Hội nghị cấp cao APEC 2014: Những cuộc gặp gay cấn

Thứ Ba, 18/11/2014, 16:35

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới không chỉ bởi vai trò lãnh đạo đang lên của nước chủ nhà mà còn bởi hội nghị này là cơ hội cho các cuộc “đối mặt” gay cấn giữa lãnh đạo các quốc gia đang có gút mắc với nhau.

Hội nghị APEC hàng năm là nơi để các nước trong khu vực bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư. APEC năm nay cũng thế. Trên bàn hội nghị, các quốc gia trong khu vực đang tìm cách hoàn tất đàm phán Hiệp ước Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng bên ngoài hội nghị là những cuộc gặp gỡ, mang màu sắc chính trị, những hoạt động “ngoại giao con thoi” của các quốc gia đang nuôi tham vọng lãnh đạo thế giới.

Đối với nước chủ nhà Trung Quốc, Hội nghị APEC là dịp để nước này phô trương “sức mạnh siêu cường mới”, được thể hiện bằng các mối quan hệ về kinh tế với các đối tác trong khu vực. Ngay trước thềm hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tranh thủ thời gian để giới thiệu Trung Quốc như một thế lực mới thay thế Mỹ.

Tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục các hoạt động “ngoại giao con thoi” ngay tại Bắc Kinh để thắt chặt quan hệ kinh tế, tài chính với các quốc gia trong khu vực, nhằm khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế trong khu vực.

Quang cảnh APEC 2014 tại Bắc Kinh.

Trong tương quan các mối quan hệ đó, các cuộc gặp riêng giữa Chủ tịch Trung Quốc với một loạt lãnh đạo các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Hàn Quốc, Australia,… đều mang ý nghĩa chung là siết chặt quan hệ kinh tế, làm suy yếu các quan hệ của Mỹ ở châu Á. Dù là đồng minh của Mỹ, nhưng Hàn Quốc, Australia lại có quan hệ mậu dịch với Trung Quốc nhiều hơn. Trong khi đó, báo chí phương Tây lại đưa tin đậm nét về cuộc gặp “động đất” (theo BBC News) giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong cuộc gặp này, Chủ tịch Tập Cận Bình đang ở cái thế “kèo trên” trong khi Thủ tướng Nhật Bản là vị khách đang mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh sau một loạt va chạm căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền các hòn đảo trong biển Hoa Đông.

Theo mô tả của các phóng viên báo chí, thái độ của ông Tập Cận Bình là “thờ ơ, lạnh nhạt”, thậm chí không thèm đối đáp với ông Abe. Cái bắt tay của 2 ông mang vẻ gượng gạo nhiều hơn là thiện chí “làm lành”.

Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, APEC sẽ giúp ông lấy lại “cân bằng” sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thất bại ê chề. Báo chí Mỹ nêu rõ rằng, dự Hội nghị APEC lần này, ông Obama có tham vọng kiềm chế Trung Quốc để bảo đảm quyền lực chi phối của Mỹ trong khu vực. Địa vị quyền lực của Mỹ ở châu Á đang lung lay bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc. Ông Obama đã nỗ lực xua tan mối lo ngại rằng Mỹ đang bị tụt hậu, rằng Trung Quốc đang thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực. Nhưng Trung Quốc đang nắm thế chủ động trong việc điều tiết chính sách kinh tế, tài chính có lợi cho mình, và các nước trong khu vực nhận thấy có lợi nhiều hơn khi thúc đẩy quan hệ kinh tế với nước này.

Bắc Kinh cũng muốn thể hiện mình là một đối tác có trách nhiệm khi chủ động nâng giá trị đồng nhân dân tệ, tự do hóa thị trường và một số động thái khác. Vì thế, sẽ rất khó cho ông Obama khi chỉ trong một chuyến công du châu Á, tham dự APEC và sau đó là thăm chính thức một số nước, để thực hiện được việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin  và Thủ tướng Australia Tony Abbott tại Hội nghị APEC.

Tại Hội nghị APEC, ông Obama còn đối mặt với một thách thức lớn khác, đó là sự hiện diện của Tổng thống Nga Putin. Đã lâu rồi giữa 2 vị nguyên thủ quốc gia không có các cuộc đối thoại trực tiếp nào do quan hệ Nga - Mỹ trở nên rất xấu vì cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Các nhà bình luận quốc tế đánh giá rằng, việc Mỹ và các đồng minh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và bênh vực, lôi kéo Ukraina về phía mình đã tạo nên một tình thế gần giống với Chiến tranh lạnh trước đây, và người ta cảnh báo Chiến tranh lạnh đang quay trở lại nếu 2 bên tiếp tục có những động thái leo thang.

Mặt khác, việc Mỹ và đồng minh đối xử mạnh tay với Nga đã vô tình đẩy nước này xích gần hơn với Trung Quốc, tạo thành một “cặp đôi quyền lực”, một đối cực mới trong một trật tự thế giới mới với sức mạnh mà Mỹ không thể kiềm chế được. Vì vậy, 2 cuộc gặp của ông Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình và với Tổng thống Nga Putin sẽ mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khả năng tiếp tục “lãnh đạo thế giới” của Mỹ trong thế kỷ XXI này.

Một dấu hỏi lớn đang được đặt ra cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott với Tổng thống Nga Putin. Trước hội nghị, ông Abbott đã rất “máu lửa” với những tuyên bố hùng hồn về cuộc nói chuyện giữa ông với Tổng thống Putin tại diễn đàn APEC xung quanh vụ tai nạn máy bay MH17 trong đó có nhiều nạn nhân là công dân Australia.

Ông Abbott đã “hăm dọa” sẽ chất vấn trực tiếp ông Putin, sẽ buộc ông Putin phải “chịu trách nhiệm” về vụ MH17, nhưng càng gần đến ngày gặp nhau, ông Abbott càng hạ giọng. Có lẽ, những vấn đề kiểu như Ukraina hay MH17 không phù hợp với diễn đàn APEC, vốn chỉ là nơi để các quốc gia trong khu vực cùng nhau bàn các giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế. Vì thế, có dư luận cho rằng sẽ không có cuộc đối đầu nảy lửa nào giữa Thủ tướng Abbott với Tổng thống Putin

Văn Trương (tổng hợp)
.
.