Hội nghị quốc tế về cấm sử dụng bom chùm: Sẽ có một công ước lịch sử ra đời

Thứ Hai, 02/06/2008, 10:45
Đại diện của 109 quốc gia trên thế giới đã nhóm họp từ ngày 19/5 vừa qua tại Dublin, Ireland, nhằm thảo luận trong 12 ngày một công ước đầy tham vọng cấm các loại bom chùm trên toàn thế giới.

Hội nghị quốc tế này là bước tiếp nối của tuyên bố chung được 46 quốc gia đưa ra hồi tháng 2/2007 tại Oslo, Na Uy, kêu gọi đến cuối năm 2008 các loại bom chùm sẽ bị cấm sử dụng, sản xuất, buôn bán và tàng trữ trên toàn thế giới.

Mục tiêu của hội nghị này là nhằm đạt được một hiệp ước quốc tế về bom chùm cũng giống như Công ước Ottawa lịch sử đã đạt được hồi năm 1997 về cấm các loại mìn sát thương cá nhân.

Mặc dù hội nghị này không được Liên Hiệp Quốc bảo trợ (vì sợ bị phủ quyết do các nước sản xuất bom chùm chính trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và Israel không tham gia) nhưng trong một đoạn băng video phát đi từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi 109 quốc gia tham dự hội nghị cần mạnh dạn và nhìn xa trông rộng để từ nay đến ngày 30/5 đạt được một thỏa ước cấm sử dụng, sản xuất và thương mại các loại bom chùm.

Ông Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng rằng, hội nghị sẽ đặt dấu chấm hết cho những “nỗi kinh hoàng giấu mặt” gây ra do bom chùm.

Trong ngôn từ quân sự, bom chùm là loại vũ khí sát thương hàng loạt, được thả từ trên không hay bắn đi từ dưới đất, phóng ra khoảng 650 quả bom phụ nhỏ hơn, trong phạm vi một khu vực rộng lớn. Các quả bom nhỏ sau đó sẽ bắn ra những quả bom nhỏ sát thương người.

Theo ông Steve Goose, Giám đốc điều hành Phân ban vũ khí của tổ chức Human Rights Watch, thì khi hàng trăm hay hàng ngàn đạn dược phụ được phóng ra từ những quả bom riêng rẽ, chúng tỏa ra một khu vực rộng tương đương với diện tích nhiều sân bóng đá, và người ta không thể nhắm mục tiêu một cách chính xác. Vì thế, khi được sử dụng trong các khu vực đang có người dân sinh sống hoặc những nơi người dân di tản vì chiến tranh, thì số lượng người dân vô tội bị thương vong không thể tiên đoán được.

Chưa hết, những quả bom nhỏ bắn ra từ bom chùm chưa nổ còn tạo nên một mối nguy hiểm tiềm tàng khác ngay sau khi nó rơi xuống đất. Nếu đụng, đạp phải chúng, nhặt chúng lên thì chúng sẽ nổ.

Theo Tổ chức phi chính phủ Handicap International, mỗi năm có khoảng 150.000 đến 200.000 người là nạn nhân của những quả mìn hoặc bom chùm phát nổ. Như vậy cứ 30 phút trên thế giới lại có một người bị thương vong vì bom chùm.

Theo ước tính, có khoảng từ 5%-30% những quả bom con từ bom chùm thả xuống không phát nổ ngay và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng tại các nước như Lào, Việt Nam, Bosnia, Iraq, Afghanistan hay Liban.

Theo các tổ chức chống bom chùm, có ít nhất 77 quốc gia trên thế giới hiện còn tàng trữ nhiều tỉ quả bom con trong bom chùm, trong đó Mỹ có khoảng 700 đến 800 triệu quả. Handicap International còn chỉ rõ có ít nhất 59 công ty tiếp tục chế tạo bom chùm hay các linh kiện tạo bom chùm, trong đó một nửa đóng tại châu Âu và 8 công ty tại Mỹ.

Gần đây nhất, binh sĩ Iraq là phía hứng chịu các loại bom chùm trong cuộc chiến Vùng Vịnh. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam,  Mỹ đã sử dụng loại vũ khí này rất nhiều. Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từng thả bom chùm xuống Nam Tư cũ hồi thập niên 90 của thế kỷ trước và lực lượng do Mỹ đứng đầu đã sử dụng bom chùm tại Afghanistan để giúp lật đổ phe Taliban vào năm 2001.

Hội nghị tại thành phố Dublin lần này nhằm thảo luận nốt Dự thảo Hiệp ước Olso. Bản dự thảo hiệp ước này đặt ra thời hạn 6 năm cho các nước tham gia để tiêu hủy toàn bộ số bom chùm đã được sản xuất ra và đang được tàng trữ. Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến việc trợ giúp các nạn nhân bom chùm, rà phá và làm sạch môi trường khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Liên minh chống lại bom chùm (CMC), tổ chức đứng đầu 250 tổ chức đấu tranh chống bom chùm, bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia tham gia hội nghị đang có những dấu hiệu tìm mọi cách giảm nhẹ những cam kết.

Nước Anh tuy có đại biểu tham dự hội nghị nhưng để vận động cho việc miễn hủy bỏ cho hai loại vũ khí mà London nói là vẫn còn rất quan trọng trong việc bảo vệ bộ binh, chống lại sự tiến quân của đối phương. Đại biểu một số quốc gia khác như Đan Mạch, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng cho biết họ tìm cách vận động hội nghị cho sửa một số nội dung trong bản dự thảo hiệp ước.

Bất chấp sự thiếu vắng của đại diện của các siêu cường về vũ khí bom chùm như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel, các nhà tổ chức hy vọng rằng một khi hiệp ước được tất cả các quốc gia tham gia hội nghị thông qua, nó sẽ tạo được một hiệu ứng lớn, tẩy chay bom chùm trên tất cả các quốc gia và khi đó dù muốn dù không các quốc gia sản xuất cũng sẽ từ bỏ loại vũ khí nguy hiểm này.

Nếu được thông qua bởi hầu hết các nước thì cùng với Công ước cấm mìn sát thương cá nhân được ký kết năm 1997, hiệp ước cấm vũ khí bom chùm sẽ là một thắng lợi lớn của những quốc gia yêu chuộng hòa bình

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.