Iran dọa rút khỏi NPT

Thứ Năm, 13/02/2020, 14:30

Thêm một lần nữa chương trình hạt nhân của Iran trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi mới đây, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đe dọa rằng nếu vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này được đề cập tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Iran sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Lời đe dọa này được đưa ra sau khi nhóm E3 (Pháp, Đức và Anh) kích hoạt cơ chế trong thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran, vốn có khả năng dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Iran. Đây chỉ là diễn biến mới nhất trong một tiến trình dài dẫn tới việc thỏa thuận này bị xóa bỏ. Nếu nhìn lại, có thể thấy những đe dọa tương tự đã được đưa ra lần trước, khi một thỏa thuận hạt nhân có liên quan tới Iran bị đổ vỡ. Phân tích những động lực xảy ra khi đó có thể giúp hiểu hơn về thách thức tiềm tàng phía trước trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Người Iran bày tỏ sự ủng hộ đối với lãnh tụ tinh thần tối cao của mình.

Bài học sau sự sụp đổ của Thỏa thuận Paris 

Năm 2004, nhiều vòng đàm phán đã dẫn tới một thỏa thuận tạm thời giữa Tehran và nhóm E3 (được Mỹ hậu thuẫn). “Thỏa thuận Paris” buộc Iran phải “tình nguyện” đình chỉ các hoạt động liên quan tới việc làm giàu và tái chế biến urani, để đổi lấy một loạt khích lệ về kinh tế và chính trị. Các bên đã rơi vào bế tắc khi tìm kiếm một sự dàn xếp dài hạn bởi những tham vọng về kinh tế và hạt nhân của Iran không phù hợp với những yêu cầu của phương Tây.

Nản chí với việc đàm phán, Tehran quyết định rút khỏi các cuộc thương lượng năm 2005 và tiếp tục nối lại các hoạt động làm giàu urani. Động thái này của Iran đã nhanh chóng khiến tình hình leo thang. Cộng đồng quốc tế đã đề cập tới hồ sơ Iran tại HĐBA LHQ, cơ quan này sau đó dần áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Tehran phản ứng bằng cách thúc đẩy chương trình hạt nhân, tập trung vào việc tăng cường khả năng sở hữu vật liệu phân hạch.

Iran đã xây dựng một cơ sở bí mật làm giàu urani ở Fordow, làm giàu urani tới mức 20% và bắt đầu xây dựng lò phản ứng Arak. Sau nhiều năm chịu sức ép về kinh tế và sức ép của quốc tế, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình vào năm 2015, song theo cách khá mơ hồ và chỉ có tính tạm thời.

Bây giờ, các bên đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược tương tự. Iran đang theo đuổi các biện pháp đối đầu hạt nhân như một phương tiện để cải thiện tình hình chiến lược của mình, tuy nhiên Tehran đang thận trọng lên kế hoạch triển khai để không tạo ra một liên minh thống nhất chống lại mình hay kích động động thái quân sự nhằm vào Iran.

Sự thận trọng này tất nhiên đã không được nước này áp dụng khi thực hiện các hoạt động trong khu vực, điều này được thể hiện rõ ràng bất kỳ khi nào Iran tấn công các lợi ích của Mỹ - thậm chí trước cả cái chết của tướng Qassem Soleimani. Trong khi đó, châu Âu đang nỗ lực hành động để ngăn chặn Iran rời bỏ thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) và không để Iran leo thang căng thẳng. Mặc dù cả hai bên đều lo ngại về tác động của một cuộc khủng hoảng, song một lần nữa họ đang đứng bên bờ vực của tình trạng leo thang “không mong muốn”.

Quả thực là một chiến lược thận trọng của Iran có thể làm giảm nguy cơ leo thang ở Vùng Vịnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, qua thời gian, nó ẩn chứa những rủi ro nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế. Cách Iran dần dần thực hiện từng bước một có thể khiến cộng đồng quốc tế không đưa ra quan điểm cứng rắn chống lại nước này - cho tới khi những gì Iran thực hiện trở thành thực tế của cuộc sống. Nếu thập niên vừa qua kể từ năm 2005 đã chứng minh được điều gì thì đó là cuộc chơi kéo dài của Iran đang dần làm suy giảm sức ép của quốc tế.

