Hy Lạp “không phải là gã hành khất xin từng nước các giải pháp kinh tế”

Thứ Năm, 18/06/2015, 06:15
Sau một thời gian dài căng thẳng giữa Hy Lạp và các chủ nợ, mọi bên liên quan đến hồ sơ nợ công của Hy Lạp ít ra đã nhất trí ở một điểm: Rất cần kíp phải đi đến một thỏa ước giữa Chính phủ Tsipras và các chủ nợ; cần kíp phải "thực hiện cải cách tại Hy Lạp", nói theo Thủ tướng Angela Merkel, và “cần kíp để chấm dứt những sự cáo buộc lẫn nhau", nói theo Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis sau những cuộc trao đổi không mấy êm dịu.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã từ chối trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Alexis Tsipras vì lời đánh giá các đòi hỏi cải cách của những chủ nợ là "vô lý".

Một thỏa thuận về cải cách cơ cấu phải được tìm ra trước thời hạn chót là ngày 30/6, nhằm giải ngân 7,2 tỉ euro bị đóng băng từ mùa thu năm trước và là nguồn sống còn đối với tương lai gần của Hy Lạp.

Trong buổi sáng ngày 8/6, Bộ trưởng Yanis Varoufakis đã thảo luận với người đồng cấp Đức Wolfgang Schaube, tuyên bố: "Người dân châu Âu đang chờ đợi chúng ta, những kẻ chịu trách nhiệm chính trị, đưa việc đàm phán đến thành công vì lợi ích của tất cả mọi người dân châu Âu". Nhưng trong một buổi nói chuyện với báo chí Đức, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp một lần nữa lại mạnh mẽ gạt bỏ các biện pháp kinh tế do Ủy ban châu Âu đề ra, trong đó có việc tăng thuế giá trị gia tăng và cắt giảm lương bổng cũng như lương hưu của công chức. "Người ta chỉ đưa ra loại đề nghị đó khi không muốn thỏa thuận" - Yanis Varoufakis kết luận.

Khủng hoảng kinh tế không chỉ liên quan đến Hy Lạp mà là cuộc khủng hoảng của châu Âu.

Các số liệu thống kê cho thấy các gia đình và xí nghiệp Hy Lạp đã ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng từ tháng 12/014. Khối tiền tiết kiệm của Hy Lạp đã giảm 4,2 tỉ euro trong tháng 12, sang tháng 1 là 12,8 tỉ, tháng 2 là 7,6 tỉ và tháng 4 là 4,7 tỉ euro. Do vậy, hệ thống ngân hàng Hy Lạp đang thiếu tiền mặt trầm trọng và còn sống được phần lớn là nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Thời gian đã rất cấp bách vì có nhiều khả năng Hy Lạp sẽ không đủ tiền để trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần 1,6 tỉ euro vào cuối tháng, điều này sẽ dẫn đến vỡ nợ với hậu quả khôn lường.

Trong tình thế này, Chính phủ Hy Lạp tìm cách "chơi mạnh tay" để duy trì mối tương quan lực lượng. Và trong bối cảnh căng thẳng giữa một bên là EU và Mỹ, bên kia là Nga, Thủ tướng Alexis Tsipras đang muốn nhích gần lại với Tổng thống Putin.  Điều này càng được củng cố bởi các mối quan hệ lịch sử và văn hóa giữa Nga và Hy Lạp.

Trước tiên là tình huynh đệ chính thống, nó giải thích rất nhiều về mối liên hệ trong lịch sử 2 nước từ thế kỷ XIX. Theo các số liệu thống kê, đa số người dân Hy Lạp và Nga đều trung thành với Giáo hội chính thống: 70% ở Nga và 95% ở Hy Lạp. Lịch sử quân sự của 2 nước cũng có nhiều tương quan mật thiết. Cả hai quốc gia đều đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến đấu chống phát xít trong Thế chiến II. Hiện nay cả hai vẫn còn chia sẻ mối nghi ngờ, nếu không nói là ghét Mỹ, điều này giải thích lập trường lạ lùng của Thủ tướng Tsipras về vấn đề Ukraine. Trước những biện pháp chế tài của châu Âu chống lại Nga, Thủ tướng Tsipras đã tuyên bố: "Để giải quyết cuộc khủng hoảng sâu xa này, cần phải bỏ cái vòng lẩn quẩn những sự chế tài vốn không góp phần vào việc bảo vệ luật quốc tế".

Nhiều khả năng Hy Lạp sẽ không đủ tiền để trả cho Quỹ tiền tệ quốc tế gần 1,6 tỉ  euro vào cuối tháng 6 này.

Rõ rệt hơn, cuộc gặp giữa Thủ tướng Tsipras và Tổng thống Putin vào ngày 8/ đã cho thấy mong muốn thể hiện sự tương trợ của 2 chính phủ trong hai lĩnh vực kinh tế đặc thù. Trước tiên là việc thành lập Turkish Stream, đường ống dẫn dầu tương lai này sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, điều này sẽ giúp đạt được một tình thế chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tại châu Âu. Trước đó vào tháng 3, Tổng thống Nicos Anastasiades và Tổng thống Putin đã ký một thỏa ước liên quan đến khả năng cho Hải quân Nga được sử dụng các cảng ở Chypre.   

Kế đó, 2 nước sẽ gia tăng những sự trao đổi trong lĩnh vực tài chính, thương mại và du lịch. Thị trường tư hữu hóa của Hy Lạp sẽ mở cửa cho các xí nghiệp của Nga, bù lại việc cấm vận của Nga đối với nông sản châu Âu sẽ mềm dẻo hơn đối với những sản phẩm của Hy Lạp. Tất nhiên Hy Lạp sẽ không hối hả đến mức đưa tay trực tiếp xin trợ giúp từ phía Nga, nhưng đã tỏ rõ rằng nếu không đoàn kết với số phận của Hy Lạp, EU sẽ không thể tiến thoái trên bàn cờ của họ.

Thủ tướng Tsipras từng tuyên bố: "Hy Lạp không phải là một gã hành khất đi đến từng nước để xin giải quyết các vấn đề kinh tế, và một cuộc khủng hoảng kinh tế vốn không chỉ liên quan đến Hy Lạp mà là một cuộc khủng hoảng của châu Âu… Hy Lạp là một quốc gia có chủ quyền, có quyền thiết lập một chính sách đối ngoại đa phương và đang tìm cách đóng một vai trò địa chính trị". Giờ đây, mọi người đều thừa nhận rằng đẩy Hy Lạp ra khỏi EU tức là đưa nước này vào tay Nga. Phía châu Âu nên tỏ ra đủ khôn ngoan để giúp đỡ Hy Lạp gượng dậy thay vì mất đi vĩnh viễn.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.