Iraq lao đao trong “ván cờ” Mỹ – Iran

Thứ Hai, 24/02/2020, 15:04
Mỹ đang dùng mọi cách để buộc Iraq phải rời xa Iran. Nhưng, tình hình bất ổn chính trị và xã hội tại Iraq có thể khiến Washington lợi bất cập hại. Thực tế, Baghdad mượn Washington đánh đuổi khủng bố nhưng lại nhờ cậy rất nhiều về năng lượng vào Tehran. Chính quyền Iraq từng thời kì đã phải rất cố gắng cân bằng giữa hai nước đồng minh nhưng lại đối nghịch nhau này.

Tân Thủ tướng Mohammed Tawfiq Allawi được chỉ định thay thế cựu Thủ tướng Abdul Mahdi từ chức hồi đầu tháng 11-2019 do làn sóng biểu tình cùng lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran đã biến thành các cuộc bạo lực. Từ chỗ là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất, với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 5 thế giới, giờ đây Iraq thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên ở Iraq lên tới hơn 40% và hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Trong khi đó, nạn tham nhũng tràn lan, cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước.

Người dân Iraq biểu tình phản đối sự can thiệp của nước ngoài sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran diễn ra trên đất nước mình.

Bất ổn thêm gia tăng từ sau khi tướng Iran Qassem Soleimani bị hạ sát. Người dân từ bất mãn với giới cầm quyền sang phản đối Mỹ và yêu cầu rút quân. Gần 500 người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp người biểu tình từ tháng 10-2019. Cả Mỹ và Iran đều đang nắm trong tay những vũ khí của mình: Iran tiếp tục tăng cường sự kìm kẹp về chính trị ở Iraq, trong khi Washington giữ nền kinh tế của đất nước này trong tay.

Từ nhiều tháng qua, Washington đã yêu cầu Baghdad giảm sự phụ thuộc về năng lượng vào nước láng giềng Iran. Không vừa lòng vì Iraq chậm trễ đáp ứng yêu cầu trên, Mỹ đã tăng áp lực và đe dọa thông qua nhiều biện pháp bóp nghẹt nền kinh tế Iraq, vốn đã rất mong manh dễ vỡ.

Hoa Kỳ hiện cấp cho Iraq sự miễn trừ để không phải chịu các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Tehran. Nhưng, thay vì gia hạn miễn trừ trong 3 hoặc 4 tháng như thường lệ, gần đây Washington chỉ đưa ra thời hạn 45 ngày. “Đây là sự khởi đầu cho một cái chết từ từ với nền kinh tế Iraq”, nhà kinh tế Ahmed Tabaqchali nói với AFP. Những miễn trừ này cho phép Iraq tiếp tục mua năng lượng từ Iran.

“Những miễn trừ này càng ngắn, càng dễ khiến tình hình leo thang”, ông Tabaqchali nói thêm. Iraq bị lệ thuộc nặng nề về năng lượng với Iran. Bagdad không chỉ phải mua điện mà còn phải nhập khẩu dầu khí của Iran. Trước áp lực của Washington, Chính phủ Iraq đã phải hứa với Nhà Trắng sẽ cắt giảm dần nguồn dầu khí nhập từ Iran. Mỹ chấp nhận cho Iraq tạm thời được mua dầu khí của Iran nhưng trong thời hạn 45 ngày phải trình kế hoạch cắt giảm.

Mỗi tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gửi từ 1 đến 2 tỷ đô la, được rút ra từ doanh thu của dầu mỏ Iraq ký quỹ tại Mỹ, cho Ngân hàng Trung ương Iraq. Tuy nhiên, vào tháng 1, máy bay chở tiền từ Mỹ qua Iraq đã bị trì hoãn hơn một tuần vì “lý do chính trị”.

“Chúng tôi đang trong tình trạng nguy hiểm. Vì nếu Washington đã cân nhắc lựa chọn siết van tiền, cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iraq kêu gọi Baghdad trục xuất 5.200 binh sĩ Mỹ khỏi nước này có thể tăng tốc”, một quan chức Iraq than vãn. Vào tháng 2-2020, máy bay chở tiền của Fed đã đến Iraq đúng hẹn nhưng đối với một số quan chức Iraq, số tiền được chuyển lần này lại ít hơn trước.

