...Hòn chì ném lại

Thứ Tư, 08/01/2020, 06:09
Sau những dền dứ, căng thẳng Mỹ-Iran thực sự leo thang tới mức "bên miệng hố" chiến tranh. Những gì đang diễn ra sau vụ Mỹ ám sát Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qassem Soleimani, trong cuộc không kích hôm 3-1 ở Baghdad, cho thấy hòa bình sẽ chỉ là giấc mơ xa vời ở Trung Đông.

Không khí chiến tranh đang đến gần khi các quốc gia châu Á đang chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Iraq và Iran.

Những động thái khó đoán

Ngày 5-1, Iran tuyên bố nước này sẽ từ bỏ những giới hạn về làm giàu urani, tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với 6 cường quốc (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc và Đức), song vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Truyền hình nhà nước cho biết Iran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được quy định trong thỏa thuận hạt nhân về hoạt động hạt nhân của Tehran: Cho dù là việc hạn chế về số lượng máy ly tâm làm giàu urani đến năng lực làm giàu hạt nhân, số lượng urani làm giàu dự trữ hay các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran.

Trong một động thái đầy cứng rắn, ngày 6-1, tân Tư lệnh đơn vị Quds, ông Esmail Qaani tuyên bố muốn trục xuất Mỹ khỏi khu vực. Ông Qaani khẳng định: "Chúng tôi cam kết duy trì sức mạnh và tiếp tục con đường của ông Soleimani... Việc loại bỏ Mỹ khỏi khu vực là sự đền bù duy nhất cho chúng ta".

Ông Qaani đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh người dân Iran đổ về thủ đô Tehran để tham dự lễ tang tướng Soleimani. Phụ nữ Iran trong bộ đồ tang đen cùng với đàn ông Iran cầm quốc kỳ đề tên các lãnh tụ Hồi giáo dòng Shiite tập trung bên ngoài Đại học Tehran, nơi nhà lãnh đạo tối cao, Đại Giáo chủ Ali Khamenei chủ trì lễ cầu nguyện cho vị tướng tử nạn. Tất cả các hoạt động tưởng niệm được truyền trực tiếp trên truyền hình.

Hàng ngàn người Iran đổ xuống đường bày tỏ lòng thương tiếc Tướng Qasem Soleimani. Ảnh: Getty Images.

Sự cứng rắn của Iran đang ở mức đỉnh điểm khi cố vấn quân sự của Lãnh tụ Tối cao Iran, Thiếu tướng Hossein Dehghan cảnh báo nước này sẽ có phản ứng quân sự đối với vụ không kích của Mỹ ngày 3-1 làm Thiếu tướng Qassem Soleimani thiệt mạng. Tướng Dehghan cho biết "phản ứng chắc chắn sẽ bằng biện pháp quân sự và nhằm vào các vị trí quân sự". Trước đó, Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã thề "đáp trả mạnh mẽ".

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định: "Iran không mong muốn chiến tranh nhưng sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào". Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran cũng ra tuyên bố cho biết Tehran sẽ trả đũa "đúng nơi, đúng lúc" cho vụ ám sát tướng Soleimani.

Nhận định về khả năng Iran đáp trả Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Iran sẽ có thể tìm cách tấn công vào quân đội Mỹ. Ông Pompeo cũng khẳng định đó sẽ là một "sai lầm lớn" của Iran, đồng thời cho biết Mỹ đang chuẩn bị cho tất cả các phản ứng khác nhau, bao gồm cả các cuộc tấn công mạng. Mỹ hiện đang có 60.000 binh sĩ đồn trú trong khu vực, trong đó 5.200 binh sĩ tại Iraq. Washington đã ra lệnh điều thêm hàng nghìn binh sĩ đến khu vực sau cuộc không kích vào Baghdad.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới trên chuyên cơ Không lực Một khi trở về thủ đô Washington sau kỳ nghỉ đông tại Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng một lần nữa cảnh báo "đáp trả mạnh tay" nếu Iran tìm cách trả thù cho vụ tấn công của Mỹ nhằm vào tướng Soleimani. Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ sẽ “nhắm mục tiêu” 52 địa điểm của Iran và sẽ tấn công “rất nhanh và rất mạnh” nếu Tehran tấn công công dân hay tài sản Mỹ. Trump cho biết 52 mục tiêu đại diện cho 52 người Mỹ bị bắt làm con tin ở Iran trong hơn một năm kể từ cuối năm 1979, sau khi họ bị bắt tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran.

