Indonesia chính thức tuyên bố dời đô

Thứ Tư, 28/08/2019, 18:12
Trong cuộc họp báo tại Dinh Tổng thống sáng 26-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức thông báo với báo chí trong nước và quốc tế về việc Indonesia sẽ xây dựng một thủ đô mới thay thế cho thủ đô hiện tại là Jakarta.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Widodo cho biết việc phải thay đổi được quyết định dựa trên cơ sở những vấn đề bất lợi của thủ đô hiện hữu Jakarta và những lợi thế mà vùng thủ đô tương lai mang lại. Jakarta hiện tại đang trở nên quá chật chội, với dân số trên 10 triệu người, giao thông ách tắc thường xuyên.

Môi trường không khí của thành phố này thuộc top tệ nhất thế giới, ô nhiễm cao nhưng có rất ít công viên cây xanh để hấp thu và lọc bớt khí thải. Nhiều du khách và các doanh nhân nước ngoài đến sống và làm việc tại Jakarta cho biết chỉ mỗi việc đi lại trên vỉa hè thành phố này cũng là một hoạt động đầy nguy hiểm.

Một vấn đề khá nghiêm trọng khác của Jakarta là thành phố này đang ngày càng chìm dần xuống biển, với tốc độ lún vài cm mỗi năm. Tại Jakarta, cứ hễ mưa là đường phố biến thành sông. Ngoài ra, thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa phun thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân Jakarta và làm trầm trọng thêm những vấn đề môi trường không khí tại đây.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo việc dời đô tại cuộc họp báo hôm 26-8.

Thủ đô mới nằm cách Jakarta khoảng 2.000km về phía Đông Bắc, dự kiến sẽ được xây dựng tại vùng Bắc Ppenajam Paser và Kutai Kartanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, nơi nổi tiếng là rừng rậm dày đặc và dân cư ít hơn đảo Java.

Vùng Bắc Ppenajam Paser và Kutai Kartanegara nằm trên đảo Borneo có những lợi thế tự nhiên hơn hẳn Jakarta hiện tại, đó là nơi hầu như không bị đe dọa bởi thiên tai, không thường xuyên đối mặt với động đất, sóng thần như Jakarta và đảo Java nói chung. Bắc Ppenajam Paser và Kutai Kartanegara giải quyết được mọi vấn đề mà thủ đô hiện tại đang đặt ra.

Ngoài lý do về môi trường sống và những nguy cơ về thiên tai của thủ đô hiện hữu, việc dời đô còn xuất phát từ nguyên nhân kinh tế và chính trị. Đảo Java hiện tại là vùng phát triển kinh tế lớn nhất Indonesia, chiếm 54% dân số và cung cấp đến 58% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia. Nhưng Java hiện tại đang gần như bão hòa và khả năng phát triển theo định hướng mới trong tương lai là không nhiều.

Trong khi đó, vùng Bắc Ppenajam Paser và Kutai Kartanegara với dân số chỉ khoảng 900.000 người, bằng ¼ dân số tỉnh Đông Kalimantan (3,5 triệu người), sẽ là vùng đất mới hết sức hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển. “Đây là một vị trí chiến lược tại trung tâm của Indonesia, nằm gần các khu vực đô thị phát triển” - ông Widodo nói.

Trước mắt, tin tức về việc dời đô về vùng Bắc Ppenajam Paser và Kutai Kartanegara đang được các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp và các hiệp hội xây dựng, phát triển đô thị Indonesia vui mừng chào đón, bởi họ đang đứng trước cơ hội đầu tư, kinh doanh lớn. Việc phát triển đô thị thủ đô mới sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Indonesia, tạo nên động lực phát triển mới cho nền kinh tế đất nước vạn đảo.

Theo Tổng thống Widodo, dự kiến kinh phí cho việc di dời thủ đô vào khoảng 33 tỉ USD, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng các tòa nhà trụ sở chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu công chức. Trong đó, ngân sách chính phủ sẽ bỏ ra khoảng 19%, phần còn lại lấy từ nguồn liên danh công - tư và kêu gọi tư nhân đầu tư.

Thủ đô Jakarta hiện tại đang gặp nhiều vấn đề nan giải về môi trường sống, thiên tai,...

Một thuận lợi của việc dời đô là hiện tại Chính phủ Indonesia đang sở hữu một diện tích khá rộng lớn đất đai ở vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara, với khoảng 180.000ha, vừa đủ để xây dựng một thành phố thủ đô hiện đại. Trong tương lai, nếu muốn mở rộng thêm thì việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng không gặp khó khăn gì vì khi đó thủ đô mới đã phát triển mạnh, đủ sức mở rộng.

Bên cạnh sự chào đón nống nhiệt của giới đầu tư, kinh doanh, việc dời đô cũng đang tạo ra phản ứng khác nhau. Một số nhà hoạt động môi trường Indonesia băn khoăn lo lắng, đặt vấn đề việc dời đô đến tỉnh Đông Kalimantan sẽ kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường.

Điều trước tiên chắc chắn khó tránh khỏi là tốc độ đô thị hóa, việc xây dựng các công trình kinh tế - xã hội sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn bình thường. Đi kèm theo việc này là nạn chặt phá rừng để xây dựng các công trình dân sinh, kinh tế, đường sá và nhiều thứ khác mọc lên “ăn theo” sự phát triển đô thị thủ đô. Nhưng, đó là cái giá không thể tránh khỏi của sự phát triển.

Việc dời đô sẽ được tiến hành theo quy trình pháp lý đầy đủ. Sau khi công bố quyết định trước báo chí, chính phủ của Tổng thống Widodo sẽ phải trình lên Quốc hội thông qua một dự luật về dời đô và hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi để xem xét chấp thuận việc dời đô và việc này được cho là sẽ diễn ra thuận lợi, bởi đảng của Tổng thống Widodo hiện chiếm đa số trong Quốc hội.

Tổng thống Widodo cho biết, việc lập quy hoạch xây dựng vùng thủ đô sẽ chính thức bắt đầu vào năm 2024, sau khi dự luật về dời đô được Quốc hội thông qua. Còn Bộ trưởng Kế hoạch Bambang Brodjonegoro cho biết, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ như dự kiến, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng sẽ bắt đầu được tiến hành từ năm 2020.

Indonesia không phải là quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện việc dời đô. Năm 2004, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch dời thủ đô từ Seoul đến vùng Gongju-Yongi cách đó khoảng 160km, với chi phí dự kiến khoảng 40 tỉ USD. Sau Hàn Quốc, năm 2005 đến lượt Myanmar cũng quyết định dời thủ đô đến Naypydaw, cách thủ đô cũ Yangon khoảng 320km.

Trong thập niên 1990, Thủ tướng Malaysia từng cho xây dựng một thủ đô hành chính tại vùng Putrajaya, cách Kuala Lumpur khoảng 33km.

An Châu (tổng hợp)
.
.