Iraq trước thử thách “thù trong giặc ngoài”

Thứ Hai, 30/07/2018, 14:40
Sau khi đánh đuổi các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào năm 2017, bỏ phiếu bầu quốc hội và chính phủ mới, giờ đây Iraq lại lâm vào tình cảnh khó khăn khi IS đang tìm cách quay lại Iraq. Thù trong giặc ngoài. Không chỉ bị IS tấn công, Iraq còn hỗn loạn từ chính các cuộc biểu tình mang màu sắc của một “Mùa xuân Iraq”.

Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Iraq vẫn chưa kết thúc

Sau cuộc bầu cử vào tháng 5, một ban lãnh đạo mới ra đời trong muôn vàn khó khăn và sự kỳ vọng của người dân muốn xây dựng Iraq thịnh vượng trở lại sau khi IS sụp đổ. Vậy nhưng, chưa đầy 6 tháng người dân sống trong hòa bình, giờ đây các tay súng IS đang tìm cách quay lại và xâm nhập vào nhiều tỉnh của nước này.

Trong 2 tháng qua, Iraq tiếp tục phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố từ IS. Điều này dẫn đến những lo ngại rằng các phần tử khủng bố IS đang mưu toan tập hợp lại lực lượng.

Các số liệu do Phái bộ hỗ trợ Iraq của Liên Hiệp Quốc (UNAMI) công bố cho thấy 91 dân thường Iraq đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố, bạo lực và xung đột vũ trang trong 2 tháng vừa qua. Những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là thủ đô Baghdad (49 người thiệt mạng), tỉnh Anbar (14 người) và Diyala (12 người).

Những con số này không bao gồm các thành viên của quân đội, cảnh sát đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trước đó, 27 dân quân Hồi giáo dòng Shiite đã thiệt mạng trong một vụ tấn công ở tỉnh Kirkuk. Các vụ tấn công nhằm vào dân thường và quân đội Iraq vẫn tiếp tục diễn ra trong tháng 3/2018.

Theo các nhà quan sát, các tay súng IS đang mưu toan tập hợp lại lực lượng ở quốc gia Trung Đông này. Chuyên gia phân tích Mustafa Habib viết trên trang Niqash.org: “Thực tế, IS vẫn có đủ năng lực và cơ hội để phát động các cuộc tấn công. Đây là điều đáng lo ngại. Chúng rõ ràng đã thích nghi được với tình hình mới”.

Các sĩ quan quân đội Iraq đã xác nhận rằng IS đang lên kế hoạch quay trở lại. Ông Mizher al-Azzawi, một chỉ huy cấp cao ở thành phố Diyala, nói: “IS đang cố gắng tìm cách tập hợp lại lực lượng ở các khu vực phía đông và phía bắc của thành phố này (Diyala), nhưng các lực lượng an ninh hỗn hợp gồm quân đội, cảnh sát và dân quân đã truy đuổi chúng”.

Ngoài ra, giới chức quân sự Iraq cho biết các tay súng IS đang cố tìm cách xâm nhập vào một số tỉnh qua ngả Syria. Theo các chuyên gia phân tích ở Trung Đông, những lo ngại về việc IS quay trở lại Iraq là có cơ sở. Thắng lợi của Baghdad mà chủ yếu dựa vào sức mạnh của lực lượng liên quân thì dường như điều này có vẻ không đủ để giữ cho thành quả chiến thắng được bền vững. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Iraq vẫn chưa kết thúc.

Sau chiến tranh, vẫn còn nhiều người Iraq sống dưới mức nghèo khổ. Ảnh: AP.

Gian nan chống thù trong giặc ngoài

Chiến thắng nhọc nhằn của Iraq trước IS trước tiên bị phủ bóng bởi cuộc xung đột trong nội bộ. Tranh chấp giữa Baghdad và các khu vực có người Kurd đã leo thang thành một cuộc xung đột. Ngày 22-7, tuần báo The Arab Weekly đăng bài phân tích về làn sóng biểu tình đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố ở Iraq suốt 2 tuần qua.

Theo bài viết, các cuộc biểu tình diễn ra ở khắp các khu vực miền Nam Iraq đã khiến giới chính trị gia nước này lo lắng, buộc Chính phủ Iraq phải đưa ra các cam kết nhằm đáp ứng một số yêu sách của người biểu tình. Làn sóng phản đối biến thành bạo lực. Không chỉ có người Kurd, hàng ngìn người Iraq đã xuống đường biểu tình ở các thành phố thuộc khu vực miền Nam và thủ đô Baghdad của Iraq để phản đối các dịch vụ công yếu kém. Giới quan sát cho rằng bất ổn khu vực Trung Đông đang chuyển sang một bộ mặt khác.

Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến 8 người chết, hơn 500 người bị thương. Người biểu tình quá khích đã xông vào trụ sở chính quyền cũng như trụ sở các đảng phái chính trị ở khắp các tỉnh miền Nam, phóng hỏa, ném đá vào lực lượng an ninh và phong tỏa nhiều tuyến đường.

Theo số liệu thống kê chính thức, dầu mỏ chiếm tới 89% nguồn thu ngân sách và 99% kim ngạch xuất khẩu của Iraq. Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ mang lại 1% việc làm cho người lao động trong nước, trong khi phần lớn còn lại là dành cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Iraq hiện ở mức 10,8%, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên rất cao.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng nếu giới chức trách Iraq không có biện pháp xử lý kịp thời và giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách hiện nay, các phe nhóm chính trị không gạt bỏ được bất đồng cũng như toan tính riêng để sớm thành lập chính phủ mới, quốc gia Trung Đông này có thể rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng thực sự như những gì đã diễn ra ở nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi cách đây 7 năm.

Chính phủ Iraq đã thành lập một ủy ban để điều tra về những vấn đề liên quan tới các yêu sách của người biểu tình, đồng thời cam kết tạo thêm 10.000 việc làm cho người dân Basra. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ chi 3 tỷ USD cho các dự án cung cấp điện và nước sạch cho khu vực này.

Bà Suadad al-Salhy, một nhà báo Iraq làm việc ở Baghdad, đánh giá: “Không có thay đổi sự thực sự hay đáng kể nào có thể được thực thi trừ khi thay đổi hiến pháp... nguồn gốc mọi vấn đề của Iraq là tham nhũng tràn lan ở tất cả các cơ quan, tổ chức của nhà nước, trong đó có cả bộ máy tư pháp”.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, do “túng bấn” và rất khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm, trong khi phải gánh chịu nhiều chi phí cho các cuộc giao tranh, xung đột triền miên, chính quyền Baghdad không thể thực hiện “đến nơi đến chốn” các kế hoạch phát triển cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương và hiện đang phải “giật gấu vá vai” để cung cấp những dịch vụ công cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc biểu tình ở nước này trong những ngày qua.

Theo giới quan sát, làn sóng biểu tình ở nhiều tỉnh, thành phố của Iraq là những diễn biến hết sức nguy hiểm. Nếu các nhà chức trách Iraq không có biện pháp xử lý kịp thời, quốc gia Trung Đông này có nguy cơ đối mặt với một “Mùa xuân Arab” mới như đã từng xảy ra ở nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi cách đây 7 năm.

Nguyễn Hòa
.
.