Bình luận về cảnh báo của Trump, nhà phân tích quân sự Jonathan Marcus cho rằng với việc Iran đe dọa các cuộc trả thù mạnh mẽ cho cái chết của chỉ huy Lực lượng Quds, Tổng thống Trump đã xác định rõ ràng cách tốt nhất để giảm leo thang là dâng cao tình hình, cho Iran thấy Mỹ sẽ làm gì nếu Tehran tiến hành những lời đe dọa của mình. Theo nhận định của các chuyên gia, ông Trump giờ đang tìm cách tăng cường thể hiện khả năng răn đe của Mỹ.

E ngại một kịch bản đẫm máu có thể xảy ra, cũng trong ngày 6-1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, trong tuần này Hạ viện sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết nhằm giới hạn những hành động quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Washington và Tehran liên quan tới vụ sát hại Thiếu tướng Soleimani. Các nghị sĩ Dân chủ cũng cho rằng Tổng thống Trump sẽ vi phạm các nghị định thư quốc tế nếu thực hiện lời cảnh báo trên.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những ứng cử viên Dân chủ tranh cử vào Nhà Trắng, cảnh báo đây sẽ là "tội ác chiến tranh" và nhấn mạnh: "Chúng ta không có chiến tranh với Iran. Nhân dân Mỹ không muốn chiến tranh với Iran".

Về phần mình, thượng nghị sĩ Chris Murphy khẳng định: "Tấn công dân thường và các di tích văn hóa là điều mà các phần tử khủng bố làm. Đây là một tội ác chiến tranh". Trong khi đó, nguyên thủ, lãnh đạo nhiều quốc gia cũng lên tiếng bày tỏ sẵn sàng làm hết sức giúp giảm leo thang.

Tướng Soleimani được xem là người có quyền lực lớn ở Iran. Ảnh: AFP.

Một chiến lược khó hiểu

Tuy nhiên, theo một cách nhìn khác, bài viết trên tờ the Hill (Mỹ) cho rằng: Việc sát hại tướng Iran Qassem Soleimani là thiển cận, phản chiến lược và sẽ chỉ làm cho Iraq trở nên bất ổn hơn. Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran - đã định hình chiến lược quân sự của Iran không giống một ai trong 40 năm qua.

Là người đứng đầu các lữ đoàn Quds, chịu trách nhiệm về các hoạt động đối ngoại, ông đồng sáng lập "trục kháng chiến" Shi'ite chống Mỹ và Israel, xây dựng một mạng lưới dân quân Shi'ite mà qua đó Iran có thể thực thi quyền lực của mình ở Liban, Syria, Iraq và Yemen.

Cái chết của tướng Soleimani cũng sẽ làm thay đổi Iran trong nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, để thúc đẩy sự phục hưng của những người cứng rắn cực kỳ bảo thủ. Tuy trong tương lai gần, không ai ở Iran có đủ khả năng hiểu Mỹ như Soleimani, song nhiều người tin rằng, những kế hoạch vẫn ở phía sau những lời lẽ mềm mỏng nhất.

Mặc dù Washington tuyên bố cuộc không kích được tiến hành nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng, còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết giảm căng thẳng với Iran, song cuộc tấn công nói trên lại cho thấy những điều ngược lại, làm gia tăng căng thẳng và có thể kích động sự trả đũa.

Điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính sách và sự hiện diện của Mỹ, gây nguy hiểm hơn nữa cho dân thường ở Iraq (bao gồm cả các nhà lãnh đạo phong trào dân chủ đang diễn ra) và làm khu vực trở nên bất ổn hơn.

Sự hiện diện của Mỹ ở Iraq đã gặp phải thách thức. Ngày 6-1, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Iraq, tướng William Seely đã gửi thư tới những người đồng cấp tại Baghdad thông báo lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đang chuẩn bị "di chuyển ra khỏi Iraq".

Lá thư được gửi một ngày sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu quân đội nước ngoài rời khỏi quốc gia này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sau đó nói rằng đây chỉ là bản nháp và được gửi đi do sơ suất. Về vụ tấn công trên, Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã lên án cuộc không kích của Mỹ khiến tướng Soleimani thiệt mạng và gọi đó là “một sự vi phạm trắng trợn các điều khoản về sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở nước này”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Hassan al-Kaabi khẳng định đã đến lúc phải kết thúc "sự ngạo mạn và liều lĩnh" của Mỹ. Cuộc không kích rõ ràng càng tiếp tục khiến Iraq lúc sâu vào bất ổn, đúng vào thời điểm then chốt, làm chệch hướng phong trào dân chủ chân chính đã duy trì được hơn 3 tháng qua.

Nhiều chuyên gia bình luận, rõ ràng tính toán của Mỹ gây bất ổn cho Iran, Iraq, cả Mỹ nữa và người hưởng lợi duy nhất là các tổ chức khủng bố. Căng thẳng tiếp tục leo thang cũng làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực vốn đang hỗn loạn từ cuộc nội chiến ở Syria và các cuộc xung đột đang diễn ra khác. Căng thẳng ngày càng gia tăng cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shi'ite ở Trung Đông.

