Indonesia: Nguy cơ khủng hoảng chính trị kéo dài

Thứ Năm, 24/07/2014, 08:35

Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia đang có nguy cơ đẩy quốc gia này vào khủng hoảng chính trị kéo dài khi mà cả hai ứng cử viên đều không chấp nhận thua cuộc mặc dù hai tuần lễ sau cuộc bỏ phiếu đã trôi qua.

Tham gia tranh cử tổng thống Indonesia lần này có hai ứng cử viên. Đó là Thị trưởng Jakarta Joko Widodo và tướng về hưu Prabowo Subianto. Ông Widodo, đại diện cho đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P). Ông Subianto, người lãnh đạo đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerinda), miêu tả mình là một lãnh đạo có sức mạnh.

Ngay sau cuộc bầu cử ngày 9/7, cả hai ứng cử viên đều tuyên bố chiến thắng, trong khi theo các thẩm định, Thị trưởng Jakarta thu được đến gần 53% số phiếu, còn đối thủ của ông chỉ được hơn 47% số phiếu.

Hai ngày trước khi kết quả bầu cử chính thức được công bố (ngày 22/7), ứng cử viên Prabowo Subianto vẫn tiếp tục bác bỏ kết quả bầu cử cho tới khi các cáo buộc gian lận được điều tra. Ông yêu cầu Ủy ban bầu cử quốc gia dừng việc kiểm phiếu trên toàn quốc.

Ông Prabowo Subianto cho biết: "Chúng tôi yêu cầu điều đã được luật pháp quy định, rằng nếu như có những dấu hiệu gian lận trong bầu cử, và cơ quan theo dõi bầu cử đã kiểm tra và kiến nghị một cuộc bầu cử mới, thì Ủy ban bầu cử quốc gia cần tiến hành tổ chức cuộc bầu cử mới. Do đó, tôi hoài nghi về tính hợp pháp của toàn bộ tiến trình bầu cử này và chúng tôi cho rằng cuộc bầu cử là không có hiệu lực".

Theo nhận xét của Kevin Evans, một nhà phân tích Indonesia, kết quả cuộc bầu cử rất sát sao, điều chưa từng có kể từ khi nhà độc tài Suharto bị lật đổ vào năm 1998, đưa Indonesia theo con đường dân chủ. Sau khi đã lên như nhiều gặp gió trên sân khấu chính trị Indonesia, nếu đắc cử, ông Joko sẽ là tổng thống đầu tiên không có liên hệ gì đến chế độ độc tài, đánh dấu sự trỗi dậy của một thế hệ chính khách mới. Ông được xem là một lãnh đạo liêm khiết, không dính đến bất cứ bê bối tài chính nào, khác với nhiều chính khách khác của Indonesia, một trong những quốc gia tham nhũng nặng nề nhất thế giới.

Joko là người thay đổi cách nhìn của người dân về giới làm chính trị tại Indonesia. Ông khác hẳn các chính trị gia đã có mặt trên chính trường kể từ khi dân chủ hóa. Ông là một nhà kinh doanh (bán đồ dùng trong nhà), không thuộc một gia đình quyền quý. Ông làm thị trưởng thành phố Solo, cải thiện đời sống của dân, tái đắc cử với 90% số phiếu. Ông đắc cử Thị trưởng Jakarta năm 2012, đem lại nhiều dự án thay đổi bộ mặt của thủ đô.

Tướng Prabowo Subianto là con một bộ trưởng trong chính phủ Suharto thời xưa và kết hôn với con gái của nhà độc tài này (sau đã ly dị). Ông bị quân đội sa thải vì bị tố cáo đã bắt cóc những nhà tranh đấu dân chủ vào năm 1998, năm cuối cùng của chế độ độc tài. Ông lưu vong tại Jordan một thời gian rồi về nước, dấn thân vào chính trị. Năm nay là lần thứ ba ông tranh cử tổng thống, cho nên đầy kinh nghiệm.

Ông Prabowo đã thuê một chuyên viên tranh cử ở Mỹ làm cố vấn. Ðó là ông Rob Allyn, người đã giúp cựu Tổng Thống Goerge W. Bush trong chiến dịch đánh bại đối thủ John McCain trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2000.

Lực lượng an ninh Indonesia được triển khai tại thủ đô Jakarta chuẩn bị cho ngày công bố kết quả bầu cử 22/7.

Điều khác biệt quan trọng giữa hai ứng cử viên không phải là cá nhân của họ mà về quan điểm nền tảng cơ cấu quốc gia. Những người ủng hộ tướng Prabowo nói rằng, sau 16 năm thí nghiệm dân chủ, nước Indonesia cần một "bàn tay sắt" để đoàn kết quốc gia, duy trì ổn định, thúc đẩy kinh tế, nếu không sẽ rơi vào hỗn loạn. Từ khi thiết lập chế độ dân chủ, người dân Indonesia trực tiếp bầu người lãnh đạo trong 500 đơn vị hành chính. Ông Prabowo muốn thay đổi chính sách "tản quyền", muốn tập trung vào thủ đô. Ông Joko không đồng ý trở về chế độ tập trung như thời Suharto.

Trong một động thái làm giảm căng thẳng, ngày 20/7, Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono đã mời tất cả các ứng cử viên đến ăn tối.  Tổng thống Yudhoyono kêu gọi các đảng phái tránh định kiến và hoài nghi. Ông thúc giục người dân Indonesia bảo vệ giai đoạn cuối cùng của cuộc bầu cử mà ông cho rằng đã diễn ra dân chủ và hòa bình.

Theo quy định, sau khi Ủy ban bầu cử công bố kết quả, các ứng cử viên  nếu không đồng ý có thể khiếu nại tới Tòa án Hiến pháp. Điều này có nghĩa là có thể mất hàng tuần nữa mới có thể chính thức công bố tổng thống mới của Indonesia, người sẽ nhậm chức vào tháng 10 năm nay.

Trong lúc này thì toàn bộ thủ đô Jakarta đã được tăng cường an ninh. Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia cho biết có thể triển khai tới 22.700 cảnh sát tại Jakarta, trong đó có trên 3.100 cảnh sát bảo vệ khu vực trụ sở KPU trong ngày công bố kết quả bầu cử 22/7.

Theo các nhà quan sát, nếu cả hai đều không nhượng bộ thì khả năng Indonesia rơi vào khủng hoảng chính trị là điều khó tránh khỏi

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.