Jeff Bezos - Người hùng mới của Washington Post

Thứ Ba, 27/08/2013, 19:40

Thương vụ mua bán tờ Washington Post, một trong những tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ, đã gây chấn động làng báo Mỹ và thế giới. Giới phân tích gọi đây là một "thương vụ lịch sử", vì nó đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử hình thành và phát triển của tờ Washington Post, từ thời các ông chủ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, rồi đến giai đoạn phát triển dài 80 năm qua 4 thế hệ điều hành, quản lý của gia đình Graham. Một tờ báo lớn cần có một ông chủ mới đủ tầm vóc để có thể không chỉ giúp nó tồn tại mà còn phát triển trong thời đại mới với nhiều thách thức mới. Người đó chính là Jeffrey Bezos.
>> Chấm dứt một kỷ nguyên ở tờ Washington Post: 4 thế hệ trung thành với báo chí

Người đón đầu công nghệ siêu đẳng

Theo các tài liệu về tiểu sử Jeffrey Bezos, sinh năm 1964, khi đó mẹ ông, Jacklyn, mới 17 tuổi và không biết cha ông là ai. Còn Bezos là họ của người bố dượng, Mike Bezos, người đã cưới mẹ ông khi bà sắp sinh ra ông. Một số tài liệu thì nói rằng cha ông là Ted Jorgensen. Tuy nhiên, do từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, ông được cha dượng nuôi nấng nên đã lấy họ Bezos. Gia đình sinh sống nhiều nơi, nhưng nơi ở lâu nhất là bang Florida, cho đến khi Bezos tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thuở nhỏ, Bezos mơ ước lớn lên sẽ làm doanh nhân trong lĩnh vực không gian vũ trụ, nhưng vào đại học ông lại  chọn ngành kỹ sư điện tử và khoa học máy tính tại trường đại học danh tiếng Princeton và tốt nghiệp hạng ưu.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Bezos làm việc cho Công ty Quản lý Quỹ đầu tư ủy thác D.E. Shaw ở Wall Street, New York. Và đây chính là bệ phóng tuyệt vời giúp Bezos khởi nghiệp thành công. Trong khi nghiên cứu về khả năng phát triển thương mại điện tử, Bezos nhận thấy thứ dễ buôn bán qua mạng Internet nhất chính là sách. Nhìn thấy khả năng phát triển vượt bậc của Internet, Bezos từ bỏ công việc tại Wall Street và đưa gia đình đến Seattle, bang Washington, lập nghiệp.

Bezos cùng vợ là MacKenzie thành lập Công ty Amazon là công ty đầu tiên ở Mỹ chuyên mua bán sách trên mạng Internet, vào năm 1995, khi ấy Bezos mới 30 tuổi. Vốn liếng ban đầu Bezos đầu tư cho Amazon.com chỉ là 300.000 USD vay mượn của bố mẹ, còn trụ sở làm việc là cái garage xe thuê ở khu ngoại ô Bellevue, gần Seattle. Bezos gọi đó là "Cửa hàng sách lớn nhất trái đất".

Từ đây, Bezos đã đầu tư toàn bộ sức lực và vốn liếng có được để biến Amazon.com từ một cửa hàng sách ban đầu thành một cửa hàng bán lẻ khổng lồ trên mạng Internet, với đủ thứ mặt hàng từ tã lót trẻ em cho đến dụng cụ làm vườn và cả các thiết bị công nghệ tiên tiến với giá rẻ. Bạn bè mô tả Bezos là một người có tư duy sâu sắc, đòi hỏi cao, hay tò mò và sẵn sàng thử thách. Có người còn ví Bezos với thiên tài công nghệ quá cố Steve Jobs, bởi tính nhạy bén về công nghệ và khả năng sáng tạo vượt bậc.

Người ta kể rằng, trên đường đi từ New York đến Seattle, Bezos đã lập xong bản kế hoạch hoạt động cho Amazon. Trong khi thiên tài Jobs được ca ngợi là có tầm nhìn sáng tạo, có khả năng nghĩ đến những mẫu thiết kế mà một ngày nào đó người tiêu dùng sẽ cần đến. Còn Bezos thì cung cấp cái người ta cần ngay trước mắt. Bezos không chấp nhận sự trì hoãn. Vì thế ông đầu tư xây dựng các nhà kho chứa hàng ở khắp nước Mỹ để cung cấp hàng hóa nhanh nhất cho khách hàng. Đây cũng chính là lý do hàng hóa của Amazon có giá bán rẻ hơn các cửa hàng bán lẻ khác.

Một điểm nổi bật ở Bezos là tính kiên trì, nhẫn nại của ông, và chính ý chí đó được Bezos thể hiện trong các quyết định đầu tư đôi khi khiến cho các cổ đông và giới phân tích nổi giận vì nó không giúp Amazon mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Bezos trấn an mọi người rằng, đầu tư phải tính kế lâu dài.

