Kashmir bên bờ vực xung đột

Chủ Nhật, 01/09/2019, 14:36
Vấn đề Kashmir đã nóng lên tới mức Pakistan tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh và khẳng định sẽ đáp trả đích đáng nếu Ấn Độ áp đặt chiến tranh. Các nguyên thủ của nhiều quốc gia đã vào cuộc với mong muốn tình hình không vượt quá tầm kiểm soát.

Pakistan tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh

Trong một diễn biến mới nhất, hãng thông tấn PTI ngày 28-8 đưa tin, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về vấn đề Kashmir. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Pakistan cho biết, ông Khan đã trao đổi với ông Macron rằng các hành động của Ấn Độ “gây rủi ro nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã viết thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề Kashmir. Ông Qureshi nhấn mạnh, Pakistan sẵn sàng hợp tác trong mọi khả năng với HĐBA. Tuy nói là vậy nhưng trước đó không lâu, hãng thông tấn ANI dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Qureshi cho biết Pakistan đã sẵn sàng cho mọi cuộc chiến tranh.

Phát biểu của ông Qureshi được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Pakistan và Ấn Độ không thể hạ nhiệt căng thẳng sau khi Ấn Độ hủy bỏ quy chế tự trị của khu vực Kashmir. Ngoại trưởng Pakistan cho rằng, thế giới đang chứng kiến việc Ấn Độ de dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Tổng thống Pakistan Imran Khan đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Pakistantoday.

Không chỉ Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Pakistan Fawad Chaudhry trước đó, ngày 25-8 cũng khẳng định chiến tranh không bao giờ là lựa chọn, song Pakistan sẵn sàng đáp trả đích đáng nếu Ấn Độ có bất cứ hành động bất ngờ nào hay áp đặt chiến tranh với Islamabad.  Ông Chaudhry đồng thời tuyên bố nếu Ấn Độ muốn hòa bình, Pakistan sẽ hưởng ứng. Nhưng nếu New Delhi muốn áp đặt chiến tranh, Islamabad sẽ chống chọi đến cùng.

Trong đợt tấn công ngoại giao mới nhằm vào Ấn Độ, Pakistan đang một lần nữa xem xét đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của nước láng giềng khổng lồ này. Phát biểu trên Twitter ngày 28-8 sau một cuộc họp nội các, Bộ trưởng Chaudhry nêu rõ: “Thủ tướng (Pakistan) đang xem xét đóng cửa hoàn toàn không phận với Ấn Độ, cấm hoàn toàn việc sử dụng các tuyến đường bộ của Pakistan cho hoạt động thông thương của Ấn Độ sang Afghanistan. Hiện Islamabad đang nghiên cứu các thủ tục pháp lý của những quyết định này”.

Một trong những động thái cứng rắn nữa của Pakistan là nước này tuyên bố sẽ đưa vấn đề Kashmir ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Phát biểu với ARY News TV, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi nêu rõ: “Chúng tôi đã quyết định đưa vụ Kashmir ra ICJ. Quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc toàn bộ khía cạnh pháp lý”.

Đáp lại những tuyên bố cứng rắn từ những quan chức cấp cao của Pakistan, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới khu vực Kashmir chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố, New Delhi hy vọng giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ với Pakistan, để hai nước trở thành “láng giềng tốt”.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Đối thoại Valdai ở thủ đô Moscow của Nga, Ngoại trưởng Jaishankar nêu rõ: “Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân lịch sử và chính trị phức tạp, song chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để giải quyết là hai nước tìm cách thỏa thuận với nhau”. Theo ông Subrahmanyam Jaishankar, Ấn Độ hy vọng bình thường hóa quan hệ với Pakistan.

Cộng đồng quốc tế lo ngại giao tranh sẽ bùng phát

Tổng Thư ký LHQ và cộng đồng quốc tế để thúc đẩy giải quyết vấn đề Kashmir bằng biện pháp hòa bình. Về phần mình Tổng thống Macron trong cuộc điện đàm mới nhất cũng kêu gọi Thủ tướng Khan giải quyết các vấn đề còn tồn tại thông qua biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Ấn Độ và Pakistan có thể tự giải quyết tranh chấp liên quan tới Kashmir, song khẳng định ông luôn sẵn sàng trợ giúp nếu các nước này cần.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho biết đã thảo luận vấn đề trên với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp). Theo ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Modi đã nói rằng ông kiểm soát được tình hình Kahsmir. Ông Modi cũng cho hay Kashmir là vấn đề song phương giữa Ấn Độ và Pakistan.

Trước đó, Tổng thống Trump đã đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho tình hình căng thẳng hiện nay tại Kashmir trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đặc biệt quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực phân chia biên giới giữa hai nước.

