ICC có thật sự độc lập khi đưa ra các phán quyết?

Thứ Ba, 22/11/2016, 06:35
Ngày 16-11, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh rút Nga khỏi Quy chế Rome về việc thành lập Tòa Hình sự quốc tế (ICC) vì cho rằng tổ chức này không đạt được kỳ vọng của Moscow cũng như không phải là một cơ chế thực sự độc lập khi thực thi công lý trên phạm vi quốc tế.

Quyết định trên của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi ICC vào ngày 14-11 kết tội việc Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 là một cuộc xung đột vũ trang.

"Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, tình hình ở Crimea và Sevastopol tương đương với một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Liên bang Nga. Liên bang Nga đã dùng quân đội của mình để giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý của Chính phủ Ukraine", theo báo cáo từ công tố viên ICC Fatou Bensouda. Ngoài ra tổ chức này cũng cho rằng, Nga đã phạm phải tội ác chiến tranh trong cuộc chiến giữa Nga và Gruzia hồi năm 2008.

Trụ sở tòa án Hình sự Quốc tế tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: Crisis Magazine.

ICC được thành lập vào năm 1998 với 124 quốc gia thành viên, đặt trụ sở tại La Hay, Hà Lan. Đây là tòa chuyên xét xử và đưa ra phán quyết liên quan đến 4 loại tội phạm: tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác xâm lược và tội ác chiến tranh.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong 14 năm tồn tại, tổ chức này chỉ đưa ra được 4 phán quyết và tiêu tốn hơn 1 tỉ USD. Hoạt động của ICC được cơ quan ngoại giao Nga nhận xét là "mang tính một chiều và thiếu hiệu quả". Tính một chiều ở đây có biểu hiện cụ thể là ICC đã lờ đi hành động gây hấn của Gruzia tại Nam Ossectia - khu vực thân Nga và ly khai khỏi Gruzia - trong cuộc chiến tranh 5 ngày diễn ra năm 2008.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov nói với giới phóng viên rằng, quyết định rút khỏi ICC của Moscow là phù hợp với "lợi ích quốc gia" và hành động này chỉ mang tính hình thức vì Nga chưa bao giờ phê chuẩn Quy chế Rome (Nga ký tham gia Quy chế Rome để thành lập ICC vào năm 2000 nhưng không phê chuẩn hiệp ước này).

Trước đây, vào tháng 3-2011, Công tố viên trưởng của ICC Luis Moreno-Ocampo đã ra quyết định mở điều tra về cáo buộc đối với Tổng thống Libya Gaddafi cũng như lực lượng an ninh và quân đội Libya vì đã phạm tội ác chống nhân loại như giết người biểu tình không có vũ khí, cưỡng bức di dân, giam người trái phép và bắn pháo, ném bom vào dân thường. Đây là lần đầu tiên ICC điều tra các cáo buộc khi một sự kiện đang diễn ra trên thực tế.

Ngày 17-5 cùng năm, ICC đã ra trát bắt giam đối với Tổng thống Gaddafi cùng con trai Saif al-Islam Gaddafi và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Abdullah al-Sanousi. Đây là lần thứ hai ICC ra lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia (năm 2009, ICC đã ra lệnh bắt Tổng thống Omal al-Bashir của Sudan).

Lệnh bắt này đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau về mục đích và tính pháp lý. ICC và các quốc gia ủng hộ cho rằng lệnh bắt giữ ông Gaddafi, con trai và người đứng đầu cơ quan tình báo Libya nhằm trừng phạt những kẻ đã thực hiện tội ác chống nhân loại và để bảo vệ công lý.

Tuy nhiên, Libya và các quốc gia phản đối lệnh bắt thì cho rằng ICC ra lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm là điều không thể chấp nhận được vì vi phạm chủ quyền quốc gia và làm nghiêm trọng thêm cuộc nội chiến ở Libya.

