Iran: Biểu tình phản đối chính phủ bị “giật dây”?

Thứ Sáu, 05/01/2018, 10:04
Làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ Iran điều hành đất nước kém dẫn đến hệ quả đời sống kinh tế khó khăn và không ngăn chặn được tệ nạn tham nhũng trong nước bỗng nhiên bùng phát mạnh từ những ngày cuối năm 2017. 13 người đã thiệt mạng, trong đó có 1 cảnh sát và ngày 31-12 được xem là ngày đỉnh điểm của bạo lực với 10 người chết.

Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran, cho rằng bạo lực được châm ngòi từ mạng xã hội và không loại trừ khả năng, đợt biểu tình này có sự tác động, giật dây từ các thế lực bên ngoài.

Khởi đầu từ thành phố Machhad, thành phố lớn thứ hai của Iran, nằm ở phía tây bắc nước này, đây là làn sóng bất ổn nghiêm trọng nhất xảy ra tại Iran kể từ năm 2009, khi người dân Iran đổ ra đường phản đối việc ông Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử tổng thống. Nhiều đối tượng quá khích đã tấn công các ngân hàng và nhiều tòa nhà chính phủ cũng như đốt xe của cảnh sát.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 31-12-2017 đã phải lên tiếng kêu gọi người dân kiềm chế. Ông nói, người dân có quyền bày tỏ thái độ nếu chính phủ điều hành đất nước không tốt nhưng không được để cho thái độ đó dẫn đến bạo động.

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran tố cáo: “Những gì diễn ra trên các mạng xã hội liên quan đến tình hình Iran là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm vào chính thể và người dân Iran, Chúng tôi có bằng chứng cho thấy những hashtag, thông điệp về tình hình Iran được gửi đi từ Mỹ, Anh và Saudi Arabia”.

Biểu tình bùng phát thành bạo lực khi người tuần hành tràn tới thủ đô Tehran, đụng độ với cảnh sát và tấn công một số tòa nhà chính phủ. Đoạn video trên mạng xã hội lan truyền từ ngày 30-12 cho thấy có 2 thanh niên bị bắn chết. Người xung quanh cáo buộc 2 thanh niên trên bị trúng đạn của cảnh sát chống bạo động.

Habibollah Khojastehpour, Phó Thống đốc tỉnh Lorestan, trong cuộc phỏng xác nhận có 2 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình bất hợp pháp phản đối chính phủ ở thị trấn Dorud nhưng khẳng định: “Cảnh sát và lực lượng an ninh không nổ súng. Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng chỉ ra kẻ thù của cách mạng là các nhóm Takfiri và đặc vụ nước ngoài trong cuộc đụng độ này”. “Takfiri” là từ ám chỉ phiến quân dòng Sunni, đặc biệt là những tay súng thuộc tổ chức IS.

Trong khi Ngoại trưởng Đức kêu gọi “các bên ở Iran kiềm chế, tránh có hành động bạo lực”, đại diện Chính phủ Anh kêu gọi nhà đương quyền Iran tổ chức “đối thoại với người dân”, tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và biểu tình hòa bình ở Iran... thì Tổng thống Mỹ một lần nữa đăng bài viết trên Twitter: “Iran đang thất bại trên mọi cấp độ, dù đã đạt được thỏa thuận tồi tệ với chính quyền Obama” (ý ông Trunp nhắc đến thỏa thuận hạt nhân mà Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Obama ký kết với Iran năm 2015). Người dân Iran đã bị trấn áp suốt nhiều năm... Đã đến lúc phải thay đổi!”.

Như thường lệ, đồng minh số một của Mỹ là Israel cũng hòa theo. “Những người Iran dũng cảm đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ lãng phí hàng chục tỷ USD để lan truyền thù hận. Tôi chúc người dân Iran thành công trong sứ mệnh vì tự do” - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố trong video đăng trên Facebook cá nhân.

Để đáp trả, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, “Người đàn ông ở Mỹ đang thể hiện sự cảm thông với người dân chúng ta mà quên mất rằng vài tháng trước, chính ông ta đã gọi Iran là quốc gia khủng bố. Người luôn quyết liệt chống lại Iran này không có quyền đồng cảm với người Iran”.

Hình ảnh người biểu tình chống chính quyền tại thủ đô Tehran được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Reuters.

Và với người đứng đầu Chính phủ Israel, ông cho rằng: “Thành công của chúng tôi về chính trị trước Mỹ và chính quyền Do Thái khiến những đối thủ không thể chịu nổi. Các bạn cho rằng họ sẽ không tìm cách phục thù và không khiêu khích ai đó sao?”.

Ngày đầu năm 2018, Tổng thống Iran đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện của cảnh sát ở thủ đô Tehran khi một số nhóm nhỏ người biểu tình tuần hành qua trung tâm thành phố vào tối 1-1. Một số người biểu tình đã bị bắt. Vệ binh Cách mạng Iran công bố ảnh truy nã 3 người, kêu gọi người dân báo tin về mọi “yếu tố nổi loạn” đồng thời tiếp tục biểu tỏ thái độ cứng rắn “những kẻ biểu tình quá khích sẽ phải trả giá đắt nếu họ vi phạm pháp luật”. Cơ quan tình báo Iran tuyên bố đã nhận diện “những kẻ bạo loạn, xúi giục và sẽ sớm xử lý nghiêm khắc những phần tử này”.

Tổng thống Rouhani khẳng định: người dân Iran là những người hiểu rõ tình hình của đất nước cũng như của khu vực và thế giới. Theo ông, các cuộc biểu tình trong những ngày qua cho thấy Iran là một đất nước tự do và theo hiến pháp, mọi người dân đều có quyền chỉ trích chính phủ. Tuy nhiên, “mục tiêu cuối cùng của các cuộc biểu tình phải hướng tới cải thiện tình hình đất nước”.

Khi tái đắc cử, Tổng thống Hassan Rouhani từng hứa sẽ vực dậy nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng của Iran. Tuy nhiên, từ khi ngồi ghế tổng thống, thành tựu đáng kể nhất của ông chỉ là trên bình diện đối ngoại, khi Iran đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để bù đắp cho các biện pháp trừng phạt quốc tế vào năm 2015.

Theo thống kê của Iran, tình trạng thất nghiệp tăng lên 12,4% trong năm 2017 (khoảng 3,2 triệu người Iran không có việc làm), lạm phát hằng năm của Iran đang ở mức khoảng 8%, với sự khan hiếm một số mặt hàng thực phẩm.

Phó Tổng thống Thứ nhất của Iran Eshaq Jahangiri thừa nhận giá cả các loại nhu yếu phẩm có tăng lên, nhưng ông khẳng định chính phủ đang nỗ lực hết sức để kiểm soát tình hình. Ông bày tỏ nghi ngờ về một “động cơ chính trị” đằng sau các cuộc biểu tình chống chính phủ lần này, không loại trừ cả việc để chính phủ đương nhiệm phải “trả giá” sau khi Quốc hội Iran vào ngày 24-12-2017 bỏ phiếu ủng hộ dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine - động thái đối nghịch việc Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô Israel.

Quang Học (tổng hợp)
.
.