Indonesia và Australia – “Láng giềng chiến lược”

Thứ Ba, 25/02/2020, 07:06
Chuyến thăm Australia của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) mới đây được xem là tín hiệu tốt cho quan hệ Australia-Indonesia. Hai cường quốc tầm trung nằm gần nhau ở khu vực Nam Thái Bình Dương, vốn đang hướng tới xây dựng một quan hệ đối tác chặt chẽ hơn cả về kinh tế lẫn an ninh trong bối cảnh khu vực đang trải qua những biến động mạnh mẽ.

Trong 10 năm qua, dù đôi lúc có những tranh cãi ngoại giao, hai nước đã tích cực mở rộng hợp tác, tuy nhiên quan hệ an ninh - kinh tế song phương vẫn chưa thực sự khởi sắc. Hiện tại, Australia đang kỳ vọng Indonesia sẽ đóng vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng toàn cầu. Việc cải thiện quan hệ song phương cho thấy hai nước sẵn sàng nhận trách nhiệm là các cường quốc mới nổi mạnh mẽ.

Bổ sung cho nhau về kinh tế

Trên thực tế, Indonesia và Australia có khối lượng giao dịch song phương thấp nhất trong các nước láng giềng cùng là thành viên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo thống kê, năm 2018, chưa đến 1% đầu tư nước ngoài của Australia đến Indonesia. Tăng trưởng thương mại hai chiều bị đình trệ ở mức khoảng 2% trong cả thập niên. Để khắc phục vấn đề này, hai nước đã ký một hiệp định thương mại tự do được chờ đợi từ lâu, đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA).

Hiệp định này đã được Hạ viện Indonesia thông qua trước khi Tổng thống Jokowi tới Australia và đã có hiệu lực. Do đó, có nhiều kỳ vọng vào triển vọng gia tăng trao đổi thương mại và đầu tư trong thời gian tới giữa hai quốc gia có nền kinh tế bổ sung cho nhau này. Điều quan trọng là Australia có động lực mạnh mẽ để cải thiện mối quan hệ kinh tế với nước láng giềng, đó là đa dạng hóa. Thương mại Australia hiện đang bị chi phối bởi Trung Quốc và Mỹ là những đối tác đầu tư hàng đầu của nước này.

Trong vòng ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai siêu cường, Chính phủ và doanh nghiệp Australia đang tìm kiếm những cơ hội khác. Trong bối cảnh này, vai trò quan trọng của IA-CEPA được coi là một nền tảng để cải thiện quan hệ kinh tế giữa Australia và Indonesia. Một trong những mục tiêu của hiệp định là gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư, trong đó thiết lập một lộ trình cho các nhà đầu tư thực thi các biện pháp bảo vệ theo hiệp đinh, là một bước đi đúng hướng. Bên cạnh đó, IA-CEPA cũng thiết lập một hệ thống hạn ngạch thuế quan và lần đầu tiên, các nhà xuất khẩu gia súc sống của Australia sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Indonesia.

Bên cạnh đó, IA-CEPA có giá trị chiến lược đối với Australia bởi Indonesia chiếm một vị trí quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà Australia ủng hộ, đặt Indonesia vào trung tâm của một khu vực nắm giữ chìa khóa cho tương lai kinh tế của Australia.

Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại thủ đô Canberra, Australia.

Hợp tác an ninh

Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp ngày 10-2 giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, tại thủ đô Canberra, Australia, hai bên bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông do các hoạt động quân sự hóa và thay đổi hiện trạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính thượng tôn pháp luật theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Hai bên nhấn mạnh việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc cần đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế, không làm phương hại đến lợi ích và quyền lợi của bên thứ ba hoặc các quốc gia khác.

Trong tuyên bố, Australia cũng đưa ra đề nghị về một “mối quan hệ đối tác để phát triển năng lực hàng hải và đánh bắt cá ở các khu vực đảo xa nhất của Indonesia”. Sự hợp tác giữa Australia và Indonesia dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức tăng cường huấn luyện cho thủy thủ, sĩ quan Indonesia và hoạt động chia sẻ tình báo sau khi Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Một phần trong cam kết hỗ trợ của Australia cho Indonesia dự kiến bao gồm cả việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo. Các máy bay của Không quân Hoàng gia Australia sẽ tiến hành tuần tra trên vùng trời của Biển Đông. Đề nghị của Australia “chắc chắn là một điều tốt” và đổi lại, Jakarta có thể phối hợp với Australia để giải quyết vấn đề người xin tỵ nạn sử dụng Indonesia làm điểm trung gian cho hành trình tới Australia.

Mặc dù chuyến thăm của  ông Jokowi tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế, song rõ ràng có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vốn sẽ tạo nên một loạt các sáng kiến hợp tác song phương trong những năm tới.

Giới quan sát không thể bỏ qua điểm nhấn là chuyến thăm Canberra sắp tới của ông Jokowi diễn ra sau một vụ leo thang đáng kể trong căng thẳng hàng hải với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Những căng thẳng này, thể hiện ở sự hiện diện kéo dài của đội tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của Indonesia vào đầu năm 2020, cùng yêu sách mới của Bắc Kinh đối với “các lợi ích và quyền lợi hợp pháp” ở vùng biển Indonesia, đã được Jakarta coi là thách thức trực tiếp đối với sức mạnh của Indonesia.

Do đó, những căng thẳng này đã trở thành chất xúc tác cho việc đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc trong giới tinh hoa chiến lược của Indonesia. Và Australia có thể đã được chọn là một đối trọng, theo một tầm mức nhất định.

Hiện, hai nước đã công bố Kế hoạch hành động 100 ngày để triển khai IA-CEPA và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2020-2024 trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, từ tháng 4, khoảng 99% hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được miễn và giảm thuế theo lộ trình của hiệp định. 

Nam Sơn
.
.