Hy Lạp thêm kiệt quệ vì chảy máu chất xám
Kể từ khi cuộc khủng hoảng đồng euro gây điêu đứng cho Hy Lạp, hàng ngàn người có học vấn cao đã rời khỏi đất nước này. Nạn chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi khi hiện nay có hơn 50% thanh niên Hy Lạp bị thất nghiệp và không có gì ngạc nhiên khi số liệu thống kê chính thức cho thấy con số người Hy Lạp di cư sang Đức đã tăng đến 90% chỉ trong vòng hơn một năm.
Với tỉ lệ thất nghiệp thấp và nền kinh tế ổn định, Đức trở thành quốc gia thu hút nhân tài kiếm việc làm từ các nước khác. Và trong khi Đức có nhu cầu cao về nhân lực có chuyên môn thì thị trường lao động ở Hy Lạp gần như không có chỗ cho loại lao động này. Christos Christoglou cho biết, sinh viên mới ra trường gần như không thể tìm được việc làm ở Hy Lạp trong tình hình hiện nay.
Christoglou là kỹ sư làm việc cho Công ty dược phẩm và hóa chất khổng lồ Bayer của Đức lúc cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra vào tháng 6/2010. Một năm sau khi di cư đến Đức, Christoglou đón vợ tên Mary và cô con gái Georgina sang xum họp. Gia đình anh hiện đang sinh sống yên bình tại căn hộ 4 phòng ngủ tiện nghi ở thành phố Leverkusen. Mary là giáo viên dạy tiếng Anh, còn Georgina đang kiếm việc làm.
Christoglou, năm nay 38 tuổi, cho biết lý do di cư sang Đức là anh không muốn uổng phí 6 năm miệt mài học tập để sống với tương lai vô vọng ở Hy Lạp. Tuy vậy, Christoglou vẫn hy vọng chính quyền Hy Lạp phải có chính sách để ngăn chặn làn sóng chảy máu chất xám ở nước này. Theo Christoglou, trong thời gian gần đây, khá nhiều trí thức và kể cả lao động bình thường rời bỏ Hy Lạp để di chuyển đến các quốc gia thịnh vượng của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Hà Lan hay Thụy Điển.
Theo số liệu của cơ quan thống kê Đức, vào năm 2011 có khoảng 24.000 người rời bỏ Hy lạp để đến sống và làm việc tại Đức, tức tăng gấp đôi so với năm 2010. Vassilis Tsianos, chuyên gia cơ quan nhập cư ở Hamburg cho biết, con số này không bao gồm những người không đăng ký hợp pháp với chính quyền Đức. Ngoài ra, cũng có con số đáng kể dân nhập cư từ một số quốc gia bị khủng hoảng kinh tế ở miền Nam châu Âu đến nước Đức vào năm 2011 - với số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tăng 52% từ Tây Ban Nha, 28% từ Bồ Đào Nha và 23% từ Italia.
Trong số những người mới đến Đức có Vasileia Paschali, nữ chuyên gia công nghệ thông tin 23 tuổi quyết định rời khỏi Hy Lạp để đến thành phố Boeblingen miền Nam nước Đức cách đây gần một năm. Vasileia Paschali đang làm việc cho Ruecker, công ty công nghệ hoạt động trong khu vực kinh tế hàng không và ôtô Đức. Ruecker có trụ sở ở Wiesbaden, hiện đang tập trung tuyển dụng các kỹ sư đến từ Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia. Ruecker trả tiền cho khóa học 2 tháng tiếng Đức và ký hợp đồng bảo đảm mức lương căn bản khoảng 4.500 USD/tháng cho những người được xét tuyển làm việc cho công ty.
Thomas Aukamm, chuyên viên bộ phận nhân lực và tiếp thị của Ruecker cho biết, thị trường Đức không cung cấp đủ những người có trình độ chuyên môn cho nên công ty cần mạnh dạn đầu tư để bảo đảm lực lượng lao động không bị thiếu trong tương lai. Theo Aukamm, vừa qua Ruecker đã tiếp nhận khoảng 3.500 lá đơn xin việc, chủ yếu đến từ các quốc gia miền Nam châu Âu, và công ty đánh giá cao 500 người trong số đó.
Anna Sioki. |
Đối với Vasileia Paschali, việc di cư đến Đức không là sự lựa chọn dễ dàng. Khi còn ở Hy Lạp, Paschali làm việc cho một công ty ở Athens, nhưng sau đó cô không chấp nhận bị cắt giảm lương 20% do tình hình kinh tế đất nước lâm vào cơn khốn đốn.
Gốc gác ở thị trấn Trikala, cô tâm sự với báo chí: "Dĩ nhiên, việc bỏ lại sau lưng mọi thứ để tìm kiếm một tương lai không chắc chắn là điều chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng, tôi muốn tìm kiếm cuộc sống ổn định nên tin có thể có được nó ở nước Đức". Theo đánh giá, hiện nay ở Đức còn trống 70.000 vị trí chuyên gia công nghệ.
Theo tiến sĩ Ina Kayser thuộc Hiệp hội Kỹ sư Đức (VDI), sự thiếu lao động chuyên môn cao ở Đức có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước này trong tương lai. Ina Kayser còn cho rằng, nước Đức có thể đối mặt với mức thiệt hại kinh tế lên đến gần 10 tỉ USD trong tương lai do thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Trong tình hình đó, các khu vực kinh doanh khác của Đức cũng bắt đầu tìm kiếm nguồn chất xám quý báu đến từ nước ngoài. Theo OECD, Tổ chức quốc tế Điều phối chính sách kinh tế của các quốc gia công nghiệp đặt trụ sở tại Paris (Pháp), các bệnh viện tư nhân và cơ quan chính quyền ở các vùng nông thôn của Đức hiện đang rất cần nguồn nhân lực trình độ cao. Karl Horn, Giám đốc nhân sự của Bệnh viện đa khoa Rheinhessen ở Alzey, cho biết bệnh viện đang cố gắng tìm kiếm nguồn lao động có chuyên môn từ các quốc gia miền Nam châu Âu.
Sau khi kết thúc việc học tập vào năm 2009, Anna Sioki quyết định tìm đường sang Đức sinh sống. Do trình độ tiếng Đức còn kém cho nên cô chỉ có thể tìm được chỗ làm ở một hiệu sách trong thành phố Thessaloniki. Cô nói: "Tôi là một trong số những người may mắn bởi vì đã rời khỏi Hy Lạp khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra".
Cha của Anna Sioki buộc phải đóng cửa tiệm điện của ông do kinh doanh ế ẩm và đã bị thất nghiệp cách đây gần hai năm. Hiện cha của Anna Sioki đành phải sống nhờ vào khoản tiền lương hưu ít ỏi của mẹ cô.
Theo tờ Wall Street Journal, ngay từ nửa đầu thế kỷ XX đã có hàng chục ngàn người rời khỏi Hy Lạp di cư sang Mỹ. Nạn chảy máu chất xám của Hy Lạp gây hậu quả nghiêm trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và đang là vấn đề đau đầu cho giới lãnh đạo nước này cũng như một số quốc gia châu khác đang ngập ngụa trong nợ nần