Kế hoạch của Iran tại Syria

Thứ Hai, 17/10/2016, 11:35
Trong khi chiến trường Syria đang rối tung, có nguy cơ biến thành bãi chiến trường giữa hai cường quốc Nga và Mỹ, thì Iran đang âm thầm triển khai một kế hoạch “tác chiến” riêng, xây dựng nền tảng ảnh hưởng lâu dài trên dải đất rộng kéo dài từ bắc Iraq sang tận ven biển Địa Trung Hải. Giới ngoại giao phương Tây gọi đó là tuyến hành lang “Iraq và vùng Levante” (IL) của Tehran.

Cách không xa Mosul, một lực lượng khá đông quân đang hoàn tất các bước cuối cùng trong kế hoạch tiến quân về phía tây. Lực lượng này chủ yếu là các dân quân người Hồi giáo dòng Shiite chiến đấu chống IS. Trong chiến dịch tiến công tái chiếm Mosul, lực lượng này không được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia chiến đấu.

Thay vì thế, trong khi quân đội Iraq tấn công Mosul từ phía Nam, họ được giao nhiệm vụ chốt chặn ở phía Tây Mosul nhằm ngăn chặn lực lượng IS tháo chạy về cứ địa cuối cùng của chúng ở thành phố Raqqa, đông bắc Syria. Đây chính là lực lượng Shiite được Iran hậu thuẫn nhằm hỗ trợ quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS trong hơn một năm qua.

Sự tham gia của lực lượng Shiite do Iran hậu thuẫn đã mang lại nhiều chiến tích quan trọng. Nhưng mục tiêu của Iran thông qua lực lượng này còn lớn hơn, xa hơn.

Không trực tiếp tham gia chiến trường Mosul là nhằm thực hiện mục tiêu chiến đấu vượt ngoài phạm vi Iraq, sang tận Syria và Địa Trung Hải. Dải đất phía tây Mosul, nơi lực lượng bán vũ trang quân sự Shiite đang án ngữ, có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu này. Sau 12 năm xung đột vũ trang liên miên ở Iraq sau khi Mỹ đưa quân đội vào lật đổ ông Saddam Hussein, và hiện nay là cuộc xung đột nội chiến ở Syria, giới quan sát phương Tây cho rằng Iran hiện đang tự xây dựng cho mình một “vùng hành lang” để tạo thế đứng vững chắc, giúp Tehran tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia Arập trong khu vực.

Theo giới quan sát, “vùng hành lang” sẽ tạo thuận lợi cho Iran trong việc vận chuyển người và khí tài từ Tehran đến Địa Trung Hải và ngược lại.

Theo giới quan sát, vùng hành lang “Iraq và vùng Levante” của Iran đã dần định hình từ năm 2014. Đó là một tuyến đường phức tạp đan xen khắp vùng Arập của Iraq, xuyên qua vùng người Kurd quản lý ở Bắc Iraq, sang vùng người Kurd ở đông bắc Syria, đi xuyên qua các chiến địa ở phía bắc Aleppo, nơi lực lượng của Iran và các đồng minh hỗ trợ quân Chính phủ Syria đang thắng thế trước IS và phiến quân SFA do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn.

Khi tuyến hành lang đi qua đây, Iran buộc phải dựa vào lực lượng người Kurd, tạo mối quan hệ bền vững với người Kurd để bảo đảm tuyến hành lang được vận hành tốt. Điều này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm, lo ngại và trong vài tuần lễ gần đây, Ankara đã lên tiếng phản ứng vì lo ngại rằng Iran có thể bắt tay cấu kết với đảng PKK đấu tranh giành độc lập cho Kurdistan ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Iraq chuẩn bị cho cuộc tiến công vào Mosul.

Theo giới quan sát, việc xây dựng tuyến hành lang của Iran được tiến hành bởi các quan chức cấp cao trong chính phủ ba nước Iraq, Iran và Syria. Tiến trình này được triển khai song song với chính sách đối ngoại của chính phủ ba nước. Nó làm thay đổi cơ cấu dân số trong khu vực ảnh hưởng, từ miền trung Iraq cho đến miền bắc Syria.

Sự ủng hộ, phối hợp của các đồng minh, các địa phương nằm trên tuyến hành lang có tầm quan trọng cốt lõi để Iran thực hiện thành công kế hoạch của mình. Điều này giải thích cho sự tăng cường mạnh mẽ sự hỗ trợ quân sự của Iran đối với Iraq và Syria trong cuộc chiến chống IS ở Iraq lẫn phiến quân SFA ở Syria thời gian qua.

