Hủ tục "cướp vợ" đang biến thành tệ nạn ở Kỳ Sơn (Nghệ An)

Thứ Sáu, 13/06/2008, 11:00

"Háy pù" đó là tục lệ cướp vợ tồn tại từ bao đời nay của người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An, Tục lệ này rất đậm đà lòng nhân ái, giàu tính khoan dung với người nghèo. Nhưng hiện nay tục lệ này bị biến tướng, nhiều bé gái vị thành niên đã trở thành nạn nhân của tục "háy pù" để rồi phải vĩnh biệt  tuổi thơ để làm vợ, làm mẹ khi độ tuổi mới mười ba, mười bốn...

"Háy Pù" ở Huổi Tụ

Huổi Tụ là xã giáp biên với nước bạn Lào có số người Mông đông nhất huyện. Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là già Vừ  Trìa La ở bản Na Ny. Già năm nay gần 70 tuổi nhưng vẫn leo núi, lội khe không biết mệt và đặc biệt là cực kỳ minh mẫn. Ngồi bên đống than đỏ hừng hực uống rượu siêu nhấm nháp với thịt lợn rừng nướng, già kể về tục "háy pù": “Ngày xưa, việc cưới xin của người Mông ta có nhiều thứ nghi lễ nặng lắm. Nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng nhà trai nghèo quá không có đủ lễ vật nên dẫu yêu nhau mấy cũng không thành. Một chàng trai nghèo và một cô gái vì quá yêu nhau nên họ đã nghĩ ra cách “háy pù”.

Tục “háy pù” có từ đó, nó truyền từ đời này qua đời khác như một luật tục”. “Háy pù” được già La khắc họa như thế này: Đôi trai gái yêu nhau say đắm, trao gửi tâm tình, trao kỷ vật, vì nhà trai nghèo, nên họ thống nhất hẹn nhau tại một điểm nào đó. Gái thì mang theo tư trang, người trai dắt tay cô gái về nhà mình nhưng cô gái giả vờ chống lại buộc người con trai phải kéo đi. Một số bạn bè của người con trai cũng có mặt để chứng kiến cảnh kéo vợ, đồng thời bảo vệ bạn mình nếu có đối thủ khác phá hoại.

Sau khi về nhà trai một đêm, cô gái không có quyền trở về nhà mình nữa. Sau 3 ngày nhà trai cử người sang báo chính thức cho nhà gái biết. Nếu nhà gái phản ứng thì họ sẽ đưa ra những kỷ vật mà trai gái đã trao cho nhau để cãi lý cho việc “cướp vợ” của mình là đúng phong tục người Mông. Sau đó thì lễ cưới được tiến hành với nghi thức đơn giản, ít tốn kém.

“Háy pù” đây là một cách điều chỉnh quan hệ xã hội đầy tính sáng tạo đậm đà tính nhân ái, giàu tính khoan dung với người nghèo và giàu chất văn hóa của luật tục người Mông. Tuy nhiên, luật tục này xưa nay cũng biến tướng và phát sinh nhiều điều tiêu cực. Dưới thời phong kiến một số gia đình giàu, có quyền lực đã lợi dụng tục lệ này để cưỡng đoạt những cô gái trẻ đẹp. Ngày nay nhiều trẻ vị thành niên là nạn nhân của luật tục này.

Những điều trông thấy...

Anh bạn người Mông  dẫn chúng tôi đến mái nhà tranh lụp xụp ở cuối bản Na Ny. Anh chỉ cô bé ngồi ủ rũ nơi bậu cửa mắt nhìn xa xăm: “Nó là Vừ Y Bâu mới bỏ nhà chồng về đó. Nó bị “háy pù” khi mới 14 tuổi”.

