Iraq sẽ như thế nào sau khi Mỹ rút quân?

Thứ Hai, 23/08/2010, 19:45
Mỹ đang tiến hành việc rút quân đội ra khỏi Iraq, theo lộ trình sẽ hoàn tất vào cuối năm 2011. Thế nhưng, nhiều vấn đề liên quan đến việc Iraq sẽ được điều hành ra sao, an ninh sẽ được bảo đảm thế nào sau khi quân Mỹ rút đi hiện vẫn còn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Việc rút quân Mỹ khỏi Iraq đã được cựu Tổng thống George W.Bush thỏa thuận với chính quyền Iraq ngay từ khi ông còn tại nhiệm và có nhiều kế hoạch cho tương lai Iraq. Vào thời điểm đó, việc rút quân có ý nghĩa quan trọng, có thể quyết định thành bại của cuộc chiến chống các nhóm phiến loạn cực đoan ở Iraq do Al-Qaeda đứng đằng sau tiếp tay. Nó là một giải pháp bắt buộc phải làm để người Mỹ có thể chinh phục "con tim và khối óc" của cộng đồng người Sunni, tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định an ninh nội bộ Iraq, nhờ có khả năng giúp ngăn chặn được lực lượng thánh chiến từ bên ngoài vào gây bất ổn định ở Iraq.

Đến khi ông Obama lên nắm quyền, vấn đề an ninh Iraq đã được nhìn nhận một cách cụ thể hơn, trong một bối cảnh khác hơn so với ông Bush, có động cơ thực hiện mạnh mẽ hơn. Vì vậy, ông Obama đã quyết thực hiện việc rút quân bằng cách cam kết hoàn tất rút quân vào cuối năm 2011, theo một lộ trình mà các bộ tướng của ông đã thỏa thuận được với các phe phái Iraq.

Trong lộ trình rút quân của ông Obama, ngày 31/8 được ấn định là thời hạn chót rút toàn bộ các đơn vị chiến đấu ra khỏi Iraq. Thực hiện việc này, ngày 19/8, những chiến xa của Lữ đoàn 4 Stryker thuộc Sư đoàn 2, Bộ binh Mỹ đã vượt qua đường biên giới Iraq - Kuweit. Lữ đoàn 4 Stryker là đơn vị cuối cùng của quân lực tham chiến Mỹ rút khỏi Iraq. Như Tổng thống Barack Obama đã cam kết, sau ngày 19/8, quân số Mỹ ở Iraq sẽ chỉ còn khoảng 50.000 đến 56.000 người.

Việc duy trì một lực lượng như trên tại Iraq được lý giải là để giúp hoàn tất những phần việc còn lại trước khi chuyển giao cho người Iraq tự quản vào cuối năm 2011.

Theo tờ New York Times (ngày 18/8), trước khi quân đội Mỹ triệt thoái hoàn toàn khỏi Iraq, kể từ tháng 10/2011, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thay thế quân đội đảm đương sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại Iraq. Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị cho việc này ngay từ bây giờ và đang sửa soạn bổ nhiệm đại sứ mới tại Iraq thay thế cho ông Christopher Hill.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến từ các tướng lĩnh tham gia huấn luyện tại Iraq băn khoăn lo ngại về việc liệu lực lượng nhân sự của Bộ Ngoại giao có đảm đương nổi những phần việc lâu nay do quân đội phụ trách hay không. "Nhiệm vụ không chỉ đơn thuần là phát triển kỹ năng mà còn là xây dựng các hệ thống chức năng Bộ Nội vụ và cảnh sát từ cấp trung ương đến cơ sở, những việc mà Bộ Ngoại giao rất thiếu kinh nghiệm" - như ý kiến phát biểu của tướng 3 sao James M. Dubik, người từng tham gia huấn luyện binh sĩ Iraq trong 2 năm 2007-2008.

Thực ra thì, cho dù rút quân đội đi thì người Mỹ vẫn phải duy trì một lực lượng nhất định tại Iraq. Hiện tại, do phải tập trung cho chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ nên Tổng thống Mỹ Obama không muốn mạo hiểm đưa ra kế hoạch quân số này. Mặt khác, phía Iraq cũng chẳng thể khẩn trương hơn được, vì nội tình Iraq hiện cũng đang rối như canh hẹ, với việc thành lập chính phủ mới đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, có thể Washington sẽ duy trì một lực lượng khoảng 5.000 đến 10.000 người, đủ để đảm bảo một số hoạt động quân sự và phản ứng nhanh khi cần thiết.

Các chiến xa của đơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời Iraq sang Kuweit sáng 19/8.

5 tháng sau cuộc bầu cử  Quốc hội gây nhiều tranh cãi hồi tháng 3/2010, các cuộc thương lượng chia sẻ quyền lực để thành lập chính phủ liên hiệp giữa các phe phái chính trị chủ yếu tại Baghdad liên tục bị đổ vỡ do những yếu tố tác động từ chính tình hình an ninh, chính trị trong nước. Hiện tại, các phe phái chính trị Iraq tiếp tục không đạt được về việc ai sẽ làm thủ tướng và các ghế bộ trưởng sẽ được phân bổ như thế nào cho các đảng phái chính trị tham gia liên minh chia sẻ quyền lực. Gút mắc chính là ở chỗ, để trở thành thủ tướng thì ứng cử viên phải có ít nhất 163 đại biểu trúng cử Quốc hội ủng hộ.

Theo kết quả chính thức từ cuộc bầu cử, đảng Iraqiya của cựu Thủ tướng Ayad Allawi (được người Sunni ủng hộ) dẫn đầu với 91 ghế, khối chính trị của Thủ tướng Nuri Kamal Maliki về nhì sát nút với 89 ghế. Tiếp theo sau nữa là các đảng phái của Ahmad Chalabi và Moktada al-Sadr. Như vậy, để làm Thủ tướng Iraq, cả 2 ông Allawi và Mliki đều ráo riết tranh thủ lôi kéo các chính đảng nhỏ vào liên minh chia sẻ quyền lực nhằm gom đủ số ghế ủng hộ mình. Và cũng từ đây phát sinh việc phải phân bổ các ghế bộ trưởng quan trọng cho ai, đảng phái nào.

Trong bối cảnh bộn bề như thế, tình hình an ninh có dấu hiệu bất ổn trong thời gian gần đây như thách thức những nhà hoạch định chiến lược Mỹ. Hàng loạt vụ đánh bom khiến hàng trăm người chết trong thời gian gần đây ở các thành phố lớn của Iraq được xem như dấu hiệu của những xung đột khó giải quyết giữa các hệ phái chính trị Iraq.

Mặc dù khẳng định rằng tiến trình rút quân Mỹ "không bị ảnh hưởng bởi tình hình bạo lực và bế tắc chính trị" nêu trên của Iraq, nhưng tướng Ray Odierno, Chỉ huy trưởng lực lượng quân Mỹ tại Iraq vẫn tỏ ra băn khoăn rằng nếu các vấn đề trên không được giải quyết trước tháng 10 năm nay thì chắc chắn là "khó tránh khỏi"

An Châu (tổng hợp)
.
.