Israel đang muốn "phá bĩnh" nỗ lực đối thoại Mỹ - Iran

Thứ Năm, 03/10/2013, 07:30

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa thực hiện 2 động thái quan trọng khiến dư luận chú ý: Thăm Nhà Trắng vào ngày 30/9 và phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng LHQ khóa 68 vào ngày 1/10. Điều đáng nói là, ông Netanyahu muốn tận dụng cơ hội trong cả hai động thái này để làm "xẹp bớt" bầu không khí hữu hảo đang dâng cao giữa Mỹ và Iran. Vì sao?

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, khi Mỹ và Iran cùng đưa ra những lời lẽ đấu dịu, những cử chỉ, thái độ tích cực hướng đến đối thoại hòa hoãn trong vấn đề hạt nhân và tiến tới cải thiện quan hệ song phương, tháo gỡ cấm vận,… khiến cả cộng đồng thế giới đều vui mừng, vì một trong những mâu thuẫn, xung đột ngoại giao, chính trị, an ninh gay gắt nhất đang có cơ hội được tháo gỡ, mọi người đang đứng trước viễn cảnh quan hệ Mỹ-Iran nồng ấm trở lại, không còn hình ảnh vận động binh lực, khí tài hù dọa nhau, và không còn sợ hãi trước "nguy cơ chiến tranh hạt nhân thế giới" khi Mỹ tấn công Iran.

Trong bầu không khí đầy lạc quan đó, có một người, một quốc gia không cảm thấy vui, mà ngược lại, đang tìm mọi cách để làm chậm lại viễn cảnh tươi sáng: đó là Israel, với Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người đi đầu trong mọi nỗ lực.

Trong bối cảnh đó, dư luận chú ý nhất đến chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Netanyahu. Tại đó, ông có chuyến thăm chính thức nước Mỹ và hội đàm trực tiếp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 30/9, sau đó thực hiện bài phát biểu cuối cùng tại Đại hội đồng LHQ vào sáng ngày 1/10 (giờ địa phương).

Trong một diễn biến khá bất ngờ trước khi Netanyahu lên đường đi Mỹ, Shin Bet, cơ quan tình báo nội địa của Israel, đã thông báo bắt được 1 người Bỉ gốc Iran tên là Ali Mansouri tại sân bay quốc tế Ben Gurion, với nghi vấn làm gián điệp cho Tehran. Shin Bet đã công bố "chứng cứ" là các bức ảnh mà cơ quan này cho là đã thu được trong người Mansouri, trong đó bao gồm 1 tấm ảnh chụp nóc tòa đại sứ Mỹ ở Tel Aviv. Mansouri đã ra hầu tòa vào ngày 30/9, nhưng không có tội danh rõ ràng nào được đưa ra.

Điều đáng nói là, Mansouri bị bắt vào ngày 11/9, nhưng thông tin mới được công bố ngay trước chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Netanyahu. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Tel Aviv muốn phát đi thông điệp rằng những lời "ngon ngọt" của Iran là giả tạo, là không đáng tin?

Ngày 29/9, báo chí quốc tế cũng đã nói nhiều về thái độ của Tel Aviv đối với những sự kiện nồng ấm của Mỹ và Iran, nhất là sau sự kiện 2 vị Tổng thống, Barack Obama và Hassan Rouhani thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên sau 34 năm vào hôm 27/9. Tel Aviv công khai "nghi ngờ" mức độ "thật lòng" mà hai vị tổng thống biểu hiện qua cuộc điện đàm. Đó là vì, Israel không muốn tin, ngay từ khi Iran bắt đầu vẫy nhành ôliu về phía Mỹ và nhận được sự phản hồi "chừng mực" của đối phương, rằng Iran thật sự muốn thay đổi cách giải quyết vấn đề mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây.

Thủ tướng Israel Netanyahu đã từng phát biểu rằng, lời nói và thái độ của Tehran là "không đáng tin" cho dù Tổng thống Iran Rouhani mang thành ý ra thể hiện tại Đại hội đồng LHQ, và các Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry của Mỹ và Mohammad Javad Zarif của Iran đã có cuộc hội đàm đầu tiên để bàn về đàm phán hạt nhân.

Israel không có nhiều luận cứ chống Iran ngoài một điều duy nhất là mối nghi ngờ cũ rích về "quả bom hạt nhân" của Iran. Tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ năm ngoái, Thủ tướng Israel Netanyahu đã từng mang mô hình quả bom Iran ra "hù dọa" cả thế giới và đã gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, Iran trở thành kẻ bị cô lập trong vấn đề hạt nhân. Kết quả là nhiều nước ủng hộ quy ước "lằn ranh đỏ" mà Mỹ và Israel đặt ra để khống chế "quả bom" Iran.

Tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ năm nay, tình hình đã xoay ngược lại. Câu chuyện về "quả bom hạt nhân" đã được lãnh đạo Iran kể lại theo một hướng khác, tích cực hơn, hòa bình và hữu nghị hơn, và chắc chắn cũng sẽ an toàn hơn. Israel chắc chắn cũng sẽ lại mang "quả bom" ra, nhưng không phải để tìm kiếm đồng minh cô lập Iran nữa mà để "cài" vào giữa Washington và Tehran nhằm làm chậm lại tiến trình xích lại gần nhau giữa 2 thủ đô.

Không chỉ vẫy nhành ôliu với Mỹ, vừa qua, Tổng thống Iran Rouhani và cả lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đều có những động thái hòa hoãn, chìa ra bàn tay thân thiện với người Do Thái. Tổng thống Rouhani thậm chí còn lên án hành động tàn sát người Do Thái của chế độ phát xít Đức trong Thế chiến II - điều mà các Tổng thống Iran trước đây chưa từng làm.

Quan trọng hơn, Khamenei đã ra giáo lệnh (fatwa) cấm chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời Tổng thống Iran tuyên bố có thể chấp nhận cho thanh tra các nhà máy hạt nhân, và nhất là sẵn sàng dừng hoạt động nhà máy hạt nhân ở Fordow. Tuy nhiên, có vẻ như Israel đã quá bị ám ảnh về "quả bom" của Iran cho nên hiện tại vẫn chưa thể chấp nhận được những thay đổi trong thái độ và quan điểm đối ngoại của Iran.

Phái bảo thủ vẫn đang nắm quyền hành tại Israel sẽ không dễ dàng chấp nhận thực tế quan hệ Iran và Mỹ nồng ấm lên, kéo theo những biện pháp trừng phạt Iran được tháo gỡ hoặc nới lỏng, từ đó sức mạnh của Iran trong khu vực cũng sẽ gia tăng lên đáng kể, sẽ càng khó cho Israel tiếp tục giữ  thế độc bá khu vực. Chính vì thế, Israel, và phái diều hâu hiếu chiến ở Mỹ, đang lợi dụng sự phân hóa giáo phái giữa 2 dòng Sunni và Shiite của Hồi giáo để vận động các quốc gia theo dòng Sunni trong khu vực tạo nên "phòng tuyến" chống lại tiến trình đối thoại hòa hoãn giữa Mỹ và Iran

Văn Trương (tổng hợp)
.
.