Iran-Saudi Arabia leo thang căng thẳng

Thứ Hai, 13/11/2017, 09:41
Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vốn không êm ả từ nhiều năm nay đang gia tăng thêm căng thẳng cả về phạm vi lẫn mức độ. Tình hình an ninh tại Trung Đông vốn mong manh lại càng trở nên dễ vỡ hơn bao giờ hết khi hai “ông lớn” tranh giành ảnh hưởng ở khu vực.

Ngờ vực và cáo buộc

Căng thẳng trước hết giữa Iran và Saudi Arabia trong những ngày gần đây liên quan tới vấn đề Yemen. Số là Saudi Arabia và Iran đang cùng tham gia vào cuộc nội chiến ở Yemen, tại đây mỗi bên hậu thuẫn cho các phe phái đối nghịch nhau.

Đầu tuần này, Lực lượng liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã ra lệnh đóng lại các cảng hàng không, tàu biển và cả các địa điểm trên đất liền tại những vùng nằm sát với Yemen, sau khi quân Houthi từ Yemen đã bắn một tên lửa đạn đạo nhắm đến thủ đô Riyadh của nước này. Saudi Arabia cho hay đã bắn hạ tên lửa kia, khiến nhiều mảnh vỡ của nó rơi trên khu vực phía bắc của thủ đô Riyadh.

Thủ tướng Liban Saad Hariri (bên trái) hội kiến Hoàng thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan hôm 7-11.

Tuyên bố của liên quân như thế càng làm căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia gia tăng thêm, vì liên quân cho là tên lửa này là của Iran trợ giúp cho quân Houthi. Trong thông báo, Liên quân Arab tố cáo tên lửa của Iran viện trợ cho quân Houthi đã nhắm vào sân bay quốc tế của Riyadh, nhưng quân Houthi cho hay loại tên lửa đạn đạo Volcano là do họ chế tạo còn Iran bác bỏ chuyện tiếp tế vũ khí cho Houthi.

Liên quân Arab cho hay lệnh đóng cửa các bến cảng chỉ có tính cách tạm thời, vì còn phải cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Yemen. Liên minh Arab cũng tung ra các cuộc oanh kích trả đũa lên thủ đô Sanaa của Yemen, hiện đang do quân Houthi nắm giữ. Ngoài ra Saudi Arabia còn đe dọa Iran, khi cho là “vai trò ủng hộ phiến quân Houthi của Tehran đã làm nhiều quốc gia trong vùng bị lâm nguy, Saudi Arabia xem hành vị bắn tên lửa như thế vào Riyadh là hành vi tuyên chiến.

Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc của Saudi Arabia là “sai sự thật và nguy hiểm”, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới. Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 8-11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Saudi Arabia đang mắc một “sai lầm chiến lược” khi không coi Iran là bạn, mà thay vào đó là Mỹ và Israel.

Tổng thống Iran cũng tố cáo các quốc gia bá quyền đang ra sức cướp bóc tài nguyên dầu mỏ và sự giàu có của khu vực, đồng thời “thổi bùng ngọn lửa” của sự hận thù giữa các quốc gia Hồi giáo để bán vũ khí. Ông Rouhani chỉ trích việc liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp quân sự vào Yemen, gây ra cuộc chiến tranh chết chóc tại quốc gia láng giềng Trung Đông này. Đồng thời cho rằng việc phong tỏa các biên giới trên đất liền, trên không và trên biển tại Yemen mới đây của Saudi Arabia đang làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân Yemen.

Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 8-11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự phát triển của các nước trong khu vực, bao gồm Saudi Arabia và nói rằng “không có con đường nào khác ngoài tình anh em, tình bạn và giúp đỡ lẫn nhau”.

Nguy cơ xung đột

Sau phản ứng của Iran, lực lượng Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite ở Yemen cũng đe dọa tấn công các cảng biển và sân bay tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Điều này làm dấy lên những quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột giữa Iran và Saudi Arabia. Theo tuyên bố của Houthi, đây là giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn các hoạt động tăng cường phong tỏa cũng như tất cả các hành động khác của hai quốc gia trên gây tổn hại đến người dân Yemen.

