Iran vẫn rối từ trong ra ngoài

Thứ Hai, 15/01/2018, 10:24
Tình hình Iran cả nội bộ lẫn trên trường quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu ổn định. Sau khi các cuộc bạo động được kiểm soát, Quốc hội và Chính phủ Iran đang tranh cãi về chính sách gây bất bình trong dân chúng.

Trong khi đó, Mỹ đang mượn cớ cuộc khủng hoảng nội bộ ở Iran để rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với nước này. Châu Âu và Nga cảnh báo Washington không nên nhập nhằng mà phải tách biệt thỏa thuận hạt nhân với các việc khác.

Tính đến ngày 11-1, các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối chính sách khắc khổ đã tạm lắng. Nhưng sức nóng của đường phố giờ chuyển vào nghị trường. Ngày 7-1, Quốc hội Iran có cuộc họp kín để bàn về các cuộc tuần hành chống chính quyền trong những ngày cuối năm 2017, đầu 2018. Bộ trưởng Nội vụ, lãnh đạo cơ quan tình báo, lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia giải trình về vấn đề nguyên nhân phản kháng và các phản ứng của chính quyền. Vấn đề kiểm duyệt mạng Telegram, mạng xã hội lớn nhất Iran, được nêu ra.

Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống Rohani và các đối thủ bảo thủ vẫn mâu thuẫn với nhau trên các giải pháp để giảm bớt thái độ bất mãn của người dân. Được giới cải cách và những thành phần ôn hòa ủng hộ, Tổng thống Rohani đã chủ trương nới rộng thêm các quyền tự do chính trị và xã hội.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif cam kết tiếp tục giữ vững và tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận hạt nhân sau cuộc họp tại Moskva ngày 10-1.

Ngày 8-1, ông Rohani đã nhận xét: “Cho rằng các đòi hỏi của người dân chỉ giới hạn ở những vấn đề kinh tế là một sự xúc phạm và đi lạc hướng”. Tổng thống Hassan Rohani và các nhà cải cách chủ trương mở rộng thêm quyền tự do chính trị và xã hội để đáp ứng nhu cầu của dân chúng.

Phe bảo thủ vốn tự nhận mình là bên bảo vệ các tầng lớp nghèo thì chủ trương ban hành các biện pháp xã hội, đồng thời tố cáo các lựa chọn kinh tế của chính phủ. Ủy ban đặc biệt của Quốc hội, hiện đang xem xét dự thảo ngân sách cho tài khóa sắp tới, bắt đầu từ tháng 3-2018, đã loại trừ khả năng tăng giá xăng, điện, khí đốt như mong muốn của chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ali Larijani, một người được cho là “bảo thủ ôn hòa”, việc tăng giá hoàn toàn không có lợi cho đất nước trong tình hình hiện nay.

Cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra vào ngày 28-12-2017 tại thành phố thiêng liêng Shi’ite Mashhad của Iran sau khi chính phủ công bố kế hoạch tăng giá nhiên liệu và cắt bỏ trợ cấp hằng tháng cho người có thu nhập thấp. Các cuộc biểu tình đã lan rộng đến hơn 80 thành phố và các thị trấn nông thôn, do hàng ngàn thanh, thiếu niên và tầng lớp lao động Iran tức giận về tình trạng tham nhũng, nạn thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo lớn.

Các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố đã có dấu hiệu giảm đi kể từ ngày 4-1, sau khi lực lượng cảnh vệ được đưa tới các tỉnh để đàn áp người biểu tình.

Chính quyền Iran cáo buộc Mỹ và các quốc gia láng giềng thù địch kích động bạo loạn ở nước này. Hạ viện Mỹ hôm 9-1 đã thông qua một nghị quyết ủng hộ những người biểu tình ở Iran. Các nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra các hình thức trừng phạt mới đối với Iran. Trước đó, Tổng thống Trump cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đều bày tỏ sự ủng hộ đối với làn sóng biểu tình tại Iran.

Về vấn đề này, giáo sư Mohammad Ali Kadivar, Đại học Brown (Mỹ) cho rằng “Sự tố cáo Mỹ của chính quyền có phần không mấy thật tâm bởi vì trước khi đắc cử và cho đến lúc này, ông Trump luôn có thái độ thù nghịch với Iran. Nếu ông thật sự quan tâm đến số phận của người dân Iran lẽ ra ông nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào nước này. Dù gì đi nữa, tất cả mọi người dân Iran mong muốn là Mỹ, và những nước khác đứng ngoài chuyện này. Chúng tôi có quyền tự quyết, độc lập, và chúng tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề”.

Các nhà lãnh đạo ngoại giao châu Âu họp với Iran ngày 11-1 kêu gọi Mỹ không nên xé bỏ thỏa thuận hạt nhân.

