Israel và UAE xích lại gần nhau?

Thứ Năm, 20/08/2020, 15:45
Sự kiện hai quốc gia Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel, một Arab, một Do Thái, ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao hôm 12-8 đã tạo nên một cú chấn động trong khu vực Trung Đông. Thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, vì thế còn được Washington đánh giá là một thắng lợi ngoại giao hiếm hoi của Tổng thống Trump.

Ngày 17-8, dấu hiệu đầu tiên của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao UAE-Israel là việc người dân của hai nước đã có thể liên lạc điện thoại cho nhau. Việc mở lại dịch vụ điện thoại là một phần trong thỏa thuận vừa được ký kết. Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã gọi điện thoại trực tiếp cho người đồng cấp Israel Gabi Ashkenazi. Israel đã rất vui mừng gọi đây là một bước đi quan trọng.

Bộ trưởng Truyền thông Israel Yoaz Handel ra tuyên bố cho rằng nhiều cơ hội kinh tế đang bắt đầu mở ra trong giai đoạn xây dựng niềm tin ban đầu này, sau đó sẽ là những bước đi hướng đến các lợi ích quốc gia của hai bên. Một số trang web và báo điện tử ở Israel đã bắt đầu được gỡ bỏ tường lửa tại UAE.

Jared Kusher (giữa), con rể Tổng thống Trump cùng các quan chức đàm phán của Israel và UAE.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hân hoan tuyên bố với báo chí tại Nhà Trắng rằng “sau 49 năm, Israel và UAE sẽ lại bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hai nước sẽ trao đổi đại sứ quán và đại sứ và bắt đầu sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ du lịch, giáo dục, y tế, thương mại và an ninh”.

“Các thỏa thuận tương tự đang được thảo luận với các nước khác trong khu vực” - ông Trump nói thêm. Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao của ông, thậm chí còn tuyên bố rằng “có một - hai nước đang bực bội vì không được ký kết trước”, khi trả lời báo chí về việc quốc gia nào sẽ nối tiếp sau UAE.

Ông Trump xem thỏa thuận giữa Israel và UAE tương đương một “thỏa thuận hòa bình” và đối với ông nó là một thắng lợi ngoại giao hết sức quan trọng trước khi ông bước vào cuộc đua đầy cam go tháng 11 tới. Đối với ông Netanyahu, tuyên bố ký kết thỏa thuận và những lời tuyên bố đầy hân hoan của Nhà Trắng giống như liều thuốc tăng lực, một “cú hích” giúp ông “gỡ” lại uy tín trong bối cảnh có quá nhiều vấn đề bê bối đang vây quanh. Đó còn là một đòn bẩy cho Israel trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với người Palestine.

Những năm qua, Israel luôn mong muốn xây dựng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia Arab trong khu vực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia này trong vấn đề người Palestine. Nhưng trước UAE mới chỉ có Ai Cập và Jordan thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Israel đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ với Saudi Arabia, Oman và Bahrain với mong muốn mau chóng mở rộng quan hệ với càng nhiều quốc gia Arab càng tốt.

Tuy nhiên, Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan viết trên Twitter rằng, hai quốc gia chỉ mới ký kết “thỏa thuận hợp tác và lập ra một lộ trình đi đến việc thiết lập quan hệ song phương”. Trên thực tế, cho đến nay UAE cũng chưa công nhận Israel như một nhà nước thật sự và những mối quan hệ có được cho đến nay cũng chỉ ở mức độ hạn chế.

Giới quan sát cũng cho rằng, có một số yếu tố thúc đẩy việc UAE đồng ý ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, như: cả hai đều cùng là “kẻ thù” của Iran; cả hai cùng căm ghét thành phần Hồi giáo Muslim Brotherhood và cả hai cùng muốn thay đổi cách giải quyết vấn đề người Palestine. Trong các yếu tố trên, chống Iran là một động lực quan trọng hơn tất cả. Câu nói “kẻ thù của kẻ thù trở thành bạn” áp dụng rất đúng trong trường hợp này.

Người ta cho rằng, UAE có nhiều lý do để tăng cường vận động chống Iran, như ảnh hưởng bao trùm khu vực của Iran, nỗi lo ngại bị Iran khóa chặt eo biển Hormuz, cũng như sự cạnh tranh với dòng Hồi giáo Shiite. Những mối bận tâm này đã đẩy UAE thiết lập quan hệ tình báo với Israel từ nhiều năm qua.

Niềm tin với Israel tăng dần, trong khi niềm tin về một giải pháp khả thi cho vấn đề tranh chấp Israel-Palestine ngày càng sụt giảm. Israel đã có thể thuyết phục Abu Dhabi rằng giải pháp đổi đất lấy hòa bình đã phá sản, còn giải pháp “hai nhà nước” thì đang bị che khuất bởi nhiều vấn đề thực tế đáng quan tâm hơn. Trong khi đó, Nhà Trắng đã thực hiện một loạt động thái ủng hộ Israel, chèn ép người Palestine, như dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, cắt giảm viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine, ủng hộ Israel thôn tính Cao nguyên Golan, đóng cửa Đại sứ quán Palestine ở Washington,...

Điều khoản quan trọng nhất mà Israel nhượng bộ UAE chính là việc Israel phải dừng kế hoạch thôn tính các phần lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vấn đề này không dễ thỏa thuận như đã thông báo. Để thỏa thuận từng bước được thực thi đầy đủ và hai nước thật sự thiết lập quan hệ ngoại giao thì cần phải có sự nhất trí hoàn toàn giữa hai bên. Điều này hiện nay chưa thể có được bởi hai bên vẫn còn nhiều khác biệt cần từng bước lấp đầy.

Đại sứ UAE tại Washington Yousef Al Otaiba phát biểu trong một tuyên bố: “Thỏa thuận sẽ dừng ngay lập tức kế hoạch thôn tính và chấm dứt tình trạng leo thang bạo lực tiềm ẩn. Nó duy trì khả năng triển khai giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế bảo trợ”. Còn Thủ tướng Israel Netanyahu thì tuyên bố rằng “sẽ không có thay đổi gì trong kế hoạch thôn tính” của ông, nó chỉ “tạm dừng” thôi.

Ngày 14-8, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố đánh giá việc UAE ký kết thỏa thuận với Israel là một hành động “đâm dao sau lưng người Palestine và tất cả người Hồi giáo”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.