Idlib - chiến trường cuối cùng ở Syria?
- Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất có thể xảy ra ở Syria
- Những "át chủ bài" của Nga giúp Syria bẻ gãy tên lửa Mỹ
- Mỹ bất ngờ dọa tấn công cả Nga ở Syria
- Nga-Syria dội bão lửa lên đầu khủng bố ở Idlib
Idlib, cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy tại phía bắc Syria, đang diễn ra một trong những trận đánh phức tạp nhất trong cuộc nội chiến thảm khốc đã tàn phá đất nước Syria. Trên bình diện quân sự, các đội quân của Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của quân đội Nga và sự tham gia của binh lính Iran, sẽ phải đối đầu với phe nổi dậy dạn dày kinh nghiệm chiến đấu.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, khoảng từ 20.000 đến 30.000 chiến binh và khủng bố thuộc nhiều nhóm khác nhau đang đồn trú tại tỉnh Idlib. Kể từ năm 2015, tỉnh này nằm trong tay của tổ chức khủng bố al-Nosra. Nhưng gần đây, Idlib đã trở thành nơi tập trung của những phần tử cực đoan tháo chạy từ các chiến trường Aleppo, Homs và phía đông Ghouta sau khi không chịu đầu hàng quân đội Chính phủ Syria. Ngoài ra, khu vực này còn có các nhóm đối lập dưới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Các nhóm này vẫn tiếp tục các hoạt động chống lại chính quyền Syria.
Đây là địa bàn lớn cuối cùng tại Syria hiện còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân khủng bố. Chính phủ Damas từ lâu đã quyết tâm lấy bằng được căn cứ này. Sau nhiều tuần chuẩn bị, trong hai ngày 4 và 5-9, không quân Syria và Nga bắt đầu tiến hành các vụ không kích nhằm vào các ổ khủng bố ở Idlib. Cụ thể, ngày 5-9, không quân Syria đã tấn công các mục tiêu của tổ chức khủng bố đảng Hồi giáo Turkestan ở Idlib.
Một nguồn tin trong quân đội Syria nói với trang Sputnik của Nga rằng máy bay của Syria đã tiến hành hơn 25 cuộc tấn công vào các vị trí của đảng Hồi giáo Turkestan ở Idlib. “Nhiều kẻ khủng bố đã bị giết hoặc bị thương. Hầu hết các vị trí và công sự của chúng đã bị phá hủy”, nguồn tin cho biết.
Quân đội Syria tấn công các mục tiêu khủng bố ở Idlib ngày 5-9. |
Đảng Hồi giáo Turkestan, nhóm thân cận của Mặt trận al-Nosra, bao gồm nhiều phần tử thánh chiến đến từ Uzbekistan và Chechnya, chiếm đóng một số địa điểm ở phía bắc và đông bắc Syria.
Trước đó, ngày 4-9, Lực lượng không quân Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu khủng bố ở Idlib. “Ngày 4-9, Không quân Nga đã tấn công các mục tiêu ở Idlib. Những mục tiêu này là nơi tổ chức và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Nga tại Hmeimim”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết. Theo bà Zakharova, Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố cho đến khi loại bỏ hoàn toàn bọn chúng.
Sang đến ngày 8 và 9-9-2018, máy bay Nga và không quân Syria tiếp tục gia tăng oanh tạc Idlib. Quyết tâm của Moskva và Damas diễn ra một ngày sau khi hội nghị 3 bên Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về số phận của tỉnh này thất bại. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đề xuất ngừng bắn để tìm giải pháp hòa bình thì Nga và Iran thống nhất chỉ có một phương án, đó là quét sạch các lực lượng “khủng bố” ra khỏi lãnh thổ Syria.
Ngày 7-9, Iran khẳng định “sẽ giúp Syria giải phóng Idlib với thiệt hại thấp nhất”. Về phần Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, tuyên bố: “Thanh toán toàn bộ và vĩnh viễn khủng bố trên toàn lãnh thổ Syria là cần thiết”.