Cộng đồng quốc tế quan ngại bởi quan hệ Ấn Độ-Pakistan có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột bất cứ lúc nào và sự nguy hiểm của hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân thì không thể đo đếm. Hiện tại vẫn chỉ là các cuộc xung đột lẻ tẻ. Căng thẳng chỉ gia tăng ở mức binh lính Ấn Độ và Pakistan đấu súng qua Đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi nhanh chóng khi cả Ấn Độ và Pakistan đã đưa ra những tuyên bố liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Phát biểu trong chuyến thị sát bãi thử hạt nhân Pokhran ở miền Tây Ấn Độ vào giữa tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nêu rõ, đến nay New Delhi vẫn cam kết chắc chắn với học thuyết “không sử dụng (vũ khí hạt nhân) trước”. Theo ông, Ấn Độ đã nghiêm túc tuân thủ học thuyết này nhưng những gì xảy ra trong tương lai tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Khi Ấn Độ nhấn mạnh việc “trong tương lai tùy thuộc vào hoàn cảnh” thì ngay lập tức, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về mối đe dọa hạt nhân từ Ấn Độ. Trong một loạt tuyên bố trên trang Twitter, ông Khan cho rằng thế giới phải “xem xét một cách nghiêm túc” độ an toàn và an ninh của kho vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ sở hữu. Theo ông Khan, đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới khu vực mà toàn thế giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nhận xét phát biểu của ông Singh là “vô trách nhiệm” và “đáng tiếc”.

Theo các chuyên gia, tình hình Kashmir một phần căng thẳng không chỉ bởi các vấn đề song phương mà nó còn liên quan tới tính toán của các cường quốc khác trong khu vực này. Mạng Eurasia Future mới đây cũng đăng bài viết lý giải về những khác biệt trong lập trường của Nga và Trung Quốc đối với vấn đề Kashmir.

Đã có nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở khu vực nóng bỏng này. Ảnh: scroll.in.

Theo bài viết, Nga và Trung Quốc đang ở hai phía đối lập nhau liên quan đến vấn đề Kashmir. Cục Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Nga cuối tuần qua đã ra tuyên bố thể hiện lập trường có lợi cho Ấn Độ sau khi New Delhi quyết định hủy bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir đồng thời tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã làm rõ lập trường của Moscow trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan hôm 14-8 rằng “không có cách nào khác ngoài giải quyết các bất đồng giữa Ấn Độ và Pakistan trên cơ sở song phương bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”.

Về phần mình, Trung Quốc lại mạnh mẽ ủng hộ Pakistan. Có thể lý giải mâu thuẫn này bằng những lợi ích hiện hữu được cả Bắc Kinh và Moscow nhắm đến qua việc ủng hộ đối tác mà họ lựa chọn ở Nam Á. Nhìn từ phía Nga, hiện nay, nguồn ngân sách của Nga thu được có sự đống góp đáng kể từ hoạt động xuất khẩu vũ khí và tài nguyên thiên nhiên (năng lượng và khoáng sản) tới Ấn Độ.

Xuất khẩu quân sự của Nga sang Ấn Độ đã giảm 42% trong 10 năm qua sau khi đối tác New Delhi dứt khoát da dạng hóa nguồn nhập khẩu bằng các khí tài của Israel, Mỹ và Pháp. Các hợp đồng nhiều tỷ USD đạt được trong năm nay với Ấn Độ có nguy cơ bị đổ bể nếu Moscow lên tiếng phản đối New Delhi, bởi Ấn Độ có thể sẽ đe dọa thay thế những hợp đồng này bằng các thỏa thuận với những đối thủ cạnh tranh của Nga.

Đối với Trung Quốc, dự án chủ đạo trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), vốn đi qua phần lãnh thổ phía Bắc Pakistan mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. CPEC mang lại cho Pakistan một vai trò trọng yếu không thể thay thế trong đảm bảo an ninh chiến lược của Trung Quốc, vì là tuyến đường đáng tin cậy duy nhất của Bắc Kinh ngoài Malacca giúp Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương, qua đó vô hiệu hóa các nỗ lực ngăn chặn của Hải quân Mỹ.

Khi so sánh các nguyên nhân dẫn đến lập trường khác nhau của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Kashmir, có thể thấy rõ rằng vấn đề Kashmir quả không đơn giản. Không chỉ Nga, Mỹ hay Trung Quốc, còn nhiều cường quốc được dự báo cũng sẽ tham gia cuộc chơi lớn nếu quyền lợi của họ có thể bị tác động bởi vấn đề Kashmir.

