Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều: Xoay chuyển thế cục
- Hậu trường đầy xúc động của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều
- Truyền thông Hàn-Triều đưa tin đa chiều về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều
- Phản ứng đầu tiên của Tổng thống Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều
“Cành ô liu”
Có thể khẳng định rằng kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 là sự kiện mà chỉ cách đây vài tháng những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới. Dù việc lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trực tiếp gặp nhau không thể giải quyết ngay trong “một sớm một chiều” mọi vấn đề đã được coi là “hồ sơ nóng” của thế giới trong nhiều thập niên qua, song cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên sau 11 năm qua này vẫn được xem như một “cây cầu” không chỉ nối đôi bờ “dòng sông chia cắt” hai miền, mà còn có thể dẫn đến con đường dài phía trước hướng tới hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.
Những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên sau khi hai miền đạt được thỏa thuận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4, cho thấy cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thể hiện thái độ nghiêm túc, thiện chí và quyết tâm biến cơ hội hiếm có này thành “cú hích” tạo bước ngoặt hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Và cuộc gặp này là kết quả của các nỗ lực kiên định hòa giải với Triều Tiên trong một năm qua của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bất chấp những căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa, trong đó có 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Có thể thấy rõ thiện chí này khi trước thềm hội nghị, hai bên cũng đã thiết lập đường dây nóng và duy trì liên tục các cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước cùng với hàng loạt chuyến công du “con thoi” của các nhà ngoại giao và quan chức Hàn Quốc tới Mỹ, Nhật Bản..., hay của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc và giới chức Triều Tiên tới Nga... cho thấy cả Bình Nhưỡng và Seoul đều đã có những bước “dọn đường” hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, hai bên đều có các biện pháp gây dựng lòng tin và tránh gây căng thẳng như thời gian tập trận Mỹ - Hàn được rút ngắn hay không có sự tham gia của các khí tài chiến lược của Mỹ, như siêu hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược hay tàu ngầm hạt nhân...
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc phát biểu với báo chí sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm 27-4. Ảnh: Reuters. |
Về phần mình, Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, đóng cửa cơ sở thử hạt nhân tại Punggye-ri, đồng thời nhất trí đàm phán không kèm điều kiện tiên quyết là quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc cũng là điểm được phía Seoul đánh giá cao. Nhằm tạo thêm bầu không khí hữu nghị trước thềm cuộc gặp lịch sử này, bên cạnh hoạt động của các nhà ngoại giao là các hoạt động giao lưu, văn hóa thể thao, thể hiện tình đoàn kết giữa nhân dân hai miền.
Những hoạt động ngoại giao nhân dân này đang tạo sự kết nối, gần gũi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, càng làm cho lãnh đạo hai bên có thêm động lực để có những bước đi đáp ứng mong ước của người dân. Với cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4, hai miền Triều Tiên đã có một cơ hội “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là cuộc gặp “dẫn đường” cho hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng mà sự kiện lịch sử này đem lại, nhất là cho tiến trình hòa giải giữa hai miền cũng như quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ. Sau một thời gian dài căng thẳng, có lúc tưởng chừng cận kề xung đột, cuối cùng, các bên cũng tìm được cơ hội đối thoại hòa bình.
Đương nhiên, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây không thể bỏ qua “cành ô liu” của Bình Nhưỡng vì đây có thể là chuyển động lớn để hướng tới mục tiêu lớn nhất là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Sức mạnh nhân đôi
Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, ngày 30-4, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin quốc hội nước này đã thông báo quyết định hợp nhất múi giờ Triều Tiên với múi giờ Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 5-5 tới trong nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cũng hối thúc quốc hội phê chuẩn Tuyên bố chung Panmunjom.
Phát biểu tại cuộc gặp các trợ lý, diễn ra hằng tuần tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), ông Moon Jae-in nêu rõ: “Tôi đề nghị nhanh chóng bắt đầu các bước để Tuyên bố chung Panmunjom được phê chuẩn theo luật định về phát triển quan hệ hai miền”. Đây là lần đầu tiên Tổng thống hoặc Chính phủ Hàn Quốc lưu ý sự cần thiết của việc quốc hội phê chuẩn thỏa thuận liên Triều mới nhất này.
