Khám bệnh, tặng quà cho 1.000 người nghèo ở Campuchia

Thứ Sáu, 08/05/2015, 19:00
1. Khởi hành lúc 6h sáng ngày 30/4 thì 11h30, Đội công tác XHTT - Công đoàn khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM với 61 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đã có mặt ở Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp để làm thủ tục sang huyện Kaom Chay Mea, tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia trong chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà cho 1.000 người nghèo tại địa bàn huyện nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Chuyến đi này được thực hiện theo đề nghị của Hội Hợp tác phát triển kinh tế Campucia, Việt Nam, Lào và được sự chấp thuận của ngài Seang Bun Leang, Phó Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Campuchia, cố vấn trực tiếp của Thủ tướng Hunsen.

Bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, giảng viên Bộ môn Ngoại gan mật, Đại học Y Dược TP HCM cho biết: “Mặc dù công tác ở nhiều đơn vị khác nhau như Đại học Y Dược, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy, BV Phụ sản Từ Dũ, BV An Bình…, nhưng anh chị em bác sĩ trong Đội có một điểm chung. Đó là tất cả đều tốt nghiệp tại Đại học Y Dược”.

Thủ tục xuất cảnh diễn ra nhanh gọn nhờ công văn giới thiệu của bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Về phía cửa khẩu nước bạn, Phó tỉnh trưởng tỉnh Prey Veng là ông Long Phat và ông Chan Long - Chủ tịch Hội Hợp tác phát triển kinh tế Campucia, Việt Nam, Lào cũng đã chờ sẵn.

Bác sĩ Võ Thị Mỹ Dung, giảng viên Bộ môn Nội gan mật, Đại học Y Dược TP HCM  nói: “Thay vì từng người phải trình hộ chiếu thì để rút ngắn thời gian, ông Long Phat, Phó tỉnh trưởng Prey Veng đề nghị tất cả anh chị em trong đoàn tập tung hộ chiếu lại rồi đích thân ông cầm vào giao cho Biên phòng, Hải quan Campuchia. Sau đó cả đoàn lên xe, còn hộ chiếu thì sẽ có người mang đến điểm khám bệnh”.

2. Để thực hiện chuyến khám chữa bệnh này, Đội Công tác XHTT - Công đoàn khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM đã chuẩn bị từ 4 tháng trước.

Cuối tháng 12/2014, nhà báo Vũ Cao, Báo CAND - là Đội phó phụ trách thông tin, đối ngoại đã sang Phnôm Pênh đi tiền trạm.

Sau khi thống nhất kế hoạch với ông Chan Long, Chủ tịch Hội Hợp tác phát triển kinh tế Campuchia, Việt Nam, Lào về ngày giờ, địa điểm, số lượng người khám thì tại TP HCM, sau khi được sự chấp thuận của Hiệu trưởng Đại học Y Dược là Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn, bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa bắt đầu tổ chức nhân sự, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thuốc men và 1.000 phần quà gồm: đường, sữa, gạo.

Bác sĩ Hòa cho biết: “Đến lúc này, chúng tôi gặp phải một vấn đề rất khó khăn: Đó là để mang 4 chiếc xe vừa chở người, vừa chở máy móc, thiết bị y tế, thuốc men, quà cáp sang nước bạn thì chúng tôi phải xin phép UBND, Biên phòng, Hải quan tỉnh Tây Ninh, nơi có Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Việc đi Campuchia tưởng như phải dừng lại bởi lẽ nếu thuê xe liên vận - loại xe 52 chỗ, nhà xe cho biết đi 4 ngày, giá tiền là 27 triệu đồng. Với 61 người, cộng với hàng hóa thì Đội phải thuê 2 xe và điều này nằm ngoài khả năng tài chính.

May mắn thay, ngoài 1 xe 16 chỗ mà một nhà hảo tâm ủng hộ cho Đội, anh Nguyễn Thành Tôn, Giám đốc Công ty Hoàng Trọng Thụy, chuyên cho thuê xe khách, xe du lịch đã cho Đội thuê 1 chiếc xe khách 29 chỗ, 1 xe 16 chỗ và 1 xe chở hàng 1,5 tấn nhưng chỉ lấy tiền xăng dầu.

