Israel: Ai sẽ thay thế Tổng thống Simon Peres?

Thứ Sáu, 23/05/2014, 16:45

Một cuộc đua tranh để thay thế Tổng thống Simon Peres đang diễn ra rầm rộ ở Israel, với hàng loạt chính khách thuộc hàng bô lão đang hy vọng được chọn, bao gồm những người từng giữ các cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, nghị sĩ và cả một nhà khoa học đoạt Giải Nobel. Điều này cho thấy chức danh Tổng thống Israel đang hấp dẫn trở lại.

Riêng Simon Peres thì đã từng nắm giữ tất cả những thứ nêu trên (kể cả Giải Nobel Hòa bình năm 1994 chung với Yitzhak Rabin và Yasser Arafat), chưa kể 2 lần ông làm Thủ tướng Israel và một số vị trí bộ trưởng khác, còn nói về chức danh Nghị sĩ Quốc hội thì cũng khó có ai qua được kỷ lục của ông: từng là nghị sĩ đại diện cho 5 đảng phái khác nhau.

Tổng thống là chức vụ cuối cùng và cao nhất ông nắm giữ trong sự nghiệp chính trị 65 năm lừng lẫy của mình. Bởi thế, khi vị Tổng thống già cần phải nghỉ ngơi sau nhiều thập niên phục vụ đất nước, chính trường Israel mới bắt đầu tất bật đi tìm người xứng đáng để ngồi vào vị trí đó thay ông.

Năm nay 91 tuổi (sinh tháng 8/1923, tại Ba Lan), Tổng thống Simon Peres như một cây đại thụ tỏa bóng phủ trùm lên đời sống chính trị và xã hội Israel. Ông là người cuối cùng của thế hệ những người khai quốc hiện còn sống.

Cuộc đời và sự nghiệp chính trị lẫy lừng của ông hầu như gắn liền với thời kỳ lập quốc và suốt chiều dài lịch sử tồn tại của đất nước Israel. Ông từng nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1953 đến 1959, đặc biệt trong giai đoạn này có sự kiện kênh đào Suez. Sau đó, ông được bầu vào Quốc hội Israel đại diện cho đảng Mapai, rồi liên tiếp các nhiệm kỳ sau đó là các đảng Rafi, Liên minh cánh tả (Alignment), Công đảng và Kadima, trong đó ông đã từng là Chủ tịch Công đảng và Liên minh cánh tả.

Rồi ông nắm giữ một loạt chức vụ Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông, Thông tin (thời Yitzhak Rabin làm Thủ tướng lần thứ nhất) và Tài chính (thời kỳ ông luân phiên chức Thủ tướng với Yitzhak Shamir). Đó là thời kỳ ông hai lần làm Thủ tướng Israel, và làm Bộ trưởng Ngoại giao khi Yitzhak Rabin làm Thủ tướng lần hai.

Từ trái sang: Yasser Arafat, Simon Peres và Yitzhak Rabin khi nhận Giải Nobel Hòa bình, năm 1994.

Dấu ấn chính trị nổi bật nhất trong sự nghiệp của Peres chính là khi ông làm Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 1992, đã cùng với Thủ tướng Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine Yasser Arafat tham gia đàm phán dẫn đến ký kết Hiệp ước Oslo năm 1993 về thiết lập nền hòa bình giữa Israel và người Palestine. Nhờ sự kiện đó mà Peres, Rabin và ông Arafat cùng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1994. Sau khi ông Rabin bị ám sát, nền hòa bình Trung Đông cũng “chết” theo.

Khi Netanyahu lên làm Thủ tướng lần đầu, Simon Peres đã nhiều lần tìm cách quay trở lại nhưng đều thất bại, chỉ được các chính phủ Netanyahu rồi Ehud Barak giao cho các chức bộ trưởng tầm thường. Đến năm 2007, Moshe Katsav bị phế truất vì bị cáo buộc quấy rối tình dục, ông thật sự trở lại với vai trò Tổng thống Israel.