Có một điều chắc chắn là từ nhiều năm qua nền kinh tế Iran đã có nhiều dấu hiệu hụt hơi. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra vài tuần trước đó do các công đoàn phát động phản đối việc trả lương chậm cho những người làm việc trong ngành khai thác dầu, việc đóng cửa nhà máy sản xuất xe máy kéo và nhất là bong bóng địa ốc bùng nổ dẫn đến việc sụp đổ các cơ sở tín dụng.

Châu Âu và Nga đang tỏ ra lo ngại làn sóng trấn áp biểu tình tại Iran có thể tạo cớ cho Tổng thống Mỹ tố cáo Tehran là “nhà nước bất hảo” và có thể xóa bỏ hiệp định hạt nhân mà Washington, cùng với 5 cường quốc khác, đã ký với Iran. Theo kế hoạch, trong một cuộc họp với các trợ lý an ninh quốc gia vào ngày 12-1-2018 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Trump sẽ quyết định có áp đặt trở lại hay không các lệnh trừng phạt Iran vốn đã được dỡ bỏ sau thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015.

Trước nguy cơ chính quyền Trump có thể sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, Liên minh châu Âu thấy cần phải đoàn kết để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran mà quốc tế đã phải mất hơn một thập kỷ đàm phán mới có được.

Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson, hôm 9-1 đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi những người bạn của chúng ta ở Nhà Trắng đừng vứt thỏa thuận vào sọt rác... Thỏa thuận này ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đổi lại quan hệ kinh tế, rất quan trọng với thế giới, nó vẫn còn có ích”.

Lãnh đạo ngoại giao Liên minh châu Âu, bà Mogherini, người chủ trì các cuộc thảo luận hôm 11-1 giữa Iran với 3 cường quốc, cam kết sẽ làm tất cả để duy trì được thỏa thuận. Bà đã gặp các nghị sĩ Mỹ chống thỏa thuận tại Washington. Bà Mogherini đánh giá thỏa thuận “đang vận hành tốt”, phát huy hiệu quả với mục tiêu chính là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ chương trình hạt nhân của Tehran.

Bà nhấn mạnh sự thống nhất của cộng đồng quốc tế là điều kiện cốt yếu để bảo toàn thỏa thuận hạt nhân với Iran. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) với những người đồng cấp Iran, Anh, Đức, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định: “Hiệp ước này là quan trọng và không thể thay thế”.

Tehran đã dọa sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran và cho biết “đã chuẩn bị tất cả các kịch bản”. Tại Moskva, Ngoại trưởng Iran hôm 10-1 đã nhận được sự ủng hộ kiên quyết của Nga đối với thỏa thuận hạt nhân mà Nga là một bên ký.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh việc triển khai thỏa thuận hạt nhân với Iran gián đoạn sẽ đi ngược lại nhiệm vụ duy trì an ninh và ổn định tại khu vực và quốc tế cũng như tác động tiêu cực tới các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố rằng EU muốn bảo vệ thỏa thuận vì nó phù hợp với lợi ích của EU là không phát triển và không muốn chứng kiến vũ khí hạt nhận được phát triển tại Iran. Theo ông Gabriel, Mỹ đã đúng khi giải quyết mối lo ngại về chiến lược của Iran tại Trung Đông. Tuy nhiên, ông cho rằng Washington nên tách bạch 2 vấn đề giữa một bên là muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran và một bên là vai trò của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa của nước này.

Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc Iran liên tục thử tên lửa là vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, tất cả các bên tham gia ký thỏa thuận, ngoại trừ Mỹ, đều cho rằng điều đó không có trong giao kèo giữa các bên.

Giới quan sát tỏ ra lo ngại trước tình hình căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran bởi nếu qua ngày 12-1, chính quyền Donald Trump có thể sẽ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt xưa kia với Iran. Lúc này không ai có thể dự báo được phản ứng của Tehran ra sao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kịch bản Nga và 3 cường quốc Anh, Pháp, Đức vẫn sẽ duy trì cam kết với Iran về chương trình hạt nhân của nước này là rất cao bất chấp việc Mỹ rút khỏi. Và khi đó thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là thỏa thuận giữa Iran và nhóm P4+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Điều này cũng giống như việc chính quyền Trump rút khỏi một số thỏa thuận như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Sau khi Mỹ rút, Nhật Bản lên lãnh đạo thay và quyết tâm duy trì hiệp định này dù không có Mỹ.

Như vậy có thể thấy, dù có Mỹ hay không, các thỏa thuận quốc tế vẫn sẽ được duy trình bình thường, đây là điều đáng mừng và nó cho thấy vai trò của Mỹ không còn được như trước trong lòng các nước đồng minh.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.