Những góc cạnh lịch sử

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan về Kashmir có một lịch sử lâu dài. Năm 1947, quá trình chia tách Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh dẫn đến sự hình thành của các quốc gia có chủ quyền là Pakistan tự trị với đa phần là người Hồi giáo và Liên hiệp Ấn Độ với đạo Hindu. Khi đó, chính quyền Kashmir, nơi phần lớn dân chúng theo đạo Hồi lại tuyên bố muốn sáp nhập Kashmir vào Ấn Độ. Người Hồi giáo Pakistan không thích điều đó. Một cuộc chiến thực sự bắt đầu và kết thúc được cũng là do những nỗ lực của LHQ.

Câu hỏi đặt ra là các bên thực sự muốn gì? Theo các phương tiện truyền thông, nghe lời đề nghị của ông Trump, Thủ tướng Imran Khan đã thốt lên: “Hơn một tỷ người sẽ cầu nguyện cho ngài nếu ngài đóng vai trò hòa giải và giải quyết được vấn đề này”. Trong nhiều năm, Chính phủ Pakistan đã ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Kashmir, tin tưởng đa số người Hồi giáo Kashmir sẽ bỏ phiếu cho sự gia nhập vào Cộng hòa Hồi giáo Pakistan. Islamabad đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho lập trường của mình, hy vọng tìm được một người trung gian uy tín, có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Delhi.

Trong khi đó, lập trường lâu nay của giới lãnh đạo Ấn Độ vốn dẫn đến thực tế tranh chấp về Kashmir là giải quyết vấn đề theo cơ chế song phương mà không cần lôi kéo các lực lượng bên ngoài. Delhi tuyên bố sẵn sàng thảo luận về vấn đề Kashmir với Islamabad nhưng với một điều kiện tiên quyết là Chính phủ Pakistan phải ngừng hỗ trợ những kẻ khủng bố xâm nhập lãnh thổ Kashmir.

Thế nhưng, cái khó của Pakistan là Islamabad lại không coi những chiến binh này là những kẻ khủng bố. Do đó, thông tin Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi ông Trump làm trung gian để giải quyết vấn đề Kashmir ngay lập tức bị New Delhi bác bỏ. Ông Raveesh Kumar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tuyên bố “không có yêu cầu nào như vậy từ Thủ tướng Ấn Độ được gửi tới Tổng thống Mỹ”.

“Việc một nhà lãnh đạo Ấn Độ yêu cầu một lãnh đạo nước ngoài làm trung gian hòa giải tranh chấp Kashmir là điều hoàn toàn không thể nghĩ tới”, Navtej Sarna, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ nhận định trên Foreign Policy, đồng thời giải thích rằng New Delhi luôn đi theo lập trường giải quyết song phương tranh chấp này.

Thật khó khi những vấn đề lịch sử luôn tồn tại dai dẳng. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã gọi Đường ranh giới kiểm soát Kashmir là “khu vực nguy hiểm nhất trên Trái đất”. Ông Bill Clinton khi đó đã ám chỉ có thể đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng. Không chỉ lo ngại nguy cơ từ hai nước, các cuộc đụng độ giữa phiến quân và lực lượng an ninh Ấn Độ xảy ra thường xuyên.

Năm 2018 được ghi nhận là một trong những năm đẫm máu nhất trong một thập niên, với 400 người, chủ yếu là phiến quân thiệt mạng. Đây là con số thương vong cao nhất kể từ vụ 505 người thiệt mạng cũng trong năm 2008. Vụ sát hại nhà báo Kashmir đấu tranh vì hòa bình Shujaat Bukhari là một lời nhắc nhở rằng sẽ không một ai thoát khỏi cuộc tàn sát.

Không chỉ thế, còn những mối nguy hiểm khác rình rập mảnh đất vốn đã rất nóng này là việc các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda mở rộng ảnh hưởng của chúng đối với mạng lưới các nhóm chiến binh địa phương. Trong khi những tranh cãi về sự hiện diện của những phiến quân IS còn sót lại, những lá cờ đen biểu tượng của IS đã xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Các nhóm phiến quân như Hizbul Mujahideen và Jaish-e-Mohammad có mối liên hệ chặt chẽ với al-Qaeda, khiến Kashmir và Nam Á trở thành mảnh đất màu mỡ cho các cuộc tấn công lấy cảm hứng từ al-Qaeda trong tương lai. Al-Qaeda đã tạo ra Ansar Ghazwat-ul-Hind, chân rết của chúng ở Kashmir, hồi năm 2017 dưới sự lãnh đạo của Zakir Musa. Musa ban đầu là một thành viên của Hizbul Mujahideen cho đến khi y quyết định chia tay nhóm đó và đảm nhận vai trò chỉ huy của Ansar Ghazwat-ul-Hind.

Hoa Huyền
.
.