Tuyến hành lang IL khởi đầu tại các điểm cửa khẩu giữa Iran và Iraq, được Iran sử dụng làm tuyến đường tiếp viện cho quân đội Iran ở Iraq trong suốt 12 năm qua. Đây cũng là tuyến đường mà lực lượng quân sự Quds của Iran sử dụng trong chiến dịch chiến tranh du kích chống quân đội Mỹ tại Iraq với sự phối hợp của lực lượng bán quân sự Shiite chống IS hiện nay, bao gồm các nhóm như Asaib ahl al-Haq, Ketaib Hezbollah và các nhóm con phát sinh.

Kể từ khi quân đội Mỹ chính thức rời khỏi Iraq, các lực lượng này bắt đầu gia tăng ảnh hưởng ở Iraq. Trong hai năm qua, khi Mỹ đưa quân đội quay trở lại Iraq để đánh IS, các lực lượng này đã phối hợp tác chiến một cách hiệu quả. Đây là điều “tréo ngoe” mà người Mỹ không ngờ đến.

Từ các điểm cửa khẩu, tuyến đường đi xuyên qua Baquba, thủ phủ tỉnh Diyala, cách Baghdad khoảng 90km về phía bắc. Đây là vùng đất người Sunni và Shiite sống đan xen nhau trong nhiều thế kỷ qua, và là một trong những điểm nóng trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Iraq. Tuyến đường qua khu vực này được bảo vệ bởi các lực lượng dân quân địa phương, sau đó chạy vào các vùng đất mà cách đây không lâu còn do IS chiếm giữ (nay IS đã bị đánh bật ra khỏi các vùng này) ở vùng đông bắc.

Thị trấn Shirqat ở tỉnh Salaheddin có vai trò quan trọng. Quân đội Iraq phối hợp với lực lượng dân quân địa phương đã đánh bật IS lấy lại thị trấn này vào ngày 22-9 vừa qua. Từ đây, các nhóm dân quân đang sẵn sàng để tiến sang thành phố Mosul cách đó không xa để hỗ trợ quân đội Iraq. Sinjar, một điểm chốt quan trọng khác trên tuyến hành lang IL, nằm cách thị trấn Shirqat khoảng 80km về phía tây bắc. Nằm giữa Shirqat và Sinjar là thị trấn Tal Afar, cứ địa quan trọng của IS, nơi được xem là quê hương của người Sunni lẫn người Shiite Thổ (họ hàng tổ tiên của Thổ Nhĩ Kỳ).

Một quan chức tình báo Iran nói rằng, đoạn đường từ Tal Afar đến Sinjar là đoạn đường trọng yếu trong kế hoạch của Iran. Sinjar nơi người Yazidi cư ngụ từng bị IS chiếm đóng, được lực lượng người Kurd giành lại vào tháng 11-2015, đến nay là địa bàn tập trung lực lượng của PKK từ vùng biên giới Syria chuyển sang.

Cách đó không xa về phía bắc, một thủ lĩnh bộ lạc Iraq tên là Abdulrahim al-Shammari đang nổi lên với tầm ảnh hưởng rộng khắp vùng, chốt chặn cửa khẩu Syria tại đèo Rabia. Abdulrahim al-Shammari được hậu thuẫn bởi các nhóm dân quân Shiite và thân Chính phủ Syria, do đó là một đồng minh bảo vệ tuyến hành lang IL của Iran.

Từ đèo Rabia, tuyến hành lang qua các thị trấn Qamishli và Kobani đến Irfin, tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân YPG của người Kurd ở Syria. Trong cuộc chiến chống IS thời gian qua, quân đội Mỹ đã dựa vào lực lượng này để đánh bật IS ra khỏi thị trấn Kobani.

Trong toàn bộ tuyến hành lang IL của Iran, Aleppo đóng vai trò hết sức quan trọng, là nơi Iran phải tập trung nhiều sức lực nhất. Khoảng 6.000 dân quân Shiite, hầu hết từ Iraq đưa sang, đã tập trung vào đây để hỗ trợ quân đội Syria giành lại thành phố này từ tay IS và phiến quân SFA. Cuộc chiến cuối cùng tại Aleppo được cho là sẽ diễn ra song song với cuộc tấn công Mosul ở Iraq.

Bảo vệ thành công tuyến hành lang đi qua Aleppo sẽ bảo đảm trục trọng yếu đi xuyên qua lãnh thổ Syria. Từ Aleppo, tuyến hành lang đi qua vùng ngoại ô thành phố Homs ở miền Trung Syria. Sau đó, tuyến đường quay ngược lên phía bắc, đến vùng cứ địa Alawite của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước khi kết thúc tại hải cảng Latakia thuộc tỉnh Latakia.

Ali Khedery, cố vấn cho tất cả các đại sứ Mỹ tại Iraq và 4 đời chỉ huy CentCom từ năm 2003 đến 2011 đánh giá, việc bảo đảm thông suốt tuyến hành lang từ Iraq sang Địa Trung Hải sẽ là một thắng lợi chiến lược của Iran trên bàn cờ Trung Đông hiện nay.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.