Ngài Seam Bun Leang phát biểu cảm ơn các bác sĩ Việt Nam đã bỏ những ngày nghỉ lễ sang giúp người dân Campuchia.

Bên cạnh đó, qua sự giới thiệu của ông Chan Long, anh Lê Xuân Hải, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Tháp - là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Prey Veng đã điện thoại cho Đội: “Các anh gửi gấp cho tôi tất cả các giấy tờ có liên quan đến việc sang nước bạn để khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà. Tôi sẽ trình lên UBND tỉnh, xin giấy phép”.

Và ngày 26/4/2015, Đội Công tác XHTT nhận được công văn của UBND tỉnh Đồng Tháp, do Phó chủ tịch Trần Thị Thái ký, đồng ý cho 4 chiếc xe của Đội và 61 người cùng thuốc men, dụng cụ y tế được đi qua Cửa khẩu Dinh Bà.

3. Kaom Chay Mea (hay còn gọi là Kamchay Mear) là một huyện nghèo của tỉnh Prey Veng, giáp với Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh, dân số khoảng hơn 100.000 người, đa số sống bằng nghề nông. Và mặc dù theo thông báo thì 7h30 ngày 1/5, chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà mới bắt đầu nhưng ngay từ 6h sáng, hàng trăm người dân đã có mặt tại BV huyện, là nơi đặt điểm khám.

Bà Cheach, nhà ở xã Doun Kkoeng cho biết nhà bà cách BV huyện gần 40km nhưng nghe nói có đoàn bác sĩ từ Việt Nam sang nên bà bảo con chở đến để xin chữa bệnh thấp khớp.

Anh Sok Kha, nhà ở Ramdoul giơ ra hai cẳng chân lở loét vì nhiễm trùng cho biết: “Tôi bị ngứa, gãi riết rồi bây giờ nó như thế  này.  Nghe có đoàn khám từ thiện của bác sĩ Việt Nam nên tôi đến xin thuốc. Lạy Trời lạy Phật cho tôi mau hết bệnh để đi làm ruộng chứ ngứa quá, làm không nổi”.

7h30, sau lễ khai mạc đơn giản dưới sự chủ tọa của ngài Sam Bun Leang, Phó Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Campuchia, cố vấn trực tiếp của Thủ tướng Hunsen và ngài Suy Savut, Bộ trưởng Bộ Môi trường cùng Tỉnh trưởng và Phó tỉnh trưởng tỉnh Prey Veng, Đội công tác XHTT bắt tay vào việc với sự phiên dịch của 15 bác sĩ Campuchia đã từng học tại Việt Nam.

Bác sĩ Lê Thị Hồng Đào, BV Từ Dũ cho biết hầu hết phụ nữ đến khám đều mắc các bệnh phụ khoa do điều kiện vệ sinh thấp: “Sau khi thăm khám, siêu âm kiểm tra, chúng tôi nhờ người phiên dịch hướng dẫn cho bà con  cách sử dụng thuốc uống, thuốc đặt, thuốc rửa và cách giữ gìn vệ sinh để đề phòng tái phát”. Bác sĩ Võ Thị Bích Liên kể: “Đang nhổ răng cho bà con thì ông Seam Bun Leang và ông Suy Savut vào thăm.

Ông Seam Bun Leang nói: “Ngày 30/4 là kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của các bạn, ngày 1/5 là ngày Quốc tế Lao động nhưng các bạn đã không ở nhà nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình, mà các bạn sang đây để giúp người dân Campuchia chúng tôi. Điều này thật cảm kích”.

Càng về trưa, cái nóng càng dữ dội nhưng người dân vẫn kiên nhẫn chờ đến lượt vào khám. Hai chiếc máy siêu âm của Đội hoạt động hết công suất vì theo lời bác sĩ Huỳnh Phương Đông, BV An Bình thì người dân ai cũng muốn biết “trong bụng mình có bệnh gì không”.

Tại khu vực khám Nội khoa, cứ mỗi bác sĩ lại có một người phiên dịch. Bà Monar ở làng Kouk Rovieng cầm đơn thuốc in bằng tiếng Campuchia, phấn khởi nói: “Sau khi đo huyết áp, bác sĩ hỏi bệnh tôