Khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung?

Thứ Hai, 13/02/2017, 16:45
Từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, các phương tiện truyền thông quốc tế dẫn lời các chuyên gia từ Đông sang Tây bàn về khả năng xảy ra một cuộc xung đột mở giữa Trung Quốc và Mỹ. Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về khả năng xảy ra xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.

Khi nào thì xảy ra xung đột?

Trong báo cáo gửi Nhà Trắng ngày 5-2 vừa qua, một nhóm chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc đưa ra những khuyến cáo về quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Trong báo cáo này, các chuyên gia, trong đó có một số người đã làm việc với Bắc Kinh từ hơn 50 năm, cảnh báo: quan hệ giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này có thể xấu đi nhanh chóng và biến thành xung đột kinh tế, thậm chí xung đột quân sự, nếu hai bên không tìm được thỏa hiệp trên các vấn đề như thương mại, Đài Loan và Biển Đông.

Theo nhật báo Anh The Guardian, một trong những tác giả bản báo cáo, ông Winston Lord, cựu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nhận định: “Hiện giờ, do các chính sách của Trung Quốc và do sự thất thường của ông Trump, quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn khó lường nhất kể từ vụ Thiên An Môn (1989). Ông Orville Schell, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc, thì rất lo ngại về nguy cơ Tổng thống Trump phá tan hàng thập kỷ chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

Ngay cả trước khi bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ tháng 11-2016, nhà tỷ phú New York đã tuyên bố ông sẽ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Và kể từ khi thắng cử đến nay, ông Donald Trump vẫn không thay đổi giọng điệu với Bắc Kinh. Trên đài truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, tân Tổng thống Mỹ đã tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, thao túng tiền tệ và không giúp kềm chế lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Trump cũng đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi cho thấy là ông không đi theo chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 23-2-2016.

Báo cáo của các chuyên gia nói trên nhấn mạnh, nguy cơ này “vô cùng nguy hiểm” và là yếu tố đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung. Các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cũng cảnh báo “bão tố đang hình thành” ở Biển Đông. Họ cho rằng những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh ở nước này, khiến Mỹ và Trung Quốc đang “trên đường nguy hiểm đi đến xung đột”. Vào tuần trước, cố vấn chiến lược của Tổng thống Trump, Steve Bannon, đã dự báo chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông là “không thể tránh khỏi” trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.

Những người trong nhóm của ông Trump từng chỉ trích sự “yếu kém” của chính quyền Obama ở châu Á - Thái Bình Dương và đã yêu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng này, theo chiến lược “đạt đến hòa bình bằng sức mạnh”, nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng báo cáo của các chuyên gia khuyến cáo Nhà Trắng rằng đó là một chính sánh thiển cận, chỉ khiến cho tình hình căng thẳng thêm.

Đặc biệt, cựu Đại sứ Winston Lord xem quyết định của ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Tự do mậu dịch đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một “thảm họa”, vì làm tổn hại uy tín của Mỹ ở châu Á và giúp cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng này. Không chỉ đưa ra các khuyến cáo, các chuyên gia còn kêu gọi chính quyền Trump tránh để quan hệ Mỹ-Trung vượt khỏi tầm kiểm soát.

Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc xung đột với Trung Quốc?

Trong cuộc trả lời đài truyền hình Nga RT ngày 7-2-2017, chuyên gia người Trung Quốc Ho-Fung Hung, nhà báo và là giảng viên đại học Hopkins, cho rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc.

Khi được hỏi về khả năng chính quyền Donald Trump sẽ thực thi những đe dọa kinh tế với Bắc Kinh, ông Ho-Fung Hung cùng quan điểm lo lắng của nhiều người về khả năng chính quyền Mỹ sẽ áp hàng rào thuế quan với hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng như khả năng trả đũa của Bắc Kinh. Mới đây, Trung Quốc đe dọa sẽ hạn chế mua Boeing và iPhone. Theo ông Ho-Fung Hung, nếu xảy ra cuộc chiến thương mại này, tất cả đều thua. Tất cả các bên đều biết điều đó.

