Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Hồi hộp trước giờ G

Thứ Bảy, 02/06/2018, 09:42
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 5-6 thông báo, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào hồi 9h sáng, ngày 12-6 tới, tại khách sạn Capella ở Singapore.

Có thể khẳng định, cho tới giờ phút này, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều chính là sự kiện ngoại giao lớn nhất 2018, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Những vấn đề hóc búa

Trong lịch sử hiện đại, hiếm có một cuộc gặp thượng đỉnh nào lại có những đặt cược lớn hơn và nhiều điều khó đoán định về kết quả như cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore. Tính chất khó đoán định của cả hai bên đàm phán đã gây ra những thay đổi chóng mặt chỉ trong những ngày qua với những đe dọa hủy cuộc gặp, rồi nhanh chóng tuyên bố nối lại.

Nhiều tờ báo nhận định, nếu chưa diễn ra, chẳng có sự đảm bảo tuyệt đối nào về việc cả ông Kim Jong-un và ông Donald Trump sẽ xuất hiện tại khách sạn Capella ở Singapore cho cuộc gặp đã định, mặc dù đã có các nhóm tiền trạm đến Singapore cho công tác chuẩn bị.

An ninh được thắt chặt tại nhiều khu vực ở Singapore. Ảnh: TODAYonline.

Các hoạt động ngoại giao con thoi giữa các cơ quan hai nước đang tấp nập diễn ra. Xung quanh sự kiện này, hàng loạt cường quốc hàng đầu thế giới cũng có những chuyển động khiến tình hình thay đổi vô cùng mau lẹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh này sẽ là sự khởi đầu của "một điều gì đó to lớn" và gặt hái nhiều thành quả.

Tuy nhiên, để có được "một điều gì đó to lớn" trong bối cảnh xét về kỹ thuật quan hệ Mỹ - Triều vẫn đang trong tình trạng chiến tranh cần rất nhiều sự nỗ lực của hai phía cũng như sự ủng hộ của các nước trong khu vực. Câu hỏi lớn nhất tới lúc này là: Mỹ và Triều Tiên muốn được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh?

Theo sự phân tích của các chuyên gia, Tổng thống Trump có thể đang cần đến cuộc gặp thượng đỉnh này để nâng cao sự ủng hộ chính trị dành cho ông ở nước Mỹ. Trong khi đó, phía Triều Tiên muốn nhiều hơn thành tựu về kinh tế và sự bảo đảm an ninh lâu dài.

Một câu hỏi là tại sao trước kia các bên không chấp nhận nhau mà phải cho tới tận thời điểm này hai bên mới nhượng bộ nhau để có cuộc gặp mặt lịch sử? Tại sao Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh một lần nhưng sau đó lại xác nhận rằng cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch ban đầu.

Giải thích những câu hỏi trên, theo Jannuzi, Chủ tịch quỹ Mansfield Foundation, Tổng thống Donald Trump đang thực sự cần chiến thắng chính trị để củng cố vị thế chính trị tại nước Mỹ. Ông muốn nhắc cho nước Mỹ nhớ rằng ông có khả năng làm được nhiều điều vĩ đại, giải quyết được vấn đề vô cùng hóc búa tồn tại trong suốt 70 năm qua, thậm chí ông có thể làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên.

Trong khi đó, Chủ tịch Viện Sejong ở Seongnam, thành phố vệ tinh của Seoul, ông Jin Chang-soo, nhận xét: “Lãnh đạo Kim Jong-un muốn tránh bị cô lập và những tác động tệ hại của chính sách gây áp lực tối đa từ phía Mỹ”.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh này diễn ra thế nào? Liệu có kết quả cụ thể nào không? Chưa rõ tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ tiến được bao xa nhưng có một điều mà nhiều người có vẻ chắc chắn đó là tại cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ và Triều Tiên, dự kiến các bên sẽ thông báo về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên, để có được hiệp định hòa bình, Triều Tiên sẽ cần phải hứa sẽ phi hạt nhân hóa.

Và điểm mấu chốt nhất của cuộc gặp thượng đỉnh này, nếu thành công chính là việc cùng nhau thống nhất để đưa ra được lộ trình cụ thể của quá trình phi hạt nhân hóa và hòa bình cho toàn bộ Bán đảo Triều Tiên. Và đương nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có được những "món quà" về  kinh tế và sự đảm bảo an ninh lâu dài, ông Park Won-gon, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Handong Global ở thành phố Pohang, Hàn Quốc nhận định.