Trước đó ngày 4-11, phiến quân Houthi tuyên bố bất chấp chiến dịch ném bom kéo dài hơn 2 năm qua của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu. Lực lượng này vẫn giữ được các tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Saudi Arabia.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3-2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.

Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.

Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah kêu gọi người dân Liban bình tĩnh để tránh rơi vào “bẫy khủng hoảng”.

Liban kẹt giữa

Trong khi căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia vẫn chưa hạ nhiệt thì một mặt trận xung đột mới giữa hai cường quốc Trung Đông này lại xuất hiện. Thủ tướng Liban, Saad al-Hariri (đồng minh của Saudi Arabia) bất ngờ từ chức vì lo sợ bị ám sát.

Hôm 4-11, Thủ tướng Liban Saad Hariri đã bất ngờ bay sang Saudi Arabia và tuyên bố từ chức trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Riyadh. Tuyên bố của ông Hariri đã gây sốc cho cả nước Liban, kể cả những cố vấn thân cận của mình. Ông Hariri hiện chưa bày tỏ ý định trở về nước, và không ai biết chừng nào thì ông sẽ trở về.

Một luồng dư luận ở Liban cho rằng, việc ông Hariri không thể về nước không phải do những gì ông ấy nói. Tờ báo Al Akhbar, thân Hezbollah, cho rằng thực chất ông Hariri không tự quyết định vấn đề đi hay ở, về nước hay không về nước. Al Akhbar dùng từ “con tin” để mô tả việc ông Hariri hoàn toàn phụ thuộc vào Saudi Arabia.

Thực ra, không đợi đến bây giờ mà từ khi ông Rafik Hariri bị ám sát, hệ thống chính trị Liban đã định đưa con trai ông là Saad lên thay, nhưng mọi chuyện phải được quyết định từ Riyadh, vì lúc đó, Saad sinh sống ở Riyadh chứ không ở Liban. Kể cả khi lên làm Thủ tướng Liban, ông Hariri vẫn dành phần lớn thời gian sinh sống ở Saudi Arabia.

3 ngày sau khi tuyên bố từ chức, ông Hariri đã lên đường đến một số quốc gia Hồi giáo Sunni trong khu vực gồm UAE và Bahrain. Một số ý kiến cho rằng ông Hariri đang tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo có thế lực trong khu vực nhằm nắm lại quyền kiểm soát chính trị ở Liban. Nhưng một số khác thì cho rằng, ông thật ra cũng chẳng phải tự mình quyết sẽ đi đâu, mà do Hoàng gia Saudi Arabia quyết định.

Cựu Thủ tướng Fouad Siniora, một đồng minh thân cận của ông Hariri, tuyên bố sau những chuyến đi con thoi này, ông Hariri sẽ trở về nước để ổn định tình hình. Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin đã lan truyền trên báo chí ông Hariri sẽ không đến Bahrain cũng chẳng trở về Beirut, mà quay ngược trở lại Riyadh. Trong khi đó, tại Liban, Hezbollah đang làm chủ tình hình trong nước.

Lãnh đạo tổ chức này, Hassan Nasrallah, đã lên truyền hình kêu gọi người dân Liban “bình tĩnh và kiên nhẫn” nhằm tránh tình trạng bạo loạn, bất ổn định xảy ra do việc ông Hariri tuyên bố từ chức.

Phiến quân Houthi tại Sanaa, Yemen, ngày 5-11.

Chuyện gì đã xảy ra đằng sau quyết định từ chức của ông Hariri? Theo các nhà quan sát, nguyên nhân trực tiếp có lẽ là tình hình chính trị nội bộ Liban từ khi chính phủ mới của ông Hariri lên nắm quyền cho đến nay. Sau 11 tháng, chính phủ của ông Hariri đã thất bại trong việc kiểm soát quốc hội vốn luôn bị phân chia theo lằn ranh chính trị khu vực.