Ông đã mở rộng ngành nghề, phát triển Amazon.com sang một số lĩnh vực sản xuất mới liên quan đến sách, báo điện tử, như đầu tư đưa vào ứng dụng công nghệ đọc sách điện tử Kindle Fire và tích hợp sách điện tử đọc trên iPad, ngoài ra còn kiêm luôn cả phát hành sách, cạnh tranh trực tiếp với nhà phát hành sách trên mạng nổi tiếng Barnes & Noble và các công ty phát hành sách khác.

Niềm tin của Bezos và những người tin tưởng vào ông và Amazon.com đã được đền đáp xứng đáng. Đến cuối năm 2012, doanh số của Amazon.com đã tăng gấp 10 lần so với năm 2004, lên đến 61 tỉ USD, và giá cổ phiếu cũng tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua. Bezos trở thành ông chủ giàu có, năm 2012 được tạp chí Fortune chọn là "Doanh nhân của năm", còn tờ Forbes thì xếp Bezos hạng 11 trên bảng xếp hạng 400 người giàu nhất thế giới, với tài sản ròng hơn 25 tỉ USD.

Sự ra đời và phát triển của Amazon.com đã mở ra một hướng phát triển mới của ngành bán lẻ, nhưng đồng thời cũng tàn phá các cửa hàng bán lẻ truyền thống, khiến họ có cái nhìn tiêu cực đối với Amazon.com và Bezos.

Cứu tinh cho Washington Post

Thông minh, nhạy bén và giàu có nhanh chóng đi liền với sự phát triển vượt bậc và chắc chắn của Amazon.com tạo nên uy tín lớn cho Bezos, và đó chính là lý do Bezos được Donald Graham và Katharine Weymouth "chọn mặt gửi vàng", giao phó cơ nghiệp trăm năm của gia đình.

Như thông tin đã đưa, việc tìm người mua tờ báo Washington Post đã được cậu cháu nhà Graham trù tính từ cuối năm 2012. Kế hoạch được nhà Graham tiến hành một cách hết sức bí mật, thuê công ty môi giới Allen & Co xúc tiến việc tìm người mua thích hợp nhất để "giao phó" cơ nghiệp của dòng họ. Và Allen & Co lần đầu tiếp xúc với Bezos để đặt vấn đề mua bán từ tháng 3, tháng 4/2013, nhưng việc liên lạc đã phải gián đoạn mất hai tháng.

Đến giữa tháng 7, liên lạc được nối lại. Bezos đã chủ động liên lạc khi hai người gặp nhau trong một cuộc hội nghị. Cũng cần nói thêm, Bezos không phải là người xa lạ đối với gia đình Graham. Từ lâu, giữa Donald Graham và Jeff Bezos đã là những người bạn và họ cũng thường xuyên chia sẻ, tư vấn cho nhau nhiều vấn đề, chẳng hạn như chính Graham là người đã từng tư vấn cho Bezos làm thế nào để tích hợp các bài báo hay lên thiết bị đọc sách điện tử Kindle,…

Bezos và Donald Graham từ lâu đã là bạn bè.

Ngày 5/8 vừa qua, cả Bezos và gia đình Graham đều xác nhận việc mua bán tờ Washington Post với cái giá "phải chăng" là 250 triệu USD. Việc mua bán coi như đã hoàn tất về cơ bản. Phần còn lại chỉ là những thủ tục giao dịch và sắp xếp cần thiết để chuyển đổi quyền chủ sở hữu từ gia đình Graham sang Bezos.

Ngoài tờ báo in Washington Post và phiên bản điện tử (washingtonpost.com), trong gói hợp đồng nói trên còn bao gồm cả các tờ báo như Express, Gazette Newpapers and Southern Maryland Newspapers, tờ Fairfax County Times, tờ báo tiếng Tây Ban Nha El Tiempo Latino và Nhà máy in Robinson Terminal ở Springfield.

Do Bezos bỏ tiền túi ra mua tờ báo nên việc mua bán cũng không có sự dính líu nào của Công ty Amazon ở Seattle, và Bezos sẽ là người chủ độc nhất của tờ báo. Có một chi tiết khá lạ là, thay vì đổi tên tờ báo để giữ lại tên thương hiệu công ty, gia đình Graham đã chọn nhường tên hiệu cho tờ báo và chấp nhận làm thủ tục đổi tên công ty, vì thế sau này, công ty của gia đình Graham sẽ không còn mang tên "Washington Post Co." nữa.

Ngoài việc giữ nguyên tên gọi tờ báo, Bezos còn tuyên bố ông sẽ không thay đổi nhiều trong bộ máy hoạt động hiện nay của tờ báo, kể cả việc giữ lại Chủ bút Katharine Weymouth và Tổng biên tập Martin Baron. Ngoài ra, không ai trong tổng số hơn 2.000 nhân viên, biên tập viên và phóng viên của tờ báo bị mất việc.