Đại Giáo chủ Ali Khamenei khóc thương trong lễ tang Tướng Soleimani.

Cuộc tấn công không hợp pháp

Tại Mỹ cũng bùng phát tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội Mỹ khi nhiều thành viên tán thành động thái này, còn các thành viên khác cảnh báo những hậu quả không lường trước được. Hàng loạt phản ứng trái chiều như vậy diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo cho biết đã tiến hành một cuộc oanh kích vào sân bay quốc tế Baghdad nhằm triệt hạ Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Quds, Thiếu tướng Qasem Soleimani, khi Mỹ cho rằng tướng Soleimani đã đóng vai trò chỉ đạo các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp khu vực Trung Đông và được cho là chịu trách nhiệm đối với một số vụ tấn công có liên quan tới binh sĩ Mỹ ở Iraq do lực lượng bán dân quân do Iran ủng hộ tiến hành.

Các đồng minh của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Quốc hội đã vội vàng ca ngợi chiến dịch oanh kích nói trên, cho rằng vụ tiêu diệt này phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến Iran và có thể mang tính răn đe mạnh mẽ đến các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ lại bày tỏ quan ngại rằng vụ tướng Iran thiệt mạng nói trên có thể kích động tinh thần chiến tranh ở Iran và có thể đẩy những lợi ích của Mỹ ở Trung Đông vào rủi ro.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tom Udall kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump thay đổi đường hướng hành động và thực hiện biện pháp ngoại giao trước khi có nguy cơ bị vướng vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông không có hồi kết. Cùng quan ngại này, nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton cho rằng mặc dù tướng Qassem Soleimani chịu trách nhiệm trước thương vong của binh sĩ Mỹ song ông cho rằng vụ việc có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh khu vực và Mỹ lại không có sẵn một chiến lược nào. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ khác cũng cho rằng Tổng thống Trump không có quyền hạn ra lệnh tiến hành một cuộc không kích mà không được Quốc hội thông qua.     

Một số chuyên gia pháp lý đã đặt câu hỏi: Liệu Tổng thống Trump có được Chính phủ Iraq trao quyền hợp pháp để tiêu diệt Soleimani trên đất Iraq hay không? Và liệu hành động của Mỹ có phù hợp theo luật quốc tế và luật pháp Mỹ hay không?

Thủ tướng Iraq cho rằng việc Washington tiến hành một cuộc tấn công như vậy đã vi phạm thỏa thuận về việc duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ ở nước ông, còn một số phe nhóm chính trị của Iraq đã đồng nhất lên tiếng kêu gọi trục xuất binh lính Mỹ. Hiến chương Liên Hiệp Quốc về cơ bản cấm việc sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác nhưng cũng có ngoại lệ nếu một nước đồng ý cho phép sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của họ.

Giới chuyên gia pháp lý cho rằng việc Iraq không đồng ý cho phép Mỹ tiến hành cuộc không kích nhằm vào tướng Soleimani trên lãnh thổ Iraq khiến Mỹ khó có thể biện minh cho hành động của mình.

Giáo sư Oona Hathaway, chuyên gia pháp lý quốc tế làm việc tại Trường Luật Yale, viết trên trang cá nhân Twitter rằng các sự việc trên thực tế "dường như không hỗ trợ" cho lời quả quyết (của Mỹ) rằng cuộc tấn công là một hành động phòng vệ, đồng thời ông kết luận rằng "theo cả luật của Mỹ lẫn luật pháp quốc tế thì cuộc tấn công đó không hợp pháp".

Trong khi đó, Agnes Callamard - báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vụ xét xử ngoại tụng, cho rằng việc nhắm mục tiêu vào Soleimani "dường như là để trả đũa các hành động của ông ta trong quá khứ chứ không phải là để phòng ngừa các hành động sắp diễn ra".

Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ đã đề nghị Tổng thống Trump cung cấp các bằng chứng chi tiết về mối đe dọa hiện hữu mà ông cho là Soleimani sắp gây ra. Thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói với Reuters: "Tôi tin rằng Soleimani là một mối đe dọa nhưng tôi vẫn muốn biết ông ta sắp gây ra những mối đe dọa gì?".

Thượng nghị sĩ Elissa Slotkin, trước đây là nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, nói: "Cũng giống như các chính quyền khác, chính quyền hiện nay có quyền hành động tự vệ nhưng cần phải thông báo ngay lập tức điều đó với Quốc hội và phải tham khảo ý kiến của các nhà lập pháp".

Hoa Huyền
.
.