Israel - Syria: Khôi phục đàm phán hòa bình

Thứ Tư, 28/05/2008, 15:00
Hôm 21/5 vừa qua, cả Israel và Syria đều chính thức tuyên bố về việc khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình sau suốt 8 năm gián đoạn. Trước mắt, tiến trình đàm phán sẽ được thực hiện thông qua vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Israel, thông tin bất ngờ trên đã gây ra một làn sóng bất bình rộng khắp không chỉ từ phía phe đối lập, mà ngay giữa các thành viên của liên minh cầm quyền. Nhiều người trong số này cho rằng, ý đồ của Thủ tướng Ehud Olmert công khai tuyên bố về việc đàm phán chỉ nhằm lôi kéo sự chú ý của công luận khỏi quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến cá nhân ông...

Còn nhớ các cuộc đàm phán trực tiếp lần cuối cùng giữa Israel và Syria đã diễn ra tại Mỹ vào năm 2000, trước khi bị đổ bể vì những bất đồng sâu sắc liên quan đến cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Còn theo những nguồn tin ngoại giao từ Tel-Aviv, những cuộc đàm phán đầu tiên gần đây giữa IsraelSyria thực ra đã được bắt đầu từ tháng 2/2007.

Quyết định quan trọng này được thông qua trong khuôn khổ cuộc gặp trực tiếp giữa Thủ tướng Israel Ehud Olmert với đồng nghiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Từ thời điểm đó, các phái đoàn của Israel đã liên tiếp đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ vì mục đích trên. Tuy nhiên, quá trình trên ban đầu đã hoàn toàn được giữ bí mật. Khi bắt đầu xuất hiện một số thông tin rò rỉ từ kế hoạch trên, giới lãnh đạo Israel thường trả lời một cách mập mờ, không khẳng định và cũng không phủ nhận.

Tuy nhiên điều bất ngờ đã xảy ra, sau khi Ankara, Damacus và Tel-Aviv đều đồng loạt đưa ra tuyên bố chính thức: “Israel và Syria đã bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp với sự tham gia của phía trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai phía đều bày tỏ quan điểm sẵn sàng triển khai những phiên đàm phán mở và thẳng thắn, những cuộc đối thoại thường xuyên và nghiêm túc để có thể đạt được một nền hòa bình toàn diện trong khuôn khổ các thỏa thuận đã có được từ Hội nghị Madrid”.

Theo thông tin mới nhất, quan chức đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Israel là Ioram Turbovich và cố vấn chính trị của Ehud Olmert là Shalom Turdzeman đã đặt chân tới Ankara từ đầu tuần, nơi một phái đoàn tương tự của Syria cũng đã có mặt. Hai phía hiện được bố trí ở tại những khách sạn khác nhau, trong khi các quan chức trung gian đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm truyền đạt thông tin qua lại.

Ankara dù sao cũng hy vọng một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai bên sẽ nhanh chóng được tổ chức. Trong khi các nguồn tin từ phía Israel nhấn mạnh, mục đích của những cuộc đàm phán hiện nay là làm rõ những lợi ích của cả một tiến trình trong tương lai.

Nhiều người vẫn còn nhớ phía Israel trước đây với tư cách “những điều kiện tiên quyết” đã yêu cầu phía Syria phải chấm dứt quan hệ với Iran, ngừng ngay việc giúp đỡ các tay súng Palestine, giải tán trụ sở của Hamas và nhiều tổ chức cực đoan Palestine khác tại Damacus cũng như chấm dứt hoàn toàn tình trạng buôn lậu vũ khí vào Liban, được coi là nguồn cung cấp súng đạn chủ yếu cho tổ chức Hezbollah.

Syria về phần mình đã yêu cầu Israel phải trả lại hoàn toàn khu vực cao nguyên Golan bị họ chiếm đóng từ năm 1967. Tel-Aviv hiện không phủ nhận việc sẵn sàng đối thoại để trả lại những vùng đất của Syria. Tuy nhiên cho tới giờ, họ vẫn chưa sẵn sàng cho việc trả lại vùng đất sát bờ hồ Kineret, giúp cho người Syria có thể tiếp cận trực tiếp với nguồn dự trữ nước ngọt hàng đầu của quốc gia Do Thái.

Phía Syria còn đưa ra một điều kiện nữa, theo đó Tổng thống Bashar Assad yêu cầu các cuộc tiếp xúc giữa hai bên phải mang tính chất công khai. Ý kiến của các nhà quan sát đều cho rằng, Damacus bằng cách này đang muốn cho cả thế giới nhận thấy rõ tính chất xây dựng trong các quan điểm đàm phán của mình.

Điều này sẽ phần nào giúp khôi phục lại hình ảnh của Syria, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng sau cái chết của cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri năm 2006, cũng như việc Syria bị Mỹ liệt vào danh sách những quốc gia thù địch ủng hộ khủng bố. Đó là lý do khiến nhiều quan chức thuộc phe đối lập tại Tel-Aviv đã nhìn nhận đây là “một bước nhượng bộ” từ phía Chính phủ Israel.

Kết quả mới nhất từ cuộc đàm phán lần này, theo tiết lộ của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem, là phía Israel đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ rút quân khỏi cao nguyên Golan. Mặc dù vậy, trên bình diện nội bộ, hiện có không ít các chính trị gia tại Israel tỏ vẻ phản đối quyết liệt đối với việc khôi phục lại đàm phán với Syria.

Tuy nhiên, những lời phê phán chủ yếu lại đang nhằm vào đích thân Thủ tướng Israel. Các đại diện phe đối lập cùng với không ít các thành viên trong liên minh cầm quyền cho rằng, nguyên nhân duy nhất của việc công khai hóa quá trình nối lại đàm phán chỉ là nỗ lực của riêng cá nhân Olmert nhằm lôi kéo sự chú ý của công luận khỏi cuộc điều tra đang nhằm vào bản thân ông này (Olmert bị cáo buộc tội nhận trái phép hàng trăm ngàn đôla cho quỹ vận động tranh cử của mình).

Chẳng hạn như thủ lĩnh đảng Likud Gideon Saar đã buộc tội ông Olmert đã “lợi dụng tiến trình hòa bình để cứu vớt vị thế chính trị của mình”, đồng thời kêu gọi các đảng phái rút khỏi liên minh cầm quyền. Nhân chuyện này, nhiều nghị sĩ tại Quốc hội Israel còn nhắc lại những lời mỉa mai từng nhằm vào cựu Thủ tướng Ariel Sharon, khi ông này lên kế hoạch di dời các khu định cư Do Thái tại Dải Gaza, đúng vào thời điểm cũng đang bị điều tra vì những bê bối tài chính: “Càng điều tra sâu, càng có nhiều nhượng bộ”.

Hơn thế nữa, với những thông tin về khả năng Israel trao trả lại cao nguyên Golan đã khiến cho ông Olmert còn bị phe đối lập buộc tội là “phản bội lại những quyền lợi của quốc gia”. Liên quan đến những phản ứng của quốc tế, cả Mỹ và EU đều đã chính thức tỏ ý hoan nghênh về kết quả ban đầu của tiến trình đàm phán, đồng thời ca ngợi vai trò trung gian ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.