Nghị sĩ Mỹ tranh cãi về vấn đề Iran.

JCPOA 2.0?

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran cùng ngồi vào bàn đàm phán và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân nghe có vẻ như là điều quá mơ tưởng khi nghĩ tới những gì đã xảy ra chỉ trong vài tuần đầu tiên của năm 2020. Từng có một số dấu hiệu tích cực trước khi bước sang năm mới - bao gồm cơ hội đạt được sự nhất trí ban đầu về việc tổ chức các cuộc đàm phán đã bị bỏ lỡ hồi tháng 9-2019, cũng như việc trao đổi tù binh thành công giữa hai nước hồi tháng 12-2019 nhưng triển vọng đó hiện nay dường như lại rất mờ mịt.

Tuy nhiên, cân nhắc tới bản chất dễ thay đổi của chính quyền Mỹ hiện tại và đặt cơ sở cho bài viết này, người ta đặt giả định về một điều không chắc chắn sẽ xảy ra: đó là hai bên đạt được một bước đột phá và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Iran nhất trí về một JCPOA phiên bản 2.0 (JCPOA 2.0) mà về cơ bản tương tự như thỏa thuận đang có nhưng có thời hạn kéo dài và nới lỏng thêm các lệnh trừng phạt.

Phiên bản gốc của JCPOA chưa bao giờ thành công. Ngày thực hiện thỏa thuận này là cách đây 4 năm nhưng nó diễn ra ngay trước vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Cộng hòa, khi ông Trump đang nổi lên và tất cả các ứng cử viên chính đều cam kết sẽ xé bỏ thỏa thuận này. Hầu như không có ngân hàng hay doanh nghiệp nào muốn mạo hiểm đầu tư vào Iran nếu Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ xé bỏ thỏa thuận này và rút các công ty Mỹ về nước.

Trong khi đó, việc nới lỏng trừng phạt được quy định trong thỏa thuận đã mắc sai lầm về cấu trúc - không có cơ chế trừng phạt tương tự nào từng được gỡ bỏ từng phần theo cách như vậy và những thiếu sót liên quan tới việc nới lỏng trừng phạt chỉ bắt đầu trở nên rõ ràng khi bước vào quá trình triển khai. Kết quả là, mặc dù có những cải thiện kinh tế vĩ mô rõ ràng sau khi JCPOA được ký kết, song những cải thiện này quá ngắn ngủi, ở quy mô quá hẹp và rất dễ bị biến đổi vì tình trạng bất ổn chính trị mà phần lớn người dân Iran đều cảm nhận được.

Tổng thống Trump, hay người kế nhiệm ông, thực sự có thể cải thiện thỏa thuận của cựu Tổng thống Brack Obama và giúp người dân Iran nhận được những lợi ích kinh tế thực sự? Điều này có thể sẽ không giải quyết được những thách thức khác - không thể cải cách hay loại bỏ hệ thống chính trị thần quyền. Tuy nhiên, nó có thể khích lệ các thực thể tư nhân đang phải chịu đựng nhiều khó khăn của một nền kinh tế bị trừng phạt mà trong đó những người được hưởng lợi chính lại là các thực thể tham nhũng có mối liên hệ với nhà nước.

Nó cũng có thể tạo ra những tác động cần thiết để trừng trị nạn tham nhũng ở bên trong Iran - điều mà người dân Iran rất mong muốn nhưng sẽ không bao giờ được thực hiện một khi Mỹ từ bỏ thỏa thuận với Iran. Thỏa thuận này vẫn là thỏa thuận tốt nhất và chắc chắn là cần thiết, được coi là bước đầu tiên để mở ra con đường ngoại giao nhằm giảm căng thẳng và các lo ngại an ninh. Và JCPOA sẽ mang lại cơ hội để giải quyết và tập hợp những vấn đề mà các bên có lợi ích chung.

Quang Nguyễn
.
.