Cần tôn trọng và đối đẳng mới có thể có kết quả

Nhìn xa hơn, ngay cả khi cuộc gặp thượng đỉnh có diễn ra và một tuyên bố chung được đưa ra, những sự tốt đẹp đó cũng chỉ là khởi đầu cho một hành trình dài hướng đến hòa bình thực sự. Theo các nhà phân tích, trước tiên, hai bên sẽ cần đến một lộ trình hành động đối đẳng nhau.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng có thể lên lịch để tổ chức các cuộc gặp tiếp theo hoặc ở Mỹ hoặc ở Bình Nhưỡng, như một động thái chia sẻ hai bên hướng tới hoặc đã bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Điều này rất có thể sẽ sớm diễn ra khi mới đây, hãng tin Bloomberg đưa tin Tổng thống Mỹ được cho là đang cân nhắc tiếp đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida (Mỹ).

Các nguồn tin được rò rỉ từ các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Florida có thể diễn ra vào mùa thu. Cuộc gặp sẽ chỉ được tiến hành nếu hai nhà lãnh đạo "hòa hợp".

Nếu cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12-6 tới tại Singapore thành công, Cố vấn Nhà Trắng Kellyane Conway nhận định có thể có nhiều hơn một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Quan chức này cho hay, cũng sẽ còn có thêm các cuộc gặp tay ba, tay tư... bao gồm cả Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc tham gia, cả 4 bên sẽ cùng đàm phán để chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều.

Lực lượng an ninh Singapore triển khai các phương án bảo vệ. Ảnh: The Straits Times.

Con đường dẫn đến một thỏa thuận nào đó mà cả hai bên có thể đạt được trước, trong và sau thời điểm ngày 12-6 thực sự rất khó khăn. Bản thân ông Trump đã hạ thấp kỳ vọng khi coi cuộc gặp này chỉ là “để hiểu biết nhau, và thêm nữa”. Để đạt được tiến bộ về giải giáp hạt nhân, ông Trump cần đưa ra những nhượng bộ đáng kể mà ông Kim Jong-un mong muốn, đó là những đảm bảo về an ninh.

Cả hai nhà lãnh đạo đang mang đến Singapore các “quân bài” trên tay, đại diện cho những nhượng bộ có thể thực hiện được. Câu hỏi lớn vào tuần tới sẽ là việc họ chơi quân bài nào và theo thứ tự như thế nào. Ít nhất, ông Kim Jong-un sẽ được kỳ vọng chính thức ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân hoặc tuyên bố đặt giới hạn đối với hoạt động làm giàu urani. Từ đây, mọi chi tiết sẽ được thảo luận về cách thức định nghĩa cụ thể khái niệm phi hạt nhân hóa có đúng lộ trình hay không.

“Nhiều khả năng, Triều Tiên sẽ sẵn sàng tuyên bố vào cuối cuộc gặp rằng họ sẵn sàng phi hạt nhân hóa, song sẽ cần có những chi tiết và những chi tiết đó cần được thảo luận”, nhận định của ông Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên và hiện là cố vấn của Viện Hòa bình (Mỹ).

Đối với Robert Gallucci, người dẫn dắt các cuộc đàm phán với Triều Tiên dưới thời chính quyền Clinton, tuyên bố chi tiết về phi hạt nhân hóa sẽ là chìa khóa cho sự thành bại của ông Trump cho cuộc gặp ở Singapore.

“Nếu ông ta (Donald Trump) không đạt được điều gì khác thì đó sẽ là một chiến thắng. Nếu ông ta đạt được mọi thứ nhưng lại không đạt được tuyên bố về phi hạt nhân hóa thì đó sẽ là một thất bại”, ông Gallucci nhận định trong một phiên thảo luận tại cơ quan nghiên cứu Stimson Centre tại Washington.

Không để lịch sử lặp lại

Về phần mình, ông Trump có nhiều cách để đáp lại những nhượng bộ của Kim Jong-un. Một trong số đó là “những đảm bảo an ninh”, ví dụ một cam kết không tấn công Triều Tiên. Trước đó, ông Trump đã ám chỉ khả năng khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình chính thức nhằm chấm dứt cuộc xung đột mà hiện chịu ràng buộc duy nhất bởi thỏa thuận đình chiến 1953.

Ngoài ra, Washington cũng có thể thiết lập một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng và cho phép Triều Tiên mở một văn phòng tương tự ở Washington, một động thái nhằm thể hiện sự công nhận lẫn nhau. Một cách khác mà Mỹ thể hiện sự linh hoạt và nhạy cảm của mình là cắt giảm mức độ và quy mô các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Trước cuộc gặp, cả thế giới vẫn nghĩ nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn hòa bình nhưng khó có thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Vậy sự thật có phải như thế hay không sẽ được làm rõ khi hai bên gặp nhau.

