Iran tái khởi động làm giàu urani
Bước đi này đã đưa chính quyền nước cộng hòa Hồi giáo ngày càng xa rời thỏa thuận hạt nhân mà họ từng ký với các cường quốc từ khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận này một năm về trước.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn thông tin từ Tổ chức Năng lượng hạt nhân Iran (AEOI) ngày 7-11 cho biết, Tehran đã nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow thông qua hoạt động bơm khí urani vào các máy ly tâm.
Tuyên bố của AEOI cho hay: “Sau tất cả các bước chuẩn bị thành công... hoạt động bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm đã được bắt đầu vào ngày 7-11 tại Fordow... mọi công đoạn đang được giám sát bởi các thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)”.
Hoạt động bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm đã được bắt đầu vào ngày 7-11 tại Fordow. |
Bước đi cứng rắn
Bước đi cứng rắn của Iran tiếp tục cắt giảm cam kết hạt nhân được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố đợt trừng phạt mới chống Tehran, lần này là nhằm vào 9 nhân vật liên quan tới lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người cũng chỉ vài ngày trước tuyên bố Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ, đồng thời khẳng định cấm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Đây cũng là bước đi thứ tư trong lộ trình cắt giảm cam kết hạt nhân mà Iran thực hiện từ tháng 5 vừa qua như một cách đáp trả mạnh mẽ việc Mỹ siết chặt trừng phạt Tehran sau khi Washington vào tháng 5-2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức).
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, hôm 5-11, tuyên bố nước này sẽ bắt đầu đưa UF6 (uranium hexafluoride) vào khoảng 1.000 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow. Đại diện Iran tại Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng cho biết Iran đã thông báo với tổ chức này về việc khởi động quá trình đưa chất khí urani trên vào các máy ly tâm. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Iran là diễn biến đáng chú ý bởi 1.044 máy ly tâm tại cơ sở Fordow vốn đang bị bỏ không theo các điều khoản của thỏa thuận năm 2015.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cấm sử dụng các nguyên liệu hạt nhân tại Fordow và việc đưa UF6 vào các máy ly tâm đồng nghĩa với việc cơ sở này sẽ trở thành một căn cứ hạt nhân chứ không chỉ còn là khu vực nghiên cứu. Tổng thống Iran phát biểu trong một chương trình được truyền hình trực tiếp: “Chúng tôi hoàn toàn ý thức được sự nhạy cảm của các đối tác về cơ sở Fordow và các máy ly tâm... Tuy nhiên, chúng tôi không thể chấp nhận việc trong khi mình hoàn toàn tôn trọng các cam kết còn đối phương thì không”. IAEA từ chối bình luận về tuyên bố của Tổng thống Iran.
Giới quan sát nhận định tuyên bố của Iran là một đòn giáng mạnh vào thỏa thuận hạt nhân vốn đã bị suy yếu lâu nay. Tổng thống Rouhani trước đó đã đe dọa rút Iran khỏi thỏa thuận hạt nhân vào đầu tháng 1-2020, hành động về cơ bản sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt các hoạt động giám sát quốc tế đối với chương trình làm giàu nguyên liệu sản xuất hạt nhân của quốc gia này.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran khẳng định những biện pháp mà họ tiến hành, như vượt quá giới hạn quy định trong thỏa thuận về làm giàu urani và kho chứa hạt nhân, có thể được rút lại nếu châu Âu tìm cách giúp Tehran tránh được các đòn trừng phạt mà Mỹ áp đặt, những biện pháp đang bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu thô của quốc gia này.
Các chính phủ châu Âu đã vật lộn tìm cách thiết lập một cơ chế thương mại nhằm cho phép doanh nghiệp quốc tế có thể làm ăn với Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cơ chế thương mại này vẫn chưa có hiệu lực trong khi khoản tín dụng trị giá 15 tỷ USD mà Pháp hứa hẹn dành cho Iran vẫn chưa ra đời.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. |
Phản ứng quốc tế
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7-11 tuyên bố rằng “các bước đi tăng cường hạt nhân” gần đây của Iran làm gia tăng quan ngại và rằng tất cả các nước nên tăng cường gây sức ép đối với Tehran. Phát biểu tại họp báo kết thúc chuyến thăm Trung Quốc ngày 6-11, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh động thái mới nhất của Iran là “rất nghiêm trọng”.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Iran đã quyết định rút khỏi JCPOA một cách dứt khoát và thẳng thừng”. Theo Tổng thống Pháp, việc này “đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Iran tuân thủ đầy đủ nội dung của thỏa thuận, song cho biết Moscow hiểu tại sao Tehran đang từng bước cắt giảm cam kết của mình. Phát biểu với báo giới tại Moscow, ông Lavrov cho biết các diễn biến xung quanh thỏa thuận hạt nhân này rất đáng báo động. Ông cũng đổ lỗi cho Mỹ gây ra tình thế hiện nay, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi văn kiện này và tái áp đặt trừng phạt chống Iran.
Người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) Maja Kocijancic cho biết khối “lo ngại” về quyết định của Iran trong khi đó Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng “hành động mới nhất của Iran hoàn toàn đi ngược lại thỏa thuận và đặt ra mối nguy đối với an ninh quốc gia”.
Mỹ đang sử dụng công cụ trừng phạt, một biện pháp được ưa thích của Washington, như một phần trong chiến dịch “gây áp lực tối đa” đối với Iran, vốn đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, có vẻ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thể lường hết được tính chất nguy hiểm và hai mặt của các biện pháp trừng phạt. Iran, khi bị dồn vào chân tường, trong bối cảnh các giao dịch thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới bị giảm sút, doanh thu từ buôn bán dầu mỏ suy yếu, đã đáp trả theo cách “được ăn cả, ngã về không”.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cùng những nhân vật cứng rắn khác nhiều khả năng sẽ tiếp tục lập trường của họ. Iran sẽ tìm cách làm náo loạn thị trường dầu mỏ trong khi củng cố các lĩnh vực kinh tế khác và Iran sẽ tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân trong khi khước từ đối thoại với Washington.
Có thể thấy, cả Iran và Mỹ đều đang lao vào một cuộc đối đầu “được - mất” khiến cuộc đối chọi giữa hai bên có nguy cơ cao vượt tầm kiểm soát, đe dọa cả khu vực Trung Đông. Nếu các bên không kiềm chế các hành động của mình, không thể loại trừ khả năng Tehran và Washington có thể rơi vào thế xung đột vũ trang và khi ấy hậu quả sẽ khôn lường.
Giải pháp ngoại giao vẫn được để ngỏ, song sẽ phụ thuộc vào toan tính của tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân nói riêng cũng như các các nước liên quan trong khu vực.