Ông Moon khẳng định: “Tuyên bố Panmunjom là một tuyên bố hòa bình để nói với toàn thế giới rằng sẽ không còn bất cứ cuộc chiến tranh hay mối đe dọa hạt nhân nào trên Bán đảo Triều Tiên”.
Tổng thống Moon Jae-in cũng muốn hiện thực hóa giấc mơ của mình về tái thống nhất Bắc - Nam, điều chắc chắn sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần. Các cuộc đàm phán hiện nay đang làm nhen nhóm tia hy vọng về một tương lai hòa bình và thống nhất toàn diện. Để thực sự nắm bắt được cơ hội “hiếm hoi” hiện nay, Hàn Quốc đang phải đi những bước rất thận trọng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un cùng hai Đệ nhất phu nhân chụp ảnh lưu niệm. Ảnh AP. |
Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ đạo không đề cập đến vấn đề nhân quyền trong thời điểm này, cũng như làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến mối quan hệ Bắc - Nam. Các chương trình phát thanh chỉ trích Triều Tiên ở khu vực biên giới đã được dừng lại. Mọi tuyên bố đưa ra cũng được cân nhắc kỹ từng câu từ.
Tổng thống Moon Jae-in cần phải đảm bảo rằng sẽ tạo ra được không khí thực sự thoải mái để hai bên có thể đi vào thảo luận những vấn đề cốt yếu nhất vì một tương lai thống nhất, hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Bộ Giao thông Hàn Quốc đang xem xét một tập hợp các phương thức nhằm chuẩn bị cho việc triển khai đầy đủ các dự án kinh tế xuyên biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Ngày 29-4, một quan chức Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết hiện cơ quan đang xem xét, đánh giá các nghiên cứu được thực hiện trước đây và một tổ công tác có thể được thành lập để từng bước triển khai các biện pháp tiếp theo sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tại làng đình chiến Panmunjom.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 29-4 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thông báo kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này vào tháng 5 tới. Ông Kim Jong-un cho biết sẽ mời các chuyên gia an ninh và nhà báo đến Triều Tiên để chứng kiến việc này. Ông cũng nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không cần vũ khí hạt nhân nếu Mỹ chính thức kết thúc chiến tranh và cam kết chính sách không xâm lược.
Có hơn 60% người dân Hàn Quốc tin tưởng Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, một cuộc khảo sát cho thấy điều đó vào sáng 30-4. Những người không tin tưởng Bình Nhưỡng chỉ chiếm 28,3%, trong khi 7% cho biết họ không chắc chắn. Trong một cuộc khảo sát tương tự, 52,1% những người được phỏng vấn cho biết họ từng không tin tưởng CHDCND Triều Tiên nhưng bây giờ họ tin, trong khi đó 26,2% cho biết họ chưa tin và vẫn hoài nghi.
Những người tuyên bố tin tưởng CHDCND Triều Tiên trước đây và hiện nay lên đến 12,6%. Được đài truyền hình địa phương CBS ủy quyền, cuộc khảo sát được thực hiện đối với 500 người trưởng thành trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Tỷ lệ sai sót 4,4% với mức độ tin cậy 95%.
Vẫn còn một cuộc gặp nữa...
Sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, mọi con mắt đổ dồn về cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Ngày 30-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có câu trả lời về địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều khi đề xuất tiến hành ngay tại làng đình chiến Panmunjom, nơi cũng vừa diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa hai lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên. Ông Trump đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh này có thể diễn ra tại Nhà Hòa bình hoặc Nhà Tự do bên lãnh thổ Hàn Quốc trong làng đình chiến Panmunjom. Hai tòa nhà này chỉ nằm cách nhau 130 mét.
Theo dự kiến, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Trong thông báo trên trang Twitter, ông Trump viết: “Rất nhiều nước đang được cân nhắc cho cuộc gặp thượng đỉnh (với Triều Tiên), nhưng Nhà Hòa bình và Nhà Tự do tại biên giới hai miền Triều Tiên là địa điểm cuối cùng, quan trọng và có tính đại diện hơn một nước thứ ba”.
