Kashmir: Ván cờ lớn của ông Modi

Thứ Ba, 20/08/2019, 10:18
Bãi bỏ cơ chế tự trị cho Jammu và Kashmir là bước đi táo bạo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là điều ông đã ấp ủ từ lâu và hiện thực hóa nó khi thời cơ đã “chín muồi”.

Một quyết định chẳng dễ dàng

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp kín vào ngày 16-8 theo yêu cầu của Trung Quốc và Pakistan về quyết định của Ấn Độ xóa bỏ quy chế đặc biệt cho khu vực Jammu và Kashmir.

Vùng lãnh thổ trên dãy Himalaya này từ lâu đã là điểm nóng trong mối quan hệ giữa hai nước cùng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan.

Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ đã đem lại địa vị đặc biệt cho khu vực Kashmir do nước này kiểm soát, quy định ngoại trừ các lĩnh vực như quốc phòng, ngoại giao, thông tin..., khu vực này có thể được hưởng quyền lập pháp độc lập và hàng loạt đãi ngộ đặc biệt, bao gồm công dân ở khu vực bên ngoài không được định cư lâu dài ở đây, không được mua đất đai, không được lãnh đạo chính quyền địa phương, không được học bổng. Xóa bỏ Điều 370 có nghĩa là địa vị đặc biệt và quyền tự trị mà khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát được hưởng trước kia không còn nữa.

Theo quan điểm của hãng Reuters, những người không phải là dân bản địa sẽ có quyền mua nhà ở khu vực này trong tương lai, hơn nữa người dân địa phương có thể mất đi quyền kiểm soát công việc chính quyền và hạn ngạch được tuyển vào đại học. Hiện, đường điện thoại, Internet, mạng truyền hình đã bị chặn, lệnh hạn chế đi lại và tụ tập cũng đã được áp dụng.

Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an hôm 13-8, Ngoại trưởng Pakistan Mahmood Qureshi cho rằng “nếu Ấn Độ lựa chọn việc sử dụng vũ lực thì Pakistan sẽ có trách nhiệm đáp trả để tự vệ bằng tất cả khả năng của mình”.

Về phía Trung Quốc, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị đã khẳng định Bắc Kinh rất quan tâm tới mâu thuẫn gia tăng giữa New Delhi và Islamabad về vấn đề Kashmir. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc Ấn Độ sửa đổi hiến pháp sẽ làm thay đổi hiện trạng Kashmir, gây căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc phản đối mọi hành động đơn phương gây phức tạp hóa tình hình, mong muốn Ấn Độ và Pakistan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhằm cùng bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, tránh những bước đi làm ảnh hưởng tới quy chế đặc biệt của vùng Jammu và Kashmir, đồng thời bày tỏ quan ngại việc Ấn Độ đưa ra các hạn chế ở khu vực này.

Hội đồng Bảo an đã thông qua một số nghị quyết vào năm 1948 và vào những năm 1950 về cuộc tranh chấp khu vực này giữa Ấn Độ và Pakistan, trong đó có nghị quyết nêu rõ cần phải tổ chức trưng cầu dân ý trước khi quyết định tương lai Kashmir. Một nghị quyết khác cũng kêu gọi hai bên tránh đưa ra các tuyên bố hay hành động có thể khiến gia tăng căng thẳng ở khu vực này.

Trong bối cảnh “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rất rõ rằng lời đề nghị của ông làm trung gian trong vấn đề Jammu và Kashmir tùy thuộc vào cả hai nước Ấn Độ và Pakistan có chấp nhận hay không. Tuy nhiên, vì Ấn Độ không chấp nhận đề nghị này nên nhà lãnh đạo Mỹ đã nói rõ nó không còn hiệu lực nữa”.

Kashmir luôn là cơn sóng ngầm trong quan hệ Ấn Độ – Pakistan.

Cơ hội “vàng” để triển khai

Tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi diễn ra chỉ 1 tuần trước Ngày Độc lập của Pakistan (13-8) và Ngày Độc lập của Ấn Độ (15-8). 72 năm đã trôi qua song quan hệ New Delhi - Islamabad, ngay cả trong thời khắc yên ả nhất, vẫn luôn tiềm ẩn vô vàn cơn sóng ngầm chực chờ nhấn chìm sự bình yên hiếm hoi ấy. Kashmir, khu vực tranh chấp giữa hai nước là nơi thể hiện rõ nét nhất những cơn sóng ngầm đó.

Không những vậy, Kashmir là một trong những khu vực có rủi ro đối đầu quân sự cao nhất trên thế giới trong 70 năm qua. Xóa bỏ địa vị đặc biệt là một động thái chính trị quan trọng nhất mà Chính phủ Ấn Độ thực hiện đối với khu vực Kashmir do nước này kiểm soát.

Thủ tướng Narendra Modi và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) do ông lãnh đạo có màu sắc chủ nghĩa dân tộc đậm nét, lâu nay luôn phản đối Điều 370 của Hiến pháp và trong chiến dịch tranh cử năm 2019 đã cam kết sẽ xóa bỏ điều khoản này. Họ cho rằng nếu muốn điều chỉnh khu vực Kashmir, để khu vực này ở vị trí bình đẳng với các vùng khác của Ấn Độ thì cần phải xóa bỏ Điều 370.

Trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay, BJP giành thắng lợi lớn, sau khi giành được quyền lực lớn, chính quyền ông Modi hiện tại không bỏ lỡ thời cơ để thực hiện cam kết của họ.

Đối với việc lựa chọn này, trên thực tế khi Narendra Modi tranh cử vào năm 2014, ông đã coi việc xóa bỏ Điều 370 trong hiến pháp là mục tiêu, lý do khiến ông không thực hiện trong nhiệm kỳ thứ nhất mà để đến nhiệm kỳ thứ hai là vì việc thay đổi địa vị của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát có tính nhạy cảm chính trị cao, chỉ khi có nền tảng chính trị vững chắc mới có thể thực hiện được. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ hồi tháng 6-2019 trở thành một chỉ số tham khảo rất quan trọng.

Thực hiện nghiêm túc cam kết khi tranh cử là ông Modi muốn thiết lập hình ảnh, củng cố địa vị cầm quyền. Việc nói được là làm được cho thấy Thủ tướng Modi và đảng BJP do ông lãnh đạo có khả năng thực thi mạnh mẽ và cải cách về đối nội trong tương lai, giúp cho đảng cầm quyền củng cố hơn nữa nền tảng chính trị. Đây cũng là đòn đánh trực diện của Ấn Độ nhằm khôi phục vị thế nước lớn khu vực và đánh mạnh vào uy tín, vị thế của chính quyền Pakistan do Thủ tướng Imran Khan đứng đầu.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pakistan Mohammed Qureshi khẳng định người dân và giới lãnh đạo “cùng chung tiếng nói”, nỗ lực đưa vấn đề Jammu và Kashmir ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chẳng khiến ông Modi nao núng.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.