Iraq sẽ trở thành trung tâm viễn thông của Vùng Vịnh

Thứ Sáu, 04/05/2012, 13:45

Sau nhiều thập niên không được tiếp cận với tiến bộ công nghệ thế giới do những lệnh trừng phạt và chiến tranh, Iraq bắt đầu thoát khỏi tình trạng bị cô lập và vươn lên để hội nhập thế giới kỹ thuật số khi hệ thống viễn thông nước này được kết nối với hệ thống cáp ngầm khổng lồ dưới biển mới phục vụ cho các quốc gia Vùng Vịnh.

Ahmed Mekky, Giám đốc điều hành Công ty xây dựng hệ thống cáp Gulf Bridge International cho biết việc thiết kế và lắp đặt hệ thống cáp ngầm ở cảng Al Faw, gần thành phố Basra của Iraq đang phải đối mặt với nhiều thách thức - có hơn 100 đường ống dẫn dầu và khí tự nhiên băng qua khu vực hay đủ loại bom đạn chưa nổ do chiến tranh Iraq để lại cần phải né tránh…

Hệ thống cáp mới sẽ giúp phát triển đường truyền Internet và điện thoại nhanh hơn đến Ấn Độ về phía đông và Sicily về phía tây. Từ đây đường truyền sẽ hòa vào các mạng khác để kết nối với phần còn lại của thế giới. Hiện nay, chỉ có 3 triệu người sử dụng Internet ở Iraq. Hệ thống cáp mới hứa hẹn giúp các kết nối Internet tăng lên đến 50% trong vòng hai năm tới, theo tính toán của Bộ trưởng Viễn thông Iraq - Mohammed Tawfiq Allawi. Allawi và Mekky đều muốn nhìn thấy sự kết nối với mạng cáp ngầm dưới biển trở thành bước đầu tiên trong kế hoạch biến Iraq thành trung tâm liên lạc viễn thông giữa đông và tây và sự sử dụng mạng này sẽ đem về khoản thu nhập khổng lồ. 

Cũng giống đội quân thương nhân ngày xưa sử dụng Con đường tơ lụa, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chuyển dữ liệu từ châu Á đến châu Âu và ngược trở lại phải đi qua khu vực Trung Đông, nơi mà tính chất địa lý và địa chính trị đầy nhạy cảm đôi khi biến khu vực thành nút thắt cổ chai trong lĩnh vực kỹ  thuật số cũng như thế giới vật chất. Do đó khi xảy ra biến cố gì đó, hậu quả sẽ nặng nề và có ảnh hưởng sâu rộng. Ví dụ, vào tháng 1/2008, vài cáp ngầm dưới biển ở vùng bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập bị đứt không rõ nguyên nhân. Hoạt động viễn thông trong khắp vùng Trung Đông lập tức bị gián đoạn nghiêm trọng và tạo ảnh hưởng dây chuyền ra khắp thế giới. Tai nạn tương tự cũng xảy ra vào tháng 2 năm nay ở Biển Đỏ, dù ít nghiêm trọng hơn.

Hệ thống cáp vòng tròn của Gulf Bridge International kết nối mọi quốc gia vùng Vịnh.

Theo Công ty nghiên cứu TeleGeography, nhu cầu băng thông quốc tế trong khu vực Trung Đông đã tăng gần 100% trong vòng 5 năm qua - mức tăng trưởng nhanh nhất đối với bất cứ khu vực nào trên thế giới và gấp đôi tỷ lệ tăng ở Bắc Mỹ.

Từ năm 2008, chính quyền các nước và công ty viễn thông trong khu vực Trung Đông đã cố gắng gia tăng đầu tư vào các hệ thống cáp ngầm dưới biển cũng như trên mặt đất với nhịp độ dồn dập chưa từng thấy. Các dự án như Gulf Bridge - với các cổ đông bao gồm Qatar Foundation do Hoàng gia kiểm soát và một số quỹ giàu có của vài quốc gia Vùng Vịnh khác - là kết quả của nỗ lực đầu tư này. Mạng của Gulf Bridge - dự án trị giá 500 triệu USD trong giai đoạn ban đầu - đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay, cung cấp kết nối tốc độ cao đến Bahrain, Iran, Kuwait, Oman, Qatar, Arập Xêút và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), cũng như Iraq.

Không chỉ có Gulf Bridge tìm kiếm đầu tư ở Trung Đông. Vào tháng 3 vừa qua, Tập đoàn viễn thông Tata Communications của Ấn Độ đã khởi công xây dựng hệ thống cáp truyền trị giá 200 triệu USD phục vụ cho nhiều quốc gia Vùng Vịnh, ngoại trừ Iraq. Nhưng khác với Gulf Bridge, hệ thống cáp của Tata chạy trên mặt đất đến Oman để tránh eo biển Hormuz nhạy cảm.  

Bộ trưởng Mohammed Tawfiq Allawi cho biết, chính quyền Iraq nói chung đã đạt được một số thỏa thuận với các đối tác ở các quốc gia láng giềng trong sự nghiệp phát triển hệ thống cáp kết nối Vùng Vịnh với châu Âu qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ song chi tiết chưa được công bố

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.