Cô bé có khuôn mặt nặng trĩu u buồn, đôi mắt thâm quầng, những đường nét hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thiếu thời không còn nữa. Hỏi chuyện chồng con, Bâu chỉ ôm mặt khóc. Khi Bâu 14 tuổi như nụ mơ trắng còn chúm chím chưa biết yêu đương là gì thì tai họa ập xuống. Trong khi đi du xuân, ném còn cùng lũ bạn trở về Bâu bị 5 người bắt cóc lên xe Min chở đi. Bâu khóc lóc van xin nhưng vô vọng, em bị nhốt vào căn buồng kín. Bâu biết bị nhốt tức là đã bị cúng ma nhà người, mình phải làm vợ người.

Tội nghiệp, chồng Bâu là cậu bé cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn nên suốt ngày ham chơi, ham rượu chè. Mỗi bận nhậu say về nhà là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Chịu không được Bâu đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Không biết rồi đây tương lai của Bâu như thế nào khi người Mông rất kiêng kị việc bỏ vợ, bỏ chồng.

Trường hợp Vừ Y Đía ở bản Huồi Đun càng cám cảnh hơn. Cha Đía bị câm, mẹ dở tính có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Nhà Đía nghèo lắm, lớn lên Đía không được học hành phải đi ở đợ, làm thuê làm mướn nuôi thân và giúp cha mẹ. Tuy sinh ra trong một gia đình khốn khó nhưng càng lớn Đía càng xinh đẹp.

13 tuổi, Đía như con nai vàng ngơ ngác đã lọt vào tầm ngắm của một ông cụ ngoài 70 tuổi ở xã Nậm Cắn. Người đàn ông này vợ chết đã lâu con cái đã ra ở riêng nên khi nhìn thấy Đía, cụ đã “bàn bạc” với chủ nhà Đía đang ở. Bởi ngây thơ không biết gì nên Đía đã nghe những lời hứa có cuộc sống sang giàu nên nhắm mắt buông xuôi để cho cụ già 70 tuổi "háy pù"...

Đó là những bé gái không được học hành, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn những bé gái được học hành có chút hiểu biết thì sao? Các em cũng không thoát được tập tục này.  Mùa hoa mơ trắng năm ngoái, khi lễ hội ném còn trên đồi Chông Chia Vìa kết thúc.

Vừ Y Mái 15 tuổi, ở bản Na Ny học sinh Trường THCS Huổi Tụ cùng chúng bạn đang tung tẩy trên đường về thì gặp Lỳ Bá Cha và một số bạn của Cha ở bản Huồi Đun nắm tay kéo lại. Cha nói: “Tao thích mày rồi! Theo tao về làm vợ đi! Mày phải làm vợ tao!”. Mái kiên quyết giằng khỏi tay Cha và sợ hãi bứt chạy. Mái linh cảm có điều gì đó chẳng lành đang đến nên đi học về em không dám đi nương, đi rẫy mà ở trong buồng chốt chặt cửa lại.

Một đêm khi tiếng gà rừng le te gáy, Mái dậy nhóm bếp để nấu cơm thì bất chợt 3 bóng đen xông vào lấy giẻ nhét vào miệng và cho vào bao tải bỏ lên xe rú ga phóng đi trong đêm. Quá hoảng sợ Mái ngất đi, khi tỉnh lại thấy ở trong buồng kín, biết mình đã bị Lỳ Bá Cha “háy pù”. Mái khóc lóc thảm thiết  nhưng đã bị “háy pù” thì như gạo đã nấu thành cơm đó là luật tục bất di bất dịch của người Mông. Ngày lễ cưới, mặc bộ đồ cô dâu đi qua trường học, Mái nước mắt như mưa nhìn mái trường thân yêu, nhìn chúng bạn mà lòng đau như cắt. Vậy là em không còn được đến trường, ước mơ cháy bỏng được trở thành cô giáo.