Đánh giá về khả năng xảy ra một cuộc chiến quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia Ho-Fung Hung không tin vào điều đó nhưng cảm thấy lo lắng. “Trên phương diện kinh tế, tôi không cảm thấy lo lắng vì đó đơn giải chỉ là công ăn, việc làm, tăng trưởng kinh tế... Tôi tin những vấn đề này có thể được giải quyết bằng biện pháp kinh tế. Điều tôi lo lắng hơn cả đó là tình hình ở Biển Đông, nó vượt quá phạm trù kinh tế. Đó là vấn đề địa chính trị. Mỹ luôn muốn đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực này và đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây để làm điều đó.

Trong khi ấy, Trung Quốc lại coi đây là vùng lợi ích cốt lõi bất chấp đó là khu vực tranh chấp. Lãnh đạo Bắc Kinh khó có khả năng nhượng bộ. Chính điều này dẫn đến khả năng xung đột cao không chỉ giữa trung Quốc với Mỹ mà còn cả với các nước khác trong khu vực” - chuyên gia Ho-Fung Hung nhận định.

Chuyên gia Ho-Fung Hung.

Ông Ho-Fung Hung cho rằng những tính toán của Trung Quốc cũng giống với Mỹ: đó là cân bằng lợi ích địa chính trị và kinh tế. Sự cân bằng mà họ muốn đạt được rất mong manh bởi lẽ về mặt địa chính trị nếu lãnh đạo Trung Quốc bỏ lơ những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, một bộ phận trong Đảng và dư luận Trung Quốc sẽ có phản ứng và điều này khiến giới cầm quyền lo lắng. Do đó, theo ông Ho-Fung Hung, lãnh đạo Bắc Kinh phải làm sao để người dân thấy được rằng chính phủ vẫn đang bảo vệ “chủ quyền” nhưng mặt khác bằng mọi giá phải đảm bảo rằng không để xảy ra một cuộc xung đột hay nguy cơ xung đột nào bởi lẽ tất cả đều ảnh hưởng tới nền kinh tế, mà kinh tế Trung Quốc trong 3 năm gần đây đang trong quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng nóng sang bền vững.

Những nguy cơ hạ cánh cứng (có khả năng suy thoái) của kinh tế Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia nhắc đến. Chỉ cần thông tin về khả năng xung đột thôi cũng đủ khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ trận và tình trạng tháo chạy các nguồn vốn nước ngoài.

Các bên đều thiệt hại nếu xung đột xảy ra

Ngày 8-2, phát biểu tại Canberra nhân chuyến thăm Úc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không có kẻ chiến thắng. “Sẽ không thể nào có chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, vì cả hai bên đều sẽ thua và cả hai bên đều không thể chấp nhận điều này”, ông Vương Nghị phát biểu với báo chí tại Canberra.

Những phát biểu trên của Ngoại trưởng Trung Quốc được cho là nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia vốn mới bùng lên sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Ông Trump làm Bắc Kinh giận dữ hồi tháng 12-2016 khi nhận cú điện thoại gọi chúc mừng của người đứng đầu chính quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn, và đe dọa đánh thuế nhập cảng vào hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chưa thu hồi của mình và không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ quốc gia nào khác.

Ngoài ra, ông Vương Nghị cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy bác bỏ chủ nghĩa bảo vệ thị trường, vốn ông Trump đang hậu thuẫn với chính sách kinh tế “Mỹ trên hết”. “Điều quan trọng là phải hoàn toàn theo đuổi nền kinh tế mở toàn cầu”, ông Vương Nghị nói thêm. Chỉ ít ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, mạnh mẽ bênh vực toàn cầu hóa và cho thấy Bắc Kinh muốn có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

M.T. (tổng hợp)
.
.