Iraq: Mối nguy hậu bầu cử

Thứ Tư, 24/03/2010, 05:30
Nếu như cuộc bầu cử Quốc hội Iraq hôm 7/3 vừa qua được xem là thành công hơn hẳn về tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu và tình hình bạo lực thuyên giảm so với các kỳ bầu cử trước thì những gì đang diễn ra lại không vượt qua được "quy luật" hậu bầu cử ở quốc gia vùng Vịnh này. Đó là những gì diễn ra sau bầu cử mới mang tính quyết định đối với tương lai của Iraq.

Cuộc bầu cử Quốc hội Iraq năm 2005 diễn ra trong tình hình an ninh hỗn loạn và sự chia rẽ sâu sắc giữa các bè phái chính trị: người Shiite được kêu gọi bỏ phiếu cho phe Shiite, người Sunni và người Kurds bỏ phiếu cho các đại diện chính trị sắc tộc của họ.

Khác với kỳ bầu cử năm 2005, điểm rất mới trong cuộc bầu cử lần này là người dân thuộc mọi dòng tôn giáo và sắc tộc được kêu gọi bầu cử cho những liên minh, bao gồm nhiều hệ phái chính trị khác nhau: Sunni, Shiite và Kurdistan. Nhiều phe Shiite hay liên minh do Shiite lãnh đạo tranh đua với nhau để trở thành phe lớn nhất nhằm được đề cử thủ tướng kế tiếp.

Một trong những ứng viên hàng đầu cho chức vụ này là đương kim Thủ tướng Nouri al-Maliki. Ông lãnh đạo Liên minh vì Nhà nước Pháp quyền gồm đại đa số các đảng phái Hồi giáo Shiite, nhưng cũng có các thành viên người Sunni, Kurd và Cơ Đốc giáo. Ông Maliki đã vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, một phần dựa vào thành tích đã làm giảm mạnh các cuộc bạo động giáo phái trong những năm gần đây.

Ông Maliki phải đối diện với thách thức mạnh của một liên minh khác, đó là Liên minh Iraqiya của các đảng Shiite và Sunni thế tục do Iyad Allawi, một người Shiite và cũng là một cựu Thủ tướng trong chính phủ chuyển tiếp hồi năm 2004-2005, lãnh đạo. Liên minh này hy vọng đạt nhiều phiếu vì công chúng có vẻ không hài lòng đối với các đảng phái tôn giáo đã thống trị chính trường Iraq trong những năm gần đây. Ông Iyad Allawi là một đối thủ đáng gờm của ông Maliki cho chức vụ Thủ tướng Iraq trong tương lai.

Nếu như cuộc bầu cử năm 2005 kết thúc trong xung đột phe phái và bạo lực đẫm máu giữa những người Hồi giáo dòng Shiite và dòng Sunni thì nay người ta lại đang thấy những dấu hiệu này lập lại sau cuộc bầu cử hôm 7/3 vừa qua. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ứng cử viên Maliki bỏ rất xa đối thủ Allawi nhưng kết quả kiểm 80% số phiếu đã cho thấy cuộc so găng giữa đương kim Thủ tướng Maliki và cựu Thủ tướng Allawi đang bước vào hồi quyết liệt, đôi lúc ông Allawi còn dẫn điểm.

Ông Iyad Allawi.

Bất ngờ trước kết quả này, ngày 17/3 vừa qua, phe của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã lên tiếng cáo buộc có gian lận trong kiểm phiếu của Ủy ban Bầu cử Iraq theo hướng có lợi cho ứng cử viên Allawi và cho biết Liên minh vì Nhà nước Pháp quyền của ông sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại để chắc chắn rằng không có gian lận. Ali al-Adib, đại diện của liên minh vì Nhà nước Pháp quyền khẳng định rằng, việc ứng cử viên Allawi vượt lên dẫn trước ông Maliki với 9.000 phiếu là điều không thể tin nổi. Tuy nhiên, ngay sau đó Ủy ban Bầu cử Iraq đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng công tác kiểm phiếu luôn diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện các đảng và giới truyền thông.

Theo giới phân tích, sẽ không có bất kỳ đảng phái nào giành chiến thắng đa số tuyệt đối trong kỳ bầu cử này để từ đó đứng ra thành lập chính phủ riêng. Như vậy, những cuộc mặc cả giữa các đảng phái trong việc thành lập liên minh cầm quyền sẽ trở nên phức tạp do sự thiếu vắng một chiến thắng rõ ràng của một đảng phái nào đó.

Nguy cơ bùng phát xung đột kéo dài giữa những người ủng hộ ông Maliki và những người bỏ phiếu cho ứng cử viên Allawi là rất cao, và đang đe dọa tới sự ổn định của Iraq vào thời điểm quan trọng: từ nay tới tháng 8/2010, lực lượng chiến đấu của quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Iraq và đến cuối năm sau thì toàn bộ số người Mỹ còn lại cũng sẽ rút nốt.

Nếu giả sử kết quả bầu cử không gây tranh cãi thì cũng phải đợi sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng một sự thỏa hiệp giữa các đảng phái mới được thành hình và sau đó mới là chuyện bầu một vị tổng thống cũng như thành lập chính phủ. Nhưng những căng thẳng đang diễn ra giữa các đảng phái của ông Allawi và ông Maliki có thể dẫn đến một liên minh cầm quyền gượng ép, và theo như các nhà phân tích thì đó là sự tập hợp các đảng phái chính trị nhiều hơn là sự liên minh.

Đại diện Ủy ban bầu cử Iraq phủ nhận những cáo buộc gian lận trong kiểm phiếu.

Mặt khác, sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Iraq với giáo sĩ Moqtada al-Sadr, người dẫn dắt cuộc nổi dậy của người Shiite chống lại quân đội Mỹ ở miền Nam Iraq, cũng là một yếu tố gây mất ổn định khác. Moqtada al-Sadr khẳng định rằng chủ nghĩa cực đoan không bao giờ biến mất trên lãnh thổ Iraq. Ngoài ra, tình hình tại Iraq sau bầu cử còn bị chi phối bởi các yếu tố nước ngoài, mà điển hình là Iran.

Theo giới quan sát, Téhran muốn ứng cử viên Maliki liên minh các đảng Shiite và Kurds nắm quyền lãnh đạo Iraq hơn là sự trở lại cầm quyền của cựu Thủ tướng Iyad Allawi, nhân vật được sự ủng hộ của những người Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq và các nước Arập láng giềng. Điều mà Iran không hề mong đợi.

Mặc dù vậy giới phân tích nhìn nhận, vẫn còn một lý do để hy vọng: 7 năm sau khi Mỹ đem quân đánh chiếm Iraq, Iran giờ đây không còn muốn gieo rắc những bất ổn mới tại Iraq nếu nước này muốn Mỹ rút quân đúng thời hạn. Ngày nào quân đội Mỹ còn ở Iraq, Iran láng giềng còn chưa yên tâm

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.