Indonesia: Tân Tổng thống muốn đối thoại với phong trào ly khai Tây Papua

Thứ Tư, 24/09/2014, 17:25

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joko Widodo, khi được hỏi liệu các nhà báo nước ngoài sẽ được phép đặt chân đến Tây Papua hay không? Ông trả lời: "Tại sao không". Và, hiện nay tân Tổng thống Joko Widodo hứa hẹn một chính sách mềm mỏng hơn đối với khu vực này, nhưng các tướng lĩnh có thế lực của Indonesia lại không cùng chia sẻ ý tưởng đó. Sau khi đánh bại đối thủ là Prabowo Subianto với số phiếu 53,15%, Joko Widodo (còn được gọi là Jokowi) đắc cử tổng thống và dự kiến sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 10/2014, với nhiệm kỳ 5 năm.

Từ nhiều thập niên qua, các nhà báo nước ngoài cũng như các nhà hoạt động xã  hội bị cấm bén mảng đến Tây Papua - một tỉnh thường xuyên bị trấn áp, nổi loạn và tài nguyên thiên nhiên bị khai thác tràn lan. Nếu như Jokowi thực hiện lời hứa cho phép người nước ngoài vào Tây Papua sau khi ông nhậm chức vào tháng 10 tới thì đây sẽ là sự khởi đầu mạnh mẽ chống lại bộ máy an ninh cực đoan của nước này.

Hiện nay, chính quyền vẫn duy trì sự hạn chế đi vào Tây Papua vì lý do an ninh, do cuộc xung đột với Phong trào Papua Tự do (FPM), một phong trào ly khai vũ trang ở Indonesia. Quân đội Indonesia hiện diện khắp nơi ở Tây Papua và một vài nhà báo nước ngoài được cấp phép đến thăm khu vực đều bị chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ. Jokowi, chính khách được lòng dân, nằm trong số vài lãnh đạo Indonesia không được quân đội cũng như lực lượng an ninh nước này tán thành.

Vài tuần sau khi Jokowi đắc cử, lực lượng an ninh Indonesia đã bắt giữ 2 nhà báo truyền hình Pháp - Valentine Bourrat và Thomas Dandois - vì tội hoạt động bất hợp pháp với visa du lịch. Hai nhà báo này được cho là đang thực hiện một bộ phim tài liệu về phong trào ly khai ở Tây Papua cho kênh truyền hình liên kết Pháp - Đức ARTE. Trong khi các nhà báo không được cấp phép đến Tây Papua bị trục xuất ngay lập tức, hai nhà báo Bourrat và Dandois vẫn bị giam giữ từ đầu tháng 8 cho đến nay và có nguy cơ bị chính quyền địa phương kết án 5 năm tù do họ cung cấp đạn dược cho một nhóm ly khai.

Đối với tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), chế độ kiểm duyệt khắt khe ở Tây Papua nhằm che đậy những vụ vi phạm nhân quyền thường xuyên. Phelim Kline, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, báo cáo chỉ riêng 3 năm qua, tổ chức của ông đã ghi nhận được "hàng chục trường hợp cảnh sát, quân đội, sĩ quan tình báo và giới cai tù sử dụng vũ lực đối với người Papua".

 Tây Papua tách ra từ tỉnh Papua vào tháng 2/2003 và lúc đầu có tên gọi là Irian Jaya Barat nhưng đến tháng 2/2007 đổi sang tên gọi như hiện nay. Vào khoảng cuối tháng 8, thi thể của Marthinus Yohame - nhà hoạt động Papua 27 tuổi của một ủy ban phi bạo lực địa phương - được phát hiện trôi lềnh bềnh giữa biển, bị trói chặt trong bao tải. Các tổ chức nhân quyền thường xuyên báo cáo "một chuỗi bạo lực và vi phạm nhân quyền", cảnh sát nổ súng vào đám đông, tra tấn, giam giữ người trái pháp luật và sự giết hại các nhà hoạt động.

Jim Elmslie, đồng sáng lập Dự án Tây Papua của Đại học Sydney (Australia), nhấn mạnh: "Nền dân chủ ở Tây Papua rất mờ nhạt và nhân quyền rất yếu kém". Elmslie cho rằng Jokowi - người "bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về một Indonesia mở cửa hơn và dân chủ hơn" - cùng với chính sách phi quân sự của ông sẽ là nền tảng cho sự lạc quan.

Jokowi đã viếng thăm Tây Papua 2 lần trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử. Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono cũng từng có mặt ở khu vực 3 lần trong hai nhiệm kỳ kéo dài 10 năm của ông. Jokowi tuyên bố, ông đến Papua không nhằm vận động tranh cử mà do thật sự chú ý đến khu vực đầy xáo trộn này.

Mới đây, Jokowi đã có cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo ở Papua và tiết lộ kế hoạch xây dựng một dinh tổng thống ở Tây Papua. Jokowi bày tỏ ý muốn thường xuyên gặp gỡ giới lãnh đạo Papua. Damien Kingsbury, nhà phân tích chính trị quan tâm đặc biệt đến Indonesia và Papua, đánh giá Jokowi thật sự muốn đối thoại với người Papua song sứ mệnh của ông sẽ là "cực kỳ khó khăn".

Kingsbury phân tích: Người Papua "dứt khoát muốn được quyền tự trị nhiều hơn nữa, phần đông trong số họ muốn độc lập" và "giả sử điều đó không thể có được thì họ muốn những cuộc đàm phán thẳng thắn hơn về đề nghị thay thế. Mà điều đó chỉ có thể xảy ra nếu như tổng thống sẵn sàng tham gia những cuộc đàm phán này, cũng như nếu ông ta có quyền lực để làm điều đó".

Theo Kingsbury, tân Tổng thống Jokowi sẽ phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt từ Quốc hội, nơi ông thiếu sự ủng hộ tuyệt đối, cũng như từ quân đội - lực lượng ảnh hưởng rất mạnh đến chính trường quốc gia.

Leonie Tanggahma, nhà hoạt động Papua hiện sống ở Hà Lan, cho biết bà cũng cảm thấy Jokowi thật sự muốn đối thoại với người Papua, nhưng "vấn đề là ông có thể làm được điều đó hay không bởi vì ông phải chiến đấu chống lại chính người của mình".

Jokowi chào đời ở tỉnh Solo thuộc đảo Java năm 1961. Ông là con trưởng trong số 4 người con và là con trai duy nhất. Ông tốt nghiệp khoa lâm nghiệp Đại học Gadjah Mada ở Yogyarkarta năm 1986 và sau đó nhanh chóng thành công trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Jokowi không thuộc giới chính khách thượng lưu và quân đội như những người tiềm nhiệm.

Jokowi được đánh giá là chính khách trong sạch, gần gũi với người dân cũng như được lòng giới trẻ ở thành thị lẫn nông thôn. Năm 2005, Jokowi bắt đầu tham gia chính trường và 2 lần được bầu vào cương vị thị trưởng Solo. Jokowi có công xóa bỏ tình trạng quan liêu trong bộ máy chính quyền trung ương khi trở thành thị trưởng Jakarta.

Sau khi trở thành tổng thống, Jokowi mong muốn dẹp sạch tệ tham nhũng lâu đời ở Indonesia và có kế hoạch cải thiện đời sống của dân nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng trong vực nông nghiệp, tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân… Tất cả những thách thức xem ra rất nặng nề còn đang ở phía trước chờ đợi tân Tổng thống Joko Widodo

Duy Minh (tổng hợp)
.
.