Nền kinh tế Iraq và tiền tệ của Iraq đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vì doanh thu từ dầu mỏ chiếm 90% nguồn thu của chính phủ. Và nếu Washington quyết định không còn gia hạn miễn trừ, Baghdad sẽ chỉ có 2 lựa chọn: đối mặt với tình trạng thiếu hụt lớn năng lượng hoặc tiếp tục nhập khẩu năng lượng của Iran và đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp người đứng đầu vùng Kurdistan ở Iraq - ông Masrour Barzani, ngày 14-2, tại Munich, Đức.

Ngày 14-2, tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ông Pompeo - cũng như Bộ trưởng Quốc phòng và Năng lượng Mỹ - đã gặp người đứng đầu người Kurdistan ở Iraq, ông Masrour Barzani, chứ không phải là Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền liên bang Iraq Mohammed Ali al-Hakim. Một điểm đặc biệt khiến Washington không hài lòng: Baghdad “không ngừng khước từ ký hợp đồng với các công ty Mỹ General Electric và ExxonMobil”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với AFP.

Người Iraq “thích phụ thuộc vào Iran và để cho Teheran kiểm soát nền kinh tế, cơ sở hạ tầng của họ hơn là để cho người Mỹ làm việc đó”, quan chức này nói thêm. Ngày 27-1, Mỹ đã ngừng toàn bộ việc chuyển vũ khí cho Iraq, gồm tên lửa không đối không Sidewinder, tên lửa tấn công mặt đất Maverick cùng nhiều vũ khí khác cho máy bay F-16. Đại diện quân đội Mỹ nói số vũ khí sẽ được chuyển đến khi tình hình tại Iraq đủ an toàn.

Các ý kiến về Iraq trong chính trường Mỹ cũng đang rất chia rẽ. Nhà Trắng muốn tăng áp lực trong khi những người khác thích duy trì sự linh hoạt. Tình trạng cúp điện ở Iraq có khi kéo dài 20 giờ mỗi ngày. Do tình trạng thiếu điện, cuộc sống của hầu hết 39 triệu người dân Iraq phụ thuộc máy phát điện. Badghdad gần đây đã ký thỏa thuận với Jordan và các nước Vùng Vịnh để mua điện xuyên biên giới và mua khí đốt từ các nhà khai thác ở vùng Kurdistan của Iraq. 3 tuần trước khi hết hạn miễn trừ cuối cùng của Mỹ, Chính phủ Iraq đã phê chuẩn 6 hợp đồng sử dụng khí đốt của Iraq để sản xuất điện.

Thậm chí gần đây, Iraq còn trình xây dựng một cơ chế để lách luật trừng phạt của Mỹ đối với Tehran. Mạng lưới điện của Iraq xuống cấp khiến 40% điện lưới bị thất thoát và 1/3 mức tiêu thụ điện của Iraq được cung cấp bởi Iran. Iraq đã nợ Iran 1,7 tỷ euro tiền khí đốt và điện.

“Chính phủ Iraq sẽ tiếp tục mua khí đốt từ Iran bằng cách gửi tiền vào một tài khoản ở Iraq, bằng tiền dinar của Iraq”, một quan chức Chính phủ Iraq nói. “Iran sẽ không thể rút số tiền này nhưng họ sẽ có thể sử dụng nó để mua hàng hóa ở Iraq và đưa về nước. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, làm thế nào để chúng tôi có thể trả những gì chúng tôi nợ Iran?”, quan chức này nói thêm.

“Những hành động trên của Iraq là một chuỗi phản ứng đối với áp lực ngày càng tăng của Mỹ. Chúng cho thấy Chính phủ Iraq đã hoảng loạn”, nhà kinh tế Ahmed Tabaqchali nhận định. Theo Ramzy Mardini, thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Washington sẽ ngày càng dùng đến “các biện pháp đe dọa kinh tế với Iraq vì họ không còn cách nào khác”.

“Cách tiếp cận này có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài, chúng sẽ khiến mối quan hệ song phương vĩnh viễn bị rơi vào nghi kị và thù địch”, ông Mardini cảnh báo.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.