Người ta nói, Peres ngồi trên ghế Tổng thống Israel, nhưng nhân cách và hoạt động của ông đã vượt lên trên chức danh đó. Ngay khi trở lại chính trường để thay thế Moshe Katsav vào năm 2007, ông đã vực lại uy tín của chức danh Tổng thống đã bị chính Katsav làm hoen ố do bê bối quấy rối tình dục mà ông ta gây ra trước khi bị phế truất một cách nhục nhã.

Và mặc dù chức danh Tổng thống ở Israel chỉ mang tính chất hình thức, ít thực quyền, như tại một số quốc gia trên thế giới, nhưng chính phong cách và quan điểm, những động thái đúng đắn, hợp lý của ông Peres đã khiến cho chiếc ghế đó ngày càng trở nên danh giá hơn.

Simon Peres đóng vai trò làm "mềm hóa" hình ảnh Israel, giúp Israel duy trì sự cân bằng cần thiết trong khi bị thế giới cô lập do hành động diều hâu, cứng rắn quá đáng của Thủ tướng Netanyahu. Cho nên, khi ông Peres đã đến lúc phải nghỉ, Israel thật khó mà tìm được một người nào khác có được bảng lý lịch và phong cách như Tổng thống đương nhiệm.

Hiện tại, có 2 cái tên được đánh giá là sáng giá nhất trong cuộc đua. Đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benjamin Ben-Eliezer (Công đảng) và cựu Chủ tịch Quốc hội Reuven Rivlin (đảng Likud). Ông Ben-Eliezer, 78 tuổi, tự cho mình là người "không thể ghét". Ông là người Israel có tư tưởng ôn hòa, gần với lập trường của Peres nhất.

Còn Rivlin, 74 tuổi, là hình ảnh ngược lại của Ben-Eliezer, theo quan điểm cứng rắn tương tự như Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng là người được công chúng Israel ủng hộ nhiều hơn. Nhưng lá phiếu kín trong Quốc hội mới quyết định ai sẽ giành chiến thắng.

Giới phân tích cho rằng, Israel dưới sự lèo lái của ông Netanyahu đang bị cộng đồng thế giới cô lập trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề người Palestine, nhờ có Tổng thống Peres mà giữ được sự "cân bằng" cho đến nay. Nếu thêm một người cùng quan điểm cứng rắn như Netanyahu thì Israel sẽ ra sao?

Benjamin Ben-Eliezer và Reuven Rivlin là hai ứng viên hàng đầu thay thế ông Simon Peres.

Ngoài ra, Silvan Shalom, 56 tuổi, Bộ trưởng Phát triển khu vực, người của đảng Likud đang được xem là "ngựa ô" của cuộc đua, người có thể phá bĩnh 2 ứng viên hàng đầu. Tuy nhiên, ông Shalom không được đánh giá cao vì 2 lý do: thứ nhất, tuổi đời còn quá trẻ để làm một tượng đài đáng kính trọng cho quốc gia; thứ hai là ông cũng vừa bị tố cáo quấy rối tình dục - điều đã xảy ra với cựu Tổng thống Katsav làm hoen ố hình ảnh Tổng thống, cho nên rất khó được chấp nhận.

Một loạt ứng viên khác cũng tham gia cuộc đua cho "xôm tụ" chứ thực sự không gây được ấn tượng, đó là cựu Bộ trưởng Tài chính Meir Shitreet và một cựu Chủ tịch Quốc hội nữa là Dalia Itzik; rồi còn có 2 nhà khoa học Dan Shechtman (giáo sư công nghệ) và Dalia Dorner (đoạt giải Nobel Hóa học năm 2011)…

Simon Peres là một người rất khó thay thế. Nghỉ hưu ở tuổi 91, nói là cần phải nghỉ ngơi nhưng thực tế ông Peres vẫn chưa có ý định ngừng hoạt động. Ông đã lập ra tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm Hòa bình Peres nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực Trung Đông, vì hòa bình là tâm nguyện suốt đời của ông. Cho dù ai trong số các  ứng viên nêu trên giành được chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín thì cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ không hề dễ dàng: phải thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Peres.

"Làm Tổng thống Israel không phải để nắm quyền mà chính là để phục vụ cho nhân dân" - Peres dặn dò các ứng viên

An Châu (tổng hợp)
.
.