Iran với Phương Tây: Kẻ đấm, người xoa

Thứ Năm, 05/12/2019, 18:22
Ngày 1-12, Iran tiếp tục cảnh báo có thể "xem xét lại một cách nghiêm túc" những cam kết của mình với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nếu các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân khởi động một cơ chế giải quyết tranh chấp có thể dẫn tới việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Sau động thái mới nhất của Iran giảm bớt cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân trong tháng 11, 3 nước châu Âu đã cảnh báo khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận nếu Iran tiếp tục đi theo con đường đó. Trong khi đó Mỹ cũng có những bước đi để củng cố vòng bao vây đối với Tehran. Mới nhất, trong một tuyên bố ngày 2-12, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-12 đã thảo luận với Thủ tướng Israel Netanyahu về tình hình Iran và các vấn đề khác.

Châu Âu quyết tâm hòa hoãn

Cho đến ngày 29-11, đã có thêm 6 nước châu Âu gồm Phần Lan, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển thông báo rằng họ đã gia nhập INSTEX - cơ chế tài chính của Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để thuận tiện hóa thương mại với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. 6 nước này sẽ trở thành một phần của INSTEX vốn đã được khởi động từ tháng 1-2019. 

Trước đó, Đức, Anh và Pháp đã kích hoạt cơ chế này từ hồi tháng 1 dưới sức ép của Iran, quốc gia đã yêu cầu thương mại với EU để ở lại JCPOA. 3 cường quốc châu Âu này cũng là các nước đã tham gia ký kết JCPOA. Tuy nhiên, INSTEX vẫn chưa thể hoạt động do Mỹ chống lại sức ép của Iran và cảnh báo châu Âu không nên dính líu vào các hoạt động mà có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington (với Tehran). Từ tháng 5, Iran đã bắt đầu từng bước rút khỏi thỏa thuận hạt nhân bằng việc tăng cường làm giàu urani.

6 nước trên đã yêu cầu Iran “quay trở lại mà không trì hoãn việc tuân thủ hoàn toàn các điều khoản và quy định trong thỏa thuận hạt nhân”. Trên thực tế, châu Âu đã chịu không ít thiệt hại khi nỗ lực duy trì JCPOA. Đối với EU, JCPOA đại diện cho chính sách ngoại giao của khối, một thành tựu duy nhất mà các nhà lãnh đạo trong khối cho rằng đã khẳng định khả năng của EU về chính sách đối ngoại.

Sau khi Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, EU khuyến khích các công ty của mình tiếp tục giao dịch với nước này và cố gắng thiết lập một hệ thống thanh toán quốc tế mới để cho phép họ tránh vi phạm quy định của Mỹ.

Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng đưa ra những lời trấn an thường xuyên rằng họ vẫn cam kết với thỏa thuận, ngay cả khi nó sụp đổ. Tuy nhiên, một loạt thông tin về việc Iran vi phạm nhiều điều khoản trong JCPOA - bao gồm cả động thái làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định - buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình.

Người dân Iran tuần hành bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền.

Theo thỏa thuận, EU có thể kích hoạt một điều khoản khiến châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, giống như Mỹ đã làm. Tuy nhiên, có vẻ như EU, chứ không phải Tehran, mới là bên lo ngại nhiều hơn về những hệ quả. Tháng 7-2019, khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran sẽ làm giàu uranium ở bất kỳ cấp độ nào họ cần, phản ứng của EU chỉ là những tuyên bố mạnh mẽ nhưng không đi kèm hành động cụ thể.

Mỹ tiếp tục leo thang

Chính quyền Tổng thống Donald Trump coi việc kiềm chế toàn diện Iran là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách Trung Đông và đã đưa ra một loạt chính sách cứng rắn: về kinh tế, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, tìm cách làm cho chính quyền Hồi giáo của nước này rơi vào tình cảnh khó khăn; về ngoại giao, xây dựng khuôn khổ an ninh các nước Arab với hạt nhân là Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông để kiềm chế sự nổi lên của “vùng trăng lưỡi liềm Shiite” (khu vực lãnh thổ có hình trăng lưỡi liềm tại Trung Đông, nơi có nhiều người Shiite sinh sống); về quân sự, tăng thêm binh lính, tăng cường răn đe và gây sức ép với Iran.

Có nhiều cách lý giải về nguyên do và biện pháp điều chỉnh chính sách đối với Iran của Mỹ tuy nhiên, giới quan sát quốc tế đều thống nhất về cơ bản: Mỹ cho rằng thông qua JCPOA, chỉ có thể tạm ngừng chứ không thể ngăn chặn vĩnh viễn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Iran đã giành được nhiều lợi ích từ thỏa thuận này, bao gồm quyền được tồn tại của chính quyền Hồi giáo được Mỹ công nhận, quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình được cộng đồng quốc tế thừa nhận, có cơ hội hội nhập hệ thống kinh tế và chính trị thế giới, sức mạnh kinh tế dần được khôi phục khiến nước này liên tục gây ảnh hưởng đến các vấn đề điểm nóng của Trung Đông.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ không ngừng các hoạt động răn đe bằng vũ lực đối với Iran thông qua các phương thức như cử tàu sân bay tuần tra ở vịnh Persia, tập trận với các nước đồng minh trong khu vực chính là để làm suy yếu khả năng đối đầu của Iran với Mỹ trong các vấn đề điểm nóng khu vực như Israel-Palestine, xung đột ở Yemen... Ngày 6-5-2019, Mỹ tuyên bố mục đích của việc đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) và phi đội máy bay ném bom đến Trung Đông là để răn đe Iran; tháng 6, Mỹ lại cử 2 tàu chiến và 5 máy bay chiến đấu F22 đến Trung Đông.

Ngày 21-6, để trả đũa vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn kế hoạch tấn công nhắm vào nhiều mục tiêu của Iran như các trạm radar và bệ phóng tên lửa. Khi máy bay chiến đấu đã cất cánh và tàu chiến đã vào vị trí, tên lửa sắp được phóng, Tổng thống Mỹ lại ra lệnh dừng lại.

Ngày 11-7, quân đội Mỹ đã thảo luận với các đồng minh quân sự về việc thành lập một “liên minh hộ tống tàu thuyền” để bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực Vùng Vịnh, thông qua hoạt động tuần tra ở eo biển Hormuz và Bab al-Mandab, bảo đảm tự do và an ninh hàng hải cho tàu thuyền của các nước đồng minh đi qua khu vực này.

Mục đích chính của Mỹ khi đưa ra đề nghị này là: làm suy yếu quyền kiểm soát của Iran đối với eo biển Hormuz, kiểm soát tuyến đường Iran vận chuyển dầu thô trên biển, tăng cường phong tỏa và trừng phạt kinh tế đối với nước này; lợi dụng “liên minh hộ tống tàu thuyền”, kiềm chế việc Nga thông qua Iran để mở rộng phạm vi ảnh hưởng hơn nữa sang phía Nam; hợp nhất sức mạnh của các đồng minh, làm giảm ảnh hưởng đang tăng lên của Nga, Syria và Iran trong khu vực, bảo đảm quyền kiểm soát của Mỹ đối với các vấn đề Trung Đông. Thực chất của “liên minh hộ tống tàu thuyền” ở Vùng Vịnh của Mỹ vẫn là sự tiếp diễn của chính sách “gây sức ép tối đa” với Iran.

Nam Sơn
.
.