Lập trường của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng, đồng thời trước khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, không dỡ bỏ trừng phạt và bồi thường thiệt hại cho nước này. So với phương thức “từ bỏ vũ khí hạt nhân trước, bồi thường thiệt hại sau” của Mỹ, lập trường của Triều Tiên là kiên trì tư cách quốc gia sở hữu hạt nhân, tiến hành theo từng giai đoạn, mang tính đồng bộ, trong quá trình từ bỏ vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ phải đồng thời nới lỏng trừng phạt, có sự bù đắp tương ứng và viện trợ kinh tế.

Về thời gian biểu từ bỏ vũ khí hạt nhân, thời hạn tối đa mà Mỹ có thể chấp nhận là không vượt quá năm 2020, Triều Tiên thì mong muốn kéo dài hơn, theo lời của một số chuyên gia thì có lẽ là trên 10 năm nữa.

Một chiến binh Gurkha đang luyện tập. Ảnh: Daily Mail.

Có thể thấy, lập trường từ bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ và Triều Tiên nếu không nói là đối lập thì cũng có sự khác biệt rất lớn, hai bên muốn làm cho cuộc gặp thượng đỉnh đạt được thành quả trong thời gian ngắn thì cần có sự thỏa hiệp và nhượng bộ với nhau. Nói chung, dù là đàm phán chính trị hay thương mại, muốn đạt được thành công, thỏa hiệp và nhượng bộ luôn là điều không thể thiếu, trừ phi hai bên đều ở trong tình cảnh rất không cân xứng với nhau, bên mạnh hơn thì ép bên yếu thế phải ký hiệp ước cầu hòa.

Mặc dù sức mạnh hai bên trong cuộc gặp Trump-Kim thực tế không cân xứng với nhau, nhưng do Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và có khả năng tấn công lãnh thổ nước Mỹ, nên nếu Mỹ kiên trì không thỏa hiệp mà ép Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, e rằng Triều Tiên cũng khó đưa ra sự nhượng bộ lớn. Như vậy hai bên rất có khả năng không đạt được thỏa thuận.

Singapore đã sẵn sàng

Chính tầm quan trọng của hội nghị này mà ngay cả chuyện “bếp núc”, “bên lề” của hội nghị cũng được đặc biệt quan tâm. Hội nghị thượng đỉnh này tổ chức tại một trong những địa điểm đắt đỏ nhất châu Á, hóa đơn khách sạn và chi trả địa điểm cũng là vấn đề với một nước chưa giàu như Triều Tiên.

Lịch sử cho thấy các cuộc hội nghị thượng đỉnh có liên quan tới Triều Tiên đều được tổ chức với “giá” không hề rẻ. Seoul báo cáo mức chi tiêu phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 là khoảng 5 triệu USD.

Về hội nghị ngày 12-6 này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã bác bỏ tin đồn Mỹ sẽ trả chi phí cho đoàn Triều Tiên tại Singapore. Để phù hợp với thông lệ, Singapore, với tư cách là nước chủ nhà, sẽ phải cung cấp chi phí đảm bảo an ninh chung cũng như các chi phí khác.

Ngày 4-6, Singapore tuyên bố một phần trung tâm thành phố sẽ được bố trí như “khu vực sự kiện đặc biệt” từ ngày 10 đến 14-6 để phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 2-6 xác nhận rằng nước này sẵn sàng trả một phần chi phí, ngoài ra không đưa thêm thông tin chi tiết.

Chiến dịch Quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân (ICAN) cũng cho biết họ sẵn sàng chi trả hàng triệu USD tiền thưởng từ giải Nobel Hòa bình mà họ giành được hồi năm ngoái để tài trợ cho hội nghị thượng đỉnh.

Để đảm bảo an ninh, Singapore đã chuẩn bị tới mức cao nhất khi lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ xuất thân từ một trong những bộ tộc chiến binh thiện chiến nhất thế giới - bộ tộc Gurkha của Nepal sẽ đảm nhận bảo vệ những khu vực trọng yếu. Một quan chức an ninh Singapore cho biết, những người Gurkha có đầy đủ phẩm chất của siêu chiến binh mà mọi đội quân đều muốn.

Theo một quan chức ngoại giao liên quan đến bộ phận an ninh VIP, trong khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đều mang theo đội ngũ an ninh cá nhân của mình tới Singapore, song lực lượng an ninh chủ nhà Singapore vẫn sẽ triển khai đội đặc nhiệm Gurkha để đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ địa điểm diễn ra hội nghị, đường sá xung quanh và khách sạn.

Mặc dù được trang bị những vũ khí hiện đại, song đội quân Gurkha không thể ra trận nếu thiếu loại vũ khí truyền thống - con dao quắm sắc nhọn có khả năng sát thương cao. “Họ là lực lượng tinh nhuệ nhất mà Singapore có thể cung cấp và tôi chắc chắn họ sẽ tham gia bảo vệ hội nghị”, Tim Huxley - chuyên gia về lực lượng vũ trang Singapore tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) nhận xét.

Hoa Huyền
.
.