Hy vọng mới cho quan hệ Nga – phương Tây

Thứ Tư, 10/12/2008, 16:00
Quan hệ giữa Nga với phương Tây đang bắt đầu ấm trở lại sau hơn 3 tháng đóng băng do cuộc chiến chớp nhoáng 5 ngày giữa Nga-Gruzia đầu tháng 8/2008.

Sau Liên minh châu Âu (EU), nay đến lượt Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng quyết định nối lại các đối thoại hợp tác một cách thận trọng. Dù không muốn bị xem là "quá vội", song rõ ràng NATO đang không còn lý do gì để tiếp tục "lạnh lùng" với đối tác chiến lược số một của mình.

Cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao NATO trong 2 ngày 2 và 3/12/2008 đã kết thúc với một số kết quả được xem là "tích cực" đối với các mối quan hệ với cả Nga, Ukraina và Gruzia.

Sau Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Tallinn, Estonia, hồi trung tuần tháng 11/2008, các Bộ trưởng Ngoại giao NATO đến tham dự Hội nghị tại Brussels với trọng trách thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến an ninh của khối cũng như toàn cầu.

Đặc biệt, hội nghị đã tập trung bàn thảo  và trong bản thông cáo báo chí công bố chiều ngày 3/12, các đồng minh NATO đã thống nhất một số điểm như sau: Một là, các thành viên NATO tái khẳng định "tất cả những điều đã quyết định liên quan đến Ukraina và Gruzia" tại cuộc họp ở Bucharest tháng 4/2008; hai là, các Bộ trưởng Ngoại giao NATO kết luận cả 2 quốc gia này dù đạt được nhiều tiến bộ song "vẫn còn nhiều việc cần phải làm".

Cuộc họp tái khẳng định tầm quan trọng mối quan hệ giữa NATO với Ukraina và Gruzia đã và đang phát triển mạnh kể từ sau cuộc họp tại  Bucharest.

Với Ukraina, bản thông cáo báo chí nêu rõ những bước tiến đáng kể trong đối thoại chính trị giữa NATO - Ukraina và việc tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên thông qua Ủy ban công tác đặc biệt NATO - Ukraina (được thành lập từ năm 1997).

Những quyết định liên quan các hành động chung của khối đều phải chờ đến sau khi ông Barack Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ (20/1/2009) mới tính tiếp.

Nhận định chung của giới quan sát sau những kết luận trong thông cáo báo chí của Hội nghị Brussels được công bố là "tích cực" và "khả quan", là triển vọng mới trong quan hệ Nga - NATO, và là một thông điệp mang tính dung hòa giữa các mối quan hệ giữa NATO với Nga, Ukraina và Gruzia.

Bước tiến triển quan trọng nhất tại Hội nghị Brussels là việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice đã chính thức đưa ra nhượng bộ đầu tiên về vấn đề kết nạp thành viên mới đối với Ukraina và Gruzia.

Quan điểm mới của Mỹ về vấn đề này là Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc không áp dụng quy chế Kế hoạch hành động thành viên (MAP) với Ukraina và Gruzia, thay vào đó là 2 bên tiến hành các cuộc làm việc, trao đổi tiếp xúc cấp cao thông qua các ủy ban công tác đặc biệt NATO - Ukraina và NATO - Gruzia.

Điều quan trọng là cuối cùng thì Ukraina và Gruzia cũng có thể gia nhập NATO, nhưng điều đó còn tùy thuộc nhiều thứ, và phải theo lộ trình không chính thức, không được "đi tắt, đón đầu".

Tiếp đến, bà Rice cũng bày tỏ đồng ý việc tái khởi động đối thoại song phương Nga - NATO, nhưng ở mức độ khiêm tốn, diễn ra từng bước một chứ không "bình thường hóa" nhanh như nhiều người mong muốn, và Nga phải thỏa mãn những điều kiện do NATO đặt ra ở từng thời điểm đối thoại, như vấn đề an ninh chung của khu vực, vấn đề các vùng ly khai của Gruzia và việc Nga sử dụng sức mạnh quân sự tại các khu vực biên giới NATO.

Đương nhiên cả Ukraina và Gruzia đều hoan nghênh những tuyên bố nêu trên của NATO vì cả hai quốc gia này đều nhận thấy mình "gần NATO hơn bao giờ hết".

Đối với Ukraina, việc gia nhập NATO và EU là 2 mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Kiev. Sau cuộc "cách mạng cam" tháng 11/2004, phe "liên minh cam" lên cầm quyền đã đẩy mạnh việc gia nhập cả 2 khối này.

Đối với Gruzia, ước mơ gia nhập EU và NATO còn xuất hiện sớm hơn, từ sau cuộc "cách mạng hoa hồng" tháng 11/2003 đưa ông Mikhail Saakashvili lên làm Tổng thống. Không chỉ có ước muốn của Ukraina và Gruzia, mà EU và NATO cũng đều rất "thèm" có 2 quốc gia này làm thành viên của mình.

Bởi vì, cả EU và NATO đều có chung chiến lược là bành trướng vùng không gian ảnh hưởng của mình về phía Đông, lấn dần và tiến tới bao vây, cô lập nước Nga trong cuộc chiến tranh giành lợi thế về địa chính trị muôn thuở giữa đôi bên.

Do vậy, việc kết nạp Ukraina và Gruzia vào 2 tổ chức này luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga.

Cho nên, luận điệu và ngôn từ của Mỹ cũng như EU và NATO đối với vấn đề này luôn có tác động nhất định đến thái độ hợp tác của Nga.

Trước mắt, phía Nga hoan nghênh việc Mỹ "thay đổi" quan điểm đối với vấn đề Ukraina và Gruzia, đánh giá đây là dấu hiệu tích cực cho thấy những triển vọng mới trong việc cải thiện quan hệ không chỉ giữa Nga với NATO mà còn giữa Nga với Mỹ, nhất là sau khi ông Obama nhậm chức Tổng thống.

Nước Nga đang đặt kỳ vọng vào những đổi mới trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ được ông Obama áp dụng và tuyên bố sẽ hợp tác tích cực với ông Obama trong nhiều vấn đề song phương và toàn cầu.

Tuy nhiên, đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin cũng cho biết, Moskva sẽ chờ xem thực tế những kết quả sẽ gặt hái được từ những tuyên bố của NATO trước khi đưa ra phản ứng chính thức.

Trước NATO, EU cũng đã chính thức nối lại các cuộc đối thoại hợp tác song phương với Nga.

Cơ sở để EU có động thái này là việc Nga chấp hành đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga-Gruzia do Pháp làm trung gian, như việc Nga đã rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi các vùng lãnh thổ Gruzia và rút phần lớn binh sĩ và vũ khí khỏi các vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia (chỉ để lại khoảng 4.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình).

Nói chung, việc nối lại các đối thoại hợp tác song phương để dần dần tiến tới bình thường hóa các quan hệ đối với nước Nga đang là ưu tiên hàng đầu của cả EU và NATO, vì EU và NATO hoàn toàn có lợi khi duy trì tốt mối quan hệ với Nga

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.