Sở dĩ có chuyện lần lữa của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này là từ nhiều năm nay, Ankara ủng hộ phe đối lập với Tổng thống Syria Bachar Al Assad và hỗ trợ phe đối lập Syria tạo dựng thành trì ở Idlib, chủ yếu để phe này chặn đường không cho người Kurdistan kiểm soát miền bắc Syria. Ankara sợ nhóm người Kurdistan ở Syria móc nối với đảng Công nhân Kurd (PKK), một tổ chức khuynh tả vũ trang có căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Kurdistan ở Iraq, chuyên đấu tranh vũ lực chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, không thể để các lực lượng nổi dậy Syria, vốn xuất thân từ các phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm, tan rã rồi lọt vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Để hậu thuẫn chế độ Damas, một mặt, Nga tấn công các nhóm đối lập được Ankara ủng hộ, mặt khác Moskva vẫn phải dàn xếp với Ankara vì trên danh nghĩa, Nga vẫn cần có Thổ Nhĩ Kỳ làm đồng minh trên bàn đàm phán quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Đối với Nga, điều quan trọng là đánh đuổi các phần tử Hồi giáo cực đoan khỏi Idlib, lấy lại quyền kiểm soát khu vực này cho chính quyền Damas, để từ đó kết thúc các hoạt động quân sự, chuyển sang bước tiếp theo. Theo giới quan sát, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhượng bộ Nga, từ bỏ mục tiêu ở Syria.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bàn về Syria ngày 7-9. |
Idlib sẽ trở thành ván bài cuối cùng trong tay các cường quốc đang trong cuộc khủng hoảng Syria. Không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng đang rất quan ngại về việc Damas và Moskva tiến đánh Idlib. Từ nhiều tuần qua, Mỹ và phương Tây đã nghĩ ra nhiều chiêu trò ngoại giao để ngăn cản trận chiến này từ lý do nhân đạo cho đến việc chính quyền Tổng thống Syria Assad vượt lằn ranh đỏ khi dùng vũ khí hóa học nhưng Nga khẳng định nhiều chất hóa học đã được lực lượng Mũ Trắng - lực lượng cứu hộ tình nguyện Syria do phương Tây hỗ trợ - chuyển tới Idlib.
Thậm chí trong những ngày qua, Mỹ đã đưa nhiều tàu chiến và máy bay tới khu vực để dọa đánh chính quyền Damas. Nga cũng không vừa khi ra lệnh cho hải quân tăng cường tới phía đông Địa Trung Hải để răn đe Mỹ.
Thậm chí ngày 7-9, Lầu Năm Góc cho biết, các trực thăng của quân đội Mỹ đã vận chuyển hơn 100 lính thủy quân lục chiến tới căn cứ ở Al Tanf, một thị trấn ở Syria giáp biên giới với Iraq và Jordan. Đây là căn cứ được lực lượng Mỹ sử dụng để huấn luyện các tay súng Syria nhằm chống lại các phần tử vũ trang Hồi giáo cực đoan. Việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria sẽ không làm thay đổi mối tương quan lực lượng hiện nay tại Syria nhưng đây là một quyết định mang tính biểu trưng cao.
“Việc tăng quân của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng hoạt động của người Mỹ tiếp tục và sẽ tiếp tục ở Syria chứ không như thông báo sẽ sớm rút quân Mỹ về nước của Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 3-2018”, chuyên gia Nga Mikhail Sinelnikov-Orichak nói với kênh RT.
Liên quan tới tình hình tại Idlib, Lầu Năm Góc ngày 9-9 tuyên bố Mỹ có kế hoạch sử dụng phương pháp riêng của mình để đánh đuổi những kẻ khủng bố khỏi Idlib và không có ý định hợp tác với Nga để làm điều này. Cách riêng như thế nào thì Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ.
Các nhà quan sát nhận định Idlib sẽ là trận đánh cuối cùng cho phép chính quyền Damas chiếm lại toàn bộ lãnh thổ Syria, cho nên các bên đang cố sử dụng những lá bài cuối cùng.