Vừ Y Hờ, một sơn nữ xinh đẹp, là nạn nhân của tục "háy pù" học lớp 6 buồn rầu kể: "Lấy chồng nhưng chẳng có tình cảm chi với nhau đâu, sống với người không yêu khổ lắm. Em nghĩ phải thoát khỏi việc đi làm vợ sớm nên đã không bỏ học. Nhà chồng bắt bỏ nhưng em dọa, nếu bắt bỏ học sẽ tự tử nên em đã theo học hết lớp 12 rồi”. Tục “háy pù” làm cho nhiều đứa con gái bọn em khổ lắm, nhiều khi muốn tự tử cho rồi. Cô bạn em nó yêu một anh ở dưới xuôi tha thiết lắm nhưng rồi không đến được với nhau vì  khi nó đang học lớp 12 thì bị người con trai bản bên “háy pù”. Nó chán, vô rừng tìm lá ngón ăn may mà em phát hiện ra chạy theo can kịp, không thì bây giờ nó cũng xanh cỏ rồi...”.

Những người có trách nhiệm nói gì?!

Chúng tôi trao đổi vấn đề này với ông Vừ Bá Dìa Chủ tịch UBND xã Huổi Tụ, ông Dìa hồn nhiên: “Đó chẳng qua cũng là tập tục từ  xưa đến nay thôi mà”. Còn bà Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn Vũ Thị Huyền thừa nhận có tục cướp vợ ở các bản người Mông nhưng lại khá “sửng sốt” về vấn đề có rất nhiều trẻ vị thành niên bị “háy pù”. Bà Huyền nói: “Hàng tháng không thấy dưới cơ sở báo cáo về việc này... Chúng tôi sẽ điều tra và xử lý về vấn đề này”.

Thầy giáo Lầu Bá Súa người dân tộc Mông hiện đang công tác tại Trường THCS Huổi Tụ cho biết: “Mỗi năm ở Huổi Tụ có gần chục trường hợp là học sinh bị ép cướp về làm vợ. Năm 2007 có hơn 10 em, năm 2008 có 7 em. Cứ mỗi đợt xuân về, tết đến, trường lại vắng bóng nhiều em gái. Mình cũng dặn học sinh đừng có cướp vợ, đến từng nhà vận động tuyên truyền thì họ bảo: Thầy giáo hay hầy. Ta có đi cướp vợ mô, con ta đi cướp đó chứ. Thầy đi mà nói chuyện với nó. Mình và nhiều thầy cô giáo ở đây cố gắng bằng nhiều hình thức giáo dục, vận động, tuyên truyền nhưng nỏ ăn thua. Nhiều nữ sinh bị “bắn” lời “Ta thích mày rồi. Về làm vợ ta nhé?!”. Các em rất sợ hãi đến thầy cầu cứu. Thương các em lắm nhưng thầy lực bất tòng tâm”.

Lời đề nghị khẩn thiết

Chúng tôi xin được mượn lời của cô giáo Nguyễn Thị L ở dưới xuôi lên dạy ở Huổi Tụ để làm lời kết cho phóng sự này: "Tôi từng nhiều đêm nghe tiếng kêu thét kinh hoàng của những bé gái bị cướp về làm vợ mà chua xót. Những bé gái còn non dại, ngây thơ như những vầng trăng chưa tròn, chưa có kiến thức gì về cuộc sống hôn nhân và gia đình cũng như sức khỏe sinh sản, mà sớm về làm vợ, làm mẹ thì cuộc sống rất vất vả. 

Những cuộc hôn nhân ấy chẳng có một thứ thủ tục, hay đăng  ký, xác nhận của chính quyền địa phương. Chính vì vậy mà thiệt thòi nhất là chị em phụ nữ. Mọi quyền lợi và tiếng nói trong cộng đồng của chị em đều không được bảo vệ thỏa đáng. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị chính quyền huyện Kỳ Sơn sớm vào cuộc để có biện pháp tích cực chấm dứt nạn cướp vợ kiểu này!”

Bài: Trường Ngọc; Ảnh: Trang Dũng
.
.