Hội nghị liên Triều: Chưa thể tháo gỡ gút mắc
Đoàn tụ gia đình là chủ đề trọng tâm nhất hiện nay trong quan hệ 2 miền Triều Tiên, là nội dung chính của cuộc họp khẩn cấp cao liên Triều vừa diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trong khu ranh giới pho quân sự của 2 miền. Nhưng đoàn tụ gia đình cũng đang đứng trước nguy cơ hoãn vì lý do mang màu sắc “chiến tranh”.
Các cuộc họp liên Triều bắt đầu từ ngày 5/2/2014, và cuộc họp cuối cùng kết thúc vào ngày 12/2/2014. Giới quan sát gọi đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa 2 miền Triều Tiên kể từ năm 2007. Nội dung và cũng là mục đích chính của cuộc họp là để bàn về việc tổ chức đợt đoàn tụ gia đình Nam - Bắc Triều Tiên quy mô lớn đã bị gián đoạn từ hơn 3 năm qua.
Cuộc họp được đánh giá là diễn ra khá căng thẳng khi các đại diện đàm phán của 2 miền đều không ai nhượng bộ ai. Nhiều vấn đề quan trọng khác đã không được đề cập trong cuộc họp. Kết thúc cuộc họp, phía Hàn Quốc tổ chức họp báo và không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về những tiến bộ đạt được. Giữa 2 miền Triều Tiên vẫn có những khác biệt khá lớn về quan điểm đối với nhiều vấn đề khác nhau, kể cả những vấn đề liên quan đến việc tổ chức đoàn tụ gia đình, do đó cũng không thể chốt lại việc đó có chắc chắn hay không.
Chỉ có điều chắc chắn là, 2 miền sẽ lại họp vào ngày 14/2 để gút lại lần cuối những gút mắc, điều kiện hai bên đặt ra đối với việc tổ chức đoàn tụ gia đình.
Cho đến bây giờ, 2 miền Triều Tiên vẫn theo đuổi luận điệu ngoại giao so kè nhau. Đại để là, khi nói về việc tổ chức cuộc họp cấp cao liên Triều, đại diện ngoại giao Hàn Quốc nhiều lần nhắc lại rằng cuộc họp trên là "do phía CHDCND Triều Tiên yêu cầu", hàm ý rằng chính CHDCND Triều Tiên đã phải hạ mình nói chuyện trước, thể hiện thái độ "cứng rắn một cách hợp lý" của Seoul. CHDCND Triều Tiên không tranh cãi điều này. Vấn đề quan tâm của Bình Nhưỡng là thái độ nghiêm túc của Seoul trong các vấn đề trao đổi giữa 2 miền mà không cần có sự tham gia của bên thứ ba nào - tức là Mỹ, người "bạn" của Hàn Quốc.
Theo kế hoạch đã thỏa thuận thì đợt đoàn tụ gia đình Nam - Bắc Triều sẽ bắt đầu từ ngày 20/2 và kết thúc vào ngày 25/2. Tuy nhiên, vấn đề lấn cấn ở đây là cuộc tập trận hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc ở vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên vẫn được tiến hành như dự kiến, và điều này đang khiến cho CHDCND Triều Tiên nổi giận.
Các quan chức cấp cao 2 miền Triều Tiên bắt tay nhau trước khi bước vào cuộc họp ngày 12/2. |
Không khí trên bán đảo Triều Tiên những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014 đã nóng dần lên, nhất là sau khi Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Hàn Quốc (tháng 12/2013). Sau đó, Bình Nhưỡng đã dịu giọng, đưa ra những đề nghị đối thoại liên Triều, nhưng rồi căng thẳng đã quay trở lại với việc Mỹ đưa máy bay ném bom hạng nặng B-52 (có khả năng mang bom hạt nhân) đến quần thảo trên không phận Hàn Quốc khiến Bình Nhưỡng đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.
