Iraq: Người Sunni đe dọa bác bỏ Dự thảo Hiến pháp

Thứ Hai, 22/08/2005, 10:28

Câu hỏi chính yếu được nhiều người quan tâm trước hạn chót của việc ban hành Dự thảo Hiến pháp Iraq là sẽ có sự thỏa hiệp nào giữa người Kurd, người Shiite, Sunni và cái giá của nó là bao nhiêu? Ngày 22/8, hạn cuối cùng lần thứ 2 được dự đoán sẽ chỉ nhận được một kết cục bế tắc giống như ở thời hạn trước vào ngày 15/8.

Tôn giáo mà ở đây là đạo Hồi đã chiếm vị trí trung tâm và đánh bại mọi nỗ lực của Chính phủ Iraq. Mỗi một dòng Hồi giáo đều có những lý do riêng của mình để chưa thể tham gia cái chung của đất nước là Hiến pháp. Người Kurd dưới nhiều áp lực từ phía Mỹ thì muốn rằng họ tiếp tục giữ được vị thế của mình tại 3 tỉnh miền Bắc và mở rộng sang các vùng lân cận. Trong khi đó, người Shiite mà đại diện là Hội đồng Hồi giáo cách mạng tối cao thì tranh chấp với người Hồi giáo dòng Sunni. Người Sunni không muốn mất lợi thế kinh tế của mình trong việc kiểm soát các giếng dầu ở Nam và Bắc Iraq. Trong khi người Shiite chiếm đa số và người Kurd muốn thực hiện thể chế liên bang thì người Sunni lại chống đối. Lý do là vì với hình thức liên bang, người Shiite có thể hưởng quyền lợi lớn ở miền Nam, chế độ tự trị ở miền Bắc thuộc về người Kurd, còn người thiểu số Sunni thì bị thiệt thòi nhiều hơn. Tóm lại, ai cũng vì lợi ích riêng mà chẳng muốn tạo nên sự thống nhất, làm hồi sinh một quốc gia Iraq giàu có.

Việc tranh cãi về Dự thảo Hiến pháp đã khiến Iraq trở nên chia rẽ hơn trong vấn đề nội bộ và thực sự đứng trước bờ vực của cuộc nội chiến. Đỉnh điểm của những khó khăn trong vấn đề Dự thảo Hiến pháp bắt đầu phát triển mạnh hơn khi cộng đồng người Sunni lên tiếng phàn nàn về việc họ không được tôn trọng trong quá trình bàn thảo.

Saleh al-Mutlaq, một trong 4 nhà đàm phán chính của người Sunni trong lần trả lời phỏng vấn hãng AP khẳng định, họ không có được thông báo và thường bị bất ngờ vào phút cuối cùng. Ông Saleh al-Mutlaq đe dọa: "Chúng tôi sẵn sàng bác bỏ Dự thảo Hiến pháp và chắc chắn mọi người sẽ tức giận. Khi đó, khó có thể hình dung Iraq sẽ như thế nào". Không chỉ bác bỏ những yêu cầu của người Kurd và người Shiite về hình thức liên bang mà đoàn đại biểu Sunni còn phản đối vai trò của giáo sĩ dòng Shiite tại Najaf và từ chối xuất hiện trong cuộc bàn thảo quan trọng ngày 20/8. Thêm vào đó, người Hồi giáo Sunni còn yêu cầu được tiếp tục giữ vị trí của mình cho đến khi Iraq tổ chức tổng tuyển cử. Người Sunni chấp nhận sự tồn tại những vùng tự trị của người Kurd được thành lập từ năm 1991 nhưng lại không đồng ý áp dụng thành hệ thống điều hành của nhà nước chừng nào Mỹ và liên quân vẫn đang có mặt ở Iraq.

Trước tình hình đó, hai dòng Hồi giáo Shiite và Kurd dự tính, họ đã có đủ ghế trong Quốc hội với 275 thành viên và sẽ thúc đẩy sớm việc thông qua Dự thảo Hiến pháp mà không cần có sự đồng ý của người Sunni. Đây là một động thái rất mạo hiểm và nó có thể làm nổ tung núi lửa Iraq vốn đang âm ỉ cháy. Hơn nữa, một khi Dự thảo Hiến pháp được Quốc hội thông qua, nó cần phải trải qua cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 15/10. Nếu 2/3 dân chúng của 3 trong 18 tỉnh, thành bác bỏ, Dự thảo Hiến pháp coi như thất bại. Dòng Hồi giáo Sunni chỉ chiếm 20% dân số Iraq nhưng giữ đa số phiếu tại 4 tỉnh, thành của nước này

P.V
.
.