Bên cạnh đó, chính phủ của Hariri cũng được cho là không thể vực dậy được nền kinh tế đang lụn bại do nợ nần và tham nhũng tràn lan. Nhìn xa hơn một chút, thời gian và địa điểm ông Hariri tuyên bố từ chức cho thấy vấn đề không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn nội bộ ở Liban, mà còn có phần tác động lớn từ bên ngoài, cụ thể là Iran và Saudi Arabia.

Tuyên bố từ chức của ông Hariri được cho là tiếp nối những gì Saudi Arabia đã và đang làm trong vài tuần lễ gần đây. Riyadh đang tập hợp sự ủng hộ xung quanh mình nhằm “cân bằng” ảnh hưởng đang lớn mạnh chưa từng có của Iran. Thamer al-Sabhan, Bộ trưởng các sự vụ Vùng Vịnh, thậm chí còn lên mạng xã hội Twitter bóng gió rằng: “Những bàn tay nham hiểm và hung hăng sẽ bị chặt đứt”.

Báo chí khu vực Trung Đông mấy ngày qua đã thông tin rằng, đích thân Hoàng thái tử Mohammed bin Salman đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức Saudi Arabia đến gặp ông Hariri tại Riyadh vài lần trong tuần lễ trước khi Hariri tuyên bố từ chức.

Tranh cãi leo thang

Saudi Arabia đã đổ lỗi cho phiến quân Hezbollah và Iran về việc từ chức của Thủ tướng al-Hariri, cáo buộc hai đối tượng trên đã cướp mất nền chính trị Liban và khiến nước này tuyên chiến với Saudi Arabia. Tuyên bố từ phía Riyadh được xem là bước đầu tiên trong một cuộc can thiệp chưa từng có của Saudi Arabia vào chính trị Liban. “Người Arab dường như đã quyết định rằng cách tốt nhất để đối đầu với Iran là bắt đầu ở Liban”, một nhà ngoại giao châu Âu nói.

Ngày 8-11, Saudi Arabia đã yêu cầu các công dân của quốc gia này rời khỏi Liban “ngay lập tức”, đồng thời kêu gọi người dân không nên du lịch tới Liban vào thời điểm này.

Hezbollah được thành lập bởi Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran năm 1982 để chống lại quân đội Israel ở Liban. Cuộc chiến tranh lớn cuối cùng của họ với Israel là vào năm 2006, thời điểm Hezbollah bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện nay, Tổng thống Liban Michel Aoun được coi là một đồng minh của Hezbollah, trong khi 2 bộ trưởng trong chính phủ cũng là người của nhóm phiến quân này.

Với những căng thẳng bất ngờ leo thang, Liban được cho là sẽ trở thành một chiến trường mới giữa sự can thiệp của chính quyền Hồi giáo dòng Shiite từ Iran và chính quyền Hồi giáo dòng Sunni tại Saudi Arabia. Sự đối đầu này cũng từng được nhìn thấy tại Syria, Iraq, Bahrain và Yemen.

Theo giới quan sát, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vốn căng thẳng âm ỉ từ nhiều thập niên do xung đột hệ phái tôn giáo đã bùng nổ thành ngọn lửa lớn sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân dẫn đến dỡ bỏ cấm vận. Saudi Arabia lo rằng đối thủ chính của họ tại Trung Đông lâu nay sẽ nhanh chóng phục hồi sức mạnh và đe dọa vị thế của mình, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trên bờ vực sụp đổ do dầu mất giá.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại trước sự leo thang căng thẳng trên. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 9-11 cảnh báo, an ninh các nước Vùng Vịnh đang ở giới hạn đỏ, đồng thời cho biết Ai Cập phản đối bất kỳ sự leo thang quân sự nào khác trong khu vực. Trung Quốc, EU, Mỹ và Nga cũng cảnh báo tình hình căng thẳng gia tăng giữa Iran - Saudi Arabia và các nước đồng minh của hai bên là vô cùng nguy hiểm.

M.T. - An Châu (tổng hợp)
.
.