Chưa hết, Seoul cùng Washington tuyên bố quyết định tổ chức tập trận chung vào đầu năm nay. Cuộc tập trận hàng năm mang tên Key Resolve và Foal Eagle được triển khai định kỳ, theo hai giai đoạn, trong đó Key Resolve là giải pháp mô phỏng trên bàn phím máy vi tính, còn Foal Eagle là diễn tập thực địa trên bộ, trên không và trên biển.
Năm nào cũng như năm nào, cứ vào đầu năm mới là bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng bởi các cuộc tập trận phối hợp Mỹ - Hàn. Seoul và Washington luôn luôn khẳng định rằng, tập trận thường niên của họ là "hoạt động bình thường". Nhưng Bình Nhưỡng lại không xem đó là hoạt động bình thường.
Đối với Bình Nhưỡng, tập trận Mỹ - Hàn là một cuộc diễn tập quy mô lớn cho một cuộc xâm lược miền Bắc. Trong điều kiện bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật, thì việc tổ chức tập trận như thế này, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng, là một việc nguy hiểm.
Ngày 6/2, Bình Nhưỡng ra tuyên bố dọa hủy kế hoạch đoàn tụ gia đình Nam - Bắc Triều nếu Mỹ - Hàn vẫn tiến hành tập trận chung. Sau cuộc họp ngày 12/2, Bình Nhưỡng lại đưa ra yêu cầu Mỹ - Hàn hoãn tập trận cho đến cuối tháng 2/2014. Phía Hàn Quốc bác bỏ yêu cầu này của Bình Nhưỡng và khẳng định tập trận sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Báo chí Hàn Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại việc Seoul không đáp ứng yêu cầu của Bình Nhưỡng có thể khiến cho nhiều gia đình Triều Tiên bị chia cách bởi cuộc chiến 1950-1953 mất đi cơ hội đoàn tụ. Việc tổ chức đoàn tụ gia đình Nam - Bắc Triều Tiên đã bị gián đoạn hơn 3 năm qua, sau lần cuối cùng vào năm 2010 chính là do việc Bình Nhưỡng phản đối Mỹ - Hàn tập trận chung. Nay, tập trận lại diễn ra gần như trùng với đợt đoàn tụ khiến cho khả năng bị hủy cao hơn.
Cuộc họp tại Bàn Môn Điếm hôm 12/2 đã không thể giải quyết được vấn đề, khi Bình Nhưỡng không bảo đảm kế hoạch đoàn tụ có chắc chắn được triển khai, tất cả tùy thuộc vào ứng xử của các bên.
Tập trận KeyResolve/FoalEagle luôn là vấn đề gây căng thẳng 2 miền Triều Tiên và đang cản trở chương trình đoàn tụ gia đình. |
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 13/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mở đầu chuyến công du 3 nước châu Á (gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia) bằng chuyến thăm Hàn Quốc. Báo chí Mỹ đưa tin, chuyến đi lần này của ông Kerry là nhằm tìm cách giải tỏa căng thẳng ở Đông Bắc Á và trên vùng biển Hoa Đông, nhưng mục tiêu đích thực của ông Kerry lại nằm ở bán đảo Triều Tiên, trong đó CHDCND Triều Tiên là vấn đề cốt lõi nhất.
Có mặt tại Seoul chiều ngày 13/2, ông Kerry đã kêu gọi Bình Nhưỡng "không nên gắn chương trình đoàn tụ gia đình với hoạt động quân sự", tức là không nên "gài" chuyện tập trận Mỹ - Hàn như một điều kiện để tổ chức đoàn tụ gia đình.
Phát biểu trước báo chí hôm 13/2, Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae cũng tỏ ra rất "lạc quan" về việc tổ chức đoàn tụ gia đình, cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không hủy đoàn tụ, dựa vào thái độ dịu giọng khi đưa ra yêu cầu hoãn chứ không hủy tập trận như những năm trước đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nếu tập trận vẫn diễn ra, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ hủy 2 ngày cuối của đoàn tụ gia đình vì trùng với cuộc tập trận của Mỹ - Hàn