Hy Lạp: Cuộc mặc cả căng thẳng

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:30
Khủng hoảng tài chính Hy Lạp tiếp tục diễn ra gay cấn với màn thương thảo cứu nợ giữa Hy Lạp với các quốc gia đối tác trong khu vực đồng tiền chung euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - những chủ nợ của Hy Lạp. Với chiến lược thương lượng cứng rắn, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đang đương đầu quyết liệt với các chủ nợ. Nguy cơ Hy Lạp mất khả năng chi trả đang treo lơ lửng.

Vòng đàm phán mới về thỏa thuận cứu nợ Hy Lạp đã bắt đầu khởi động lại vào hôm thứ ba 26/5 tại Brussels, Bỉ, với các nhóm kỹ thuật thảo luận riêng. Nhiệm vụ đặt ra cho các nhóm kỹ thuật trong các cuộc thương lượng này là tìm cách tháo gỡ những vướng mắc liên quan các yêu cầu cải cách khắt khe mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF đặt ra cho Hy Lạp để đổi lấy việc EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF tiếp tục giải ngân gói viện trợ tài chính cứu nợ, nhằm tạo đột phá cho bế tắc trong đàm phán kéo dài 4 tháng qua. Mục tiêu cần đạt được là hoàn tất bộ khung cho một thỏa thuận “đổi tiền lấy cải cách” để tiếp tục duy trì hoạt động cho “con bệnh” Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis.

Trước mắt, Hy Lạp sẽ phải chi trả khoản nợ vay của IMF trị giá 1,6 tỉ euro. Đồng thời, Chính phủ Hy Lạp cũng cần khoảng 1 tỉ euro nữa để chi trả lương cho nhân viên khu vực công và phúc lợi xã hội ngay trong tuần đầu tháng 6. Vì vậy, Thủ tướng Alexis Tsipras muốn EU, ECB và IMF nhanh chóng đi đến thỏa thuận để giải ngân khoản viện trợ cứu nợ trị giá khoảng 7,2 tỉ euro để giải quyết các nhu cầu cấp bách này.

Ngày 24/5, Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Nikos Voutsis và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis lần lượt cảnh báo Hy Lạp có nguy cơ mất khả năng chi trả khoản nợ vay của IMF trị giá 1,6 tỉ euro sẽ đáo hạn chi trả vào tháng 6 tới. Đây là khoản vay mà IMF đóng góp vào 2 gói giải cứu khủng hoảng nợ Hy Lạp vào các năm 2010 và 2012. Bộ trưởng Tài chính Varoufakis nói thêm, Chính phủ Hy Lạp đã tiến một bước dài để đạt một thỏa thuận, và bây giờ đến phiên Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF thực hiện phần việc của mình để “cùng chúng tôi gặp nhau trên con đường đi đến đích”.

Ngày 25/5, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp đội ngũ đàm phán của mình để vạch phương án ứng phó tình hình. Trước nguy cơ sụp đổ tài chính, ông Tsipras yêu cầu các bộ trưởng phải hành động nhanh và hiệu quả nhằm giảm bớt căng thẳng. Chính phủ Hy Lạp đã thể hiện sẽ làm hết sức để bảo đảm trả được khoản nợ IMF, không để xảy ra tình trạng mất khả năng chi trả.

Tuy nhiên, vấn đề là Athens sẽ làm cách nào để có được tiền để trả khoản nợ đó. Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt trong các tuyên bố nóng bỏng vừa qua của các bộ trưởng trong nhóm đàm phán của Chính phủ Hy Lạp. Nó có nghĩa là, nếu Hy Lạp và các đối tác chủ nợ (EU, ECB, IMF) không đạt được một thỏa thuận khả dĩ, tình hình trước mắt có thể xảy ra là Hy Lạp mất khả năng chi trả, và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải pháp cứu nợ của EU và IMF.

EU và IMF đang ở vào thế khó khi cố gắng ép buộc Hy Lạp triển khai các chính sách siết chặt chi tiêu, thắt lưng buộc bụng gắt gao hơn nữa. Để đạt mục tiêu đó, các đối tác Eurozone, IMF và Hy Lạp đã trải qua 4 tháng đàm phán căng thẳng kể từ khi đảng Syriza lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Hy Lạp vào tháng 1/2015.

Người lãnh lương hưu Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.

Mặc dù một số quan chức của Ủy ban châu Âu và IMF đã kêu gọi các chủ nợ cần phải linh hoạt hơn – và các bộ trưởng đàm phán của Hy Lạp cũng đã bỏ yêu cầu nâng lương tối thiểu – nhưng các bên đàm phán cho đến nay vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã cố gắng thuyết phục bà Merkel chấp thuận ký một thỏa thuận mở rộng hơn, trong đó bao gồm cả việc tái viện trợ toàn bộ gói cứu nợ để đổi lấy các cam kết giải quyết tình trạng trốn thuế và cải tổ hệ thống phúc lợi Hy Lạp. Tuy nhiên, bà Merkel đã phớt lờ đề nghị trao đổi này.

Bước vào vòng đàm phán mới, cả hai bên đàm phán đang cho thấy sẽ tập trung vào việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm huy động thêm 1 tỉ euro cho Hy Lạp. Cũng đặt lên bàn đàm phán là vấn đề cải cách hưu trí, nới lỏng quy định về lao động và nhất là vấn đề thặng dư ngân sách. IMF muốn Hy Lạp phải bảo đảm thặng dư ngân sách tối thiểu 3% như điều kiện tiên quyết để giải ngân khoản viện trợ 7,2 tỉ euro.

Olivier Blanchard, kinh tế gia của IMF cho rằng, việc kéo giảm tỉ lệ thặng dư ngân sách xuống càng thấp thì sẽ càng phát sinh nhu cầu hỗ trợ tài chính mới cho Hy Lạp. Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras quyết liệt chống lại việc áp đặt định mức như thế, lập luận rằng chỉ cần thặng dư ngân sách trên 1,5% thôi cũng đã khiến cho nền kinh tế Hy Lạp kiệt quệ. Ông Blanchard cho rằng việc duy trì thặng dư ngân sách thấp chỉ có tác dụng nếu Chính phủ Hy Lạp có một chương trình hành động chặt chẽ, hiệu quả.

Phát biểu tại một hội nghị nội bộ đảng Syriza hôm 23/5, Thủ tướng Tsipras nói rằng Hy Lạp đang ở giai đoạn cuối của cuộc đàm phán đầy căng thẳng và đang sẵn sàng chấp nhận một “thỏa thuận khả thi” với các chủ nợ, nhưng không phải theo các điều khoản “sỉ nhục”. “Điều kiện sỉ nhục” đó được ông Tsipras mô tả là yêu cầu phi lý của các chủ nợ đòi Hy Lạp tăng thuế VAT lên đến 23% cho tất cả hàng hóa và dịch vụ.

Nhưng nếu không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp cũng sẽ mất khả năng chi trả khoản vay 1,6 tỉ euro cho IMF và gần như chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi khu vực đồng euro.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.