Về phương diện pháp lý, ICC có thể thực hiện quyền tài phán đối với bất kỳ người nào nếu có chứng cứ chứng minh người đó đã thực hiện các tội phạm diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại và tội phạm chiến tranh.

Bởi lẽ điều 27 của Quy chế Rome đã quy định: "Quy chế này được áp dụng bình đẳng đối với mọi người, không có bất kỳ phân biệt nào dựa trên thân phận chính thức như nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, thành viên của chính phủ hay nghị viện, dân biểu hoặc quan chức chính phủ, trong bất kỳ trường hợp nào đều không là lý do để miễn trách nhiệm hình sự theo quy chế này cũng như không là lý do để giảm hình phạt. Các miễn trừ hay thủ tục đặc biệt đối với người có thân phận chính thức theo luật quốc gia hay luật quốc tế đều không cản trở tòa án thực hiện quyền tài phán đối với người này".

Tuy nhiên, thực chất của việc ICC ra lệnh bắt nói trên không nhằm mục đích nào khác là ủng hộ NATO thực hiện mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Gaddafi, không cho Tổng thống Gaddafi bất kỳ lựa chọn nào khác như đàm phán hòa bình, từ bỏ quyền lực và tị nạn ở nước ngoài. Và khi không còn đường lùi, Tổng thống Gaddafi và những người ủng hộ ông ta phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ quyền lực.

Việc bắt giữ Tổng thống Gaddafi lại càng khó khăn hơn và hầu như là không thể thực hiện được vì Libya là một trong bảy quốc gia đã bỏ phiếu chống lại việc thành lập ICC và ông Gaddafi lúc đó là Tổng thống Libya.

Do vậy, bắt giữ và xét xử ông Gaddafi, con trai và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Libya chỉ có thể thực hiện được sau khi chính quyền của Tổng thống Gadafi bị lật đổ. Đây là mục tiêu NATO đã rắp tâm phải thực hiện cho được. Đây lại thêm một minh chứng cho việc ICC thiếu công tâm và chỉ ra các quyết định nhằm thực hiện ý đồ của các tổ chức, các liên minh quân sự hay các quốc gia khác biết cách gây ảnh hưởng lên ICC.

Tổng thống Philippines Duterte chỉ trích Tòa án Hình sự Quốc tế. Ảnh: Reuters.

Việc các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn chưa phê chuẩn Quy chế Rome nên ICC không có những đại diện lớn nhất là các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để tăng uy tín và hiệu quả hoạt động của ICC. Và lần này, khi Nga rút khỏi ICC, tổ chức này có nguy cơ biến thành một khối nhà văn phòng quy tụ những công tố viên hữu danh vô thực.

Hôm 17-11, trước khi lên đường đến Peru dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Philippines nói ông có thể học theo quyết định của người đồng cấp Nga về việc rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì theo ông "Những người ở ICC đều vô dụng. Nga đã rút. Tôi có thể làm theo. Lý do là vì sao? Vì những nước nhỏ như chúng tôi mới bị động tới", hãng tin Reuters dẫn lời ông Duterte.

Ngoài chỉ trích ICC "vô dụng", Tổng thống Philippines còn quy trách nhiệm cho Liên Hiệp Quốc đã không ngăn chặn được nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới. Các nhà quan sát đưa ra lý do khiến "Donald Trump châu Á" nặng lời chỉ trích ICC như thế vì vào giữa tháng 10 vừa qua, trưởng công tố viên của ICC Fatou Bensouda đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về những vụ giết chóc không qua xét xử đối với nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy ở Philippines.

Đồng thời, bà cảnh báo ICC có quyền truy tố những người gây ra việc này. Philippines tham gia ICC từ năm 2011 và lời "nhắn nhủ" của Tổng thống Philippines khiến giới quan sát quốc tế nhận ra thâm ý của ông là ICC từ lâu đã biến thành công cụ pháp lý chỉ áp dụng cho những tiểu quốc có "cách hành xử đối nghịch" với các định chế phương Tây.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.