mua ổn định khoảng 0,72 USD/pound (454 gr) - bất kể thời tiết hoặc biến động giá cả thị trường thế giới. Trong khi đó, nông dân trồng bông ở Mali chỉ kiếm được 0,42 USD/pound. Cả năm 2003, Diarra chỉ thu được 480 USD - khoản tiền khiêm tốn mà ông dùng mua 4 con bò và cho bọn trẻ đi học. Mùa thất bát như năm nay, Diarra chỉ có thể bán được 0,32 USD/pound và như vậy ông không thu được đồng lời nào mà còn nợ tiền mua hạt giống từ công ty nhà nước.

Tháng 10/2005, Mỹ cho biết sẽ giảm trợ cấp nông nghiệp 60%. Liên minh châu Âu (EU) loan bố giảm thuế nhập khẩu (trung bình 46%) đối với các mặt hàng nông nghiệp. Giảm như vậy là “hết mức” rồi - theo ủy viên mậu dịch EU Peter Mandelson. Tuy nhiên, “với tôi dường như chúng ta sẽ không đạt triển vọng nhiều tại Hồng Công như được kỳ vọng” - phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Mike Johanns.

Cần nói thêm, theo OXFAM, từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nông nghiệp bông Mỹ được trợ cấp, xuất khẩu bông Mỹ ra thị trường thế giới đã tăng từ 17% năm 1998 lên đến 41% năm 2003, trong khi giá bông thế giới giảm 1/2. Ủy ban Tư vấn bông quốc tế cho biết, nông dân trồng bông tại các nước đang phát triển trong đó có Burkina Faso, Brazil, Ấn Độ, Mali và Pakistan đã mất 23 tỉ USD trong 4 năm qua bởi chính sách trợ cấp nông nghiệp bông phương Tây.

Điều mỉa mai là “viện trợ cứu đói” của Mỹ lại gần như luôn thấp hơn thiệt hại mà Mỹ gây ra cho nước được nhận viện trợ. Burkina Faso chẳng hạn, nước này được Mỹ viện trợ 10 triệu USD năm 2002 nhưng tổn thất nông nghiệp bông của họ lên đến 13,7 triệu USD!

Năm 2004, Brazil (hiện là nước xuất khẩu bông thứ hai thế giới sau Mỹ) đã thắng kiện khi “khởi tố” Mỹ lên WTO vụ trợ cấp nông nghiệp bông (Mỹ kháng án nhưng bị khước từ). Khi Quốc hội Mỹ thất bại việc hiệu chỉnh chính sách trợ cấp của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ theo thời hạn quy định (tháng 9/2005) như yêu cầu WTO, Brazil đã thể hiện tư cách thành viên WTO về quyền “ăn miếng trả miếng”, khi tuyên bố họ không bảo đảm việc ngăn chặn tình trạng ăn cắp bản quyền sản phẩm văn hóa - dược phẩm cũng như nhiều sản phẩm khác của Mỹ.

Washington đòi Brazil thoái bộ hoặc lãnh đòn trừng phạt từ Quốc hội Mỹ nhưng Brazil chẳng những tiếp tục “lì mặt” mà còn đòi Mỹ bồi thường thiệt hại 1 tỉ USD (từ chính sách trợ cấp nông nghiệp gây thiệt hại cho nông dân Brazil). Trong thực tế, vụ Brazil chỉ là trường hợp cá biệt và hãn hữu của cái gọi là “con kiến kiện củ khoai”. Tổ chức Hợp tác kinh tế - phát triển (OECD) cho biết thêm, các nước giàu hiện chi hơn 280 tỉ USD/năm cho “hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”.

Nicholas Stern (Kinh tế viên trưởng của Ngân hàng Thế giới - WB) tính rằng 1 con bò châu Âu được trợ cấp 2,5 USD/ngày (trong khi 75% người châu Phi sống với không đến 2 USD/ngày!). Rõ ràng, “chơi” kiểu mafia như vậy thì nông dân nước nghèo không thể nào địch nổi! Xin nhắc lại một chuyện đau lòng. Năm 2003, khi Hội nghị WTO tổ chức tại Cancun, nông dân trồng lúa Lee Kyung-hae (Hàn Quốc) đã tự tử (đâm vào tim) để phản đối thất bại trong chính sách bảo hộ nông dân nước mình cũng như sự chèn ép của phương Tây nhằm vào hạt gạo Hàn Quốc trên thị trường thế giới!

M.Kim
.
.