Để thể hiện thiện chí với Triều Tiên, trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết việc rút binh sỹ Mỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên sẽ được thảo luận với các đồng minh nếu Triều Tiên đề nghị điều đó như một phần của tiến trình đạt được một thỏa thuận hòa bình. Mỹ sẽ bàn việc rút binh sỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên nếu có yêu cầu, theo Sputniknews.
Khó có thể đánh giá chắc chắn cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cho đến khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump ngồi vào bàn đàm phán. Đó có thể là khoảnh khắc hòa bình thực sự bén rễ hoặc sụp đổ. Số phận của cuộc gặp liên Triều phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim.
Truyền thông Hàn Quốc ngày 30-4 đưa tin nước này đang chuẩn bị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên với Mỹ và Triều Tiên trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới.
Theo nhật báo Munhwa Ilbo của Hàn Quốc, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nhật Bản có khả năng được bình thường hóa trước cuối năm nay và cuộc đàm phán 6 bên về việc thực hiện lộ trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có thể được nối lại.
“Mô hình Libya” khó khả thi
Liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa, tân Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với Fox News rằng Mỹ có thể sử dụng thỏa thuận giải trừ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt với Libya đạt được dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi làm mô hình cho thỏa thuận hạt nhân Triều tiên sắp tới. “Đương nhiên là có sự khác biệt rõ ràng.
Chương trình vũ khí của Libya nhỏ hơn rất nhiều nhưng nội dung cơ bản thì có thể áp dụng được”, ông Bolton khẳng định. Song, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu áp dụng nguyên mẫu khó mà khả thi.
Vào năm 2003, nhà lãnh đạo Muammar Gaddfi đã đạt được một thỏa thuận với phương Tây về chương trình vũ khí của mình. Theo đó, Libya hủy bỏ “chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt” và đổi lại, Mỹ và EU sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế. 8 năm sau đó, trong sự kiện “Mùa xuân Ảrập” do NATO hỗ trợ, “chống lưng”, ông bị lật đổ và sát hại. Libya rơi vào vòng bất ổn cho tới nay.
Các chuyên gia cũng cho rằng Libya và Triều Tiên là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nên việc so sánh không giúp ích gì nhiều cho cuộc gặp dự kiến giữa hai ông Trump và Kim Jong-un.
Từ ngày 1-5 quân đội Hàn Quốc bắt đầu dỡ bỏ hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở khu vực biên giới. Ảnh: AP. |
Có thể phỏng đoán một số kịch bản về tình hình Triều Tiên trong thời gian tới như sau. Kịch bản thứ nhất là Tổng thống Donald Trump điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, chấp nhận các phương án phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mang tính giai đoạn như: đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ngừng thử hạt nhân, thanh tra cơ sở hạt nhân của Triều Tiên... Đồng thời Mỹ đưa ra những bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, từng bước nới lỏng trừng phạt, bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều.
Kịch bản thứ hai là trong quá trình đối thoại liên Triều và Mỹ - Triều nảy sinh những khác biệt và bất đồng khiến đối thoại bị gián đoạn, Triều Tiên lại khôi phục thử tên lửa và hạt nhân, tình hình Triều Tiên căng thẳng trở lại. Khi đó, chính quyền Mỹ tiếp tục gia tăng đe dọa về quân sự, thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp tấn công mang tính trừng phạt vào một số mục tiêu quân sự của Triều Tiên được lựa chọn kỹ.
Kịch bản thứ ba, là trong tay Kim Jong-un có những quân bài tốt đủ sức thuyết phục Mỹ, đưa tiến trình đối thoại Mỹ - Triều dần hướng đến xu hướng “hợp tác chiến lược”. Khả năng này tuy thấp nhưng cũng không nên loại trừ.
Mọi việc vẫn ở phía trước, rất khó đoán định. Song, cũng như cuộc gặp liên Triều vừa diễn ra, điều cần nhất vẫn là thiện chí hòa bình chứ không phải lợi dụng chiến tranh hay căng thẳng để trục lợi.