Với một ông chủ mới giàu có như Bezos, Graham đang hy vọng mình đã giao "cơ nghiệp trăm năm" của dòng họ cho đúng vị cứu tinh. Tuy nhiên, giới phân tích thị trường truyền thông báo chí cũng đủ tỉnh táo để không vội tin vào khả năng xoay chuyển tình thế của ông chủ mới Bezos. Lịch sử các tỉ phú mua các tờ báo trong giai đoạn 2 thập niên gần đây cho thấy không phải ai cũng có thể duy trì, nuôi dưỡng tờ báo tốt và giúp nó phát triển. Tờ Newsweek là một điển hình cho việc các tỉ phú bỏ tiền làm chủ báo.

Trong vòng 20 năm qua, đã có hàng loạt gia đình chủ báo uy tín lâu đời ở Mỹ phải bán tờ báo đi, như: gia đình Chandler (tờ Los Angeles Times), gia đình Cole (tờ Minneapolis Star Tribune), Copley (tờ San Diego Uion-Tribune), gia đình Bancroft (tờ Wall Street Journal), gia đình Taylor (tờ Boston Globe, bán cho New York Times với giá 1,1 tỉ USD, và từ đầu tháng 8 đến nay, đến lượt tờ New York Times bán nó lại cho tỉ phú John W. Henry với giá "cho không" 70 triệu USD.

Tờ Newsweek thuộc sở hữu của gia đình Graham từ năm 1961 cũng bị bán qua nhiều đời chủ từ năm 2010, và chủ mới nhất là Công ty IBT Media, mua vào ngày 3/8/2013.

Tháng 8/2010, gia đình Graham bán nó cho nhà truyền thông 92 tuổi Sidney Harman với giá chỉ 1 USD (kèm khoản nợ), đến đầu tháng 8/2013, Newsweek đã về tay chủ mới là tỉ phú Barry Diller. Có một xu hướng chung của các tờ báo in là số lượng phát hành ngày càng đi xuống không có điểm dừng, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo điện tử, sự dịch chuyển thói quen đọc báo, tìm kiếm tin tức từ báo chí in trên giấy sang báo chí phát hành trên các phương tiện điện tử và mạng Internet. Cũng do xu hướng này mà Washington Post đã được bán lại cho Jeff Bezos.

Có người lo ngại liệu Bezos có đủ khả năng tìm ra hướng phát triển mới cho Washington Post hay cũng chỉ đi lại vết xe của các tỉ phú làm chủ báo trước ông. Sự lo lắng đó có vẻ bằng thừa với Bezos. Ông là người đầu tiên khởi xướng việc mua bán và sau đó là đọc sách trả tiền trên mạng Internet.

Với Washington Post, dường như Bezos đã có sẵn một kế hoạch cho tương lai. Đó là phát triển tờ báo theo hướng báo mạng điện tử, và tích hợp nó vào các thiết bị đọc điện tử, di động, như Kindle Fire và iPad. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí ngay sau khi tuyên bố mua tờ Washington Post, Bezos đã "dự báo" báo in sẽ không còn hiện diện trên sạp trong 20 năm nữa…

Một Bezos khác…

Nhìn lại chặng đường phát triển làm giàu của Bezos trong chưa đầy 20 năm qua, đôi lúc ông cũng có những hoạt động "ngoài luồng", nhưng rất cá nhân. Khi còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển Amazon.com, Bezos cũng không quên ước mơ thuở thiếu thời. Năm 2000, ông đã âm thầm lập công ty thuộc quyền sở hữu riêng cá nhân ông, lấy tên là Blue Origin, để xây dựng một con tàu vũ trụ và đã mua một khu đất rộng ở phía tây bang Texas dự tính để làm bệ phóng tên lửa. Tất cả chỉ nhằm thỏa mãn ước mơ bay vào vũ trụ của Bezos.

Bezos chưa từng quan tâm đến chính trị, mặc dù vẫn thường xuyên đóng góp tiền cho quỹ tranh cử của Thượng nghị sĩ Patty Murray cùng vài chính khách khác thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên, năm 2012, vợ chồng Bezos bỗng dưng quyết định đóng góp 2,5 triệu USD để giúp thông qua trưng cầu dân ý về luật pháp cho phép hôn nhân đồng tính ở bang Washington vào tháng 11/2012.

Còn hiện tại, Bezos đang làm một chuyện "trái khoáy" là vận động Quốc hội thông qua luật trao quyền cho tất cả các bang thu thuế những nhà bán lẻ trên mạng Internet trong khi chính mình đang là nhà bán lẻ trên mạng lớn nhất. Dự luật đã được Thượng viện thông qua, còn đang chờ sự đồng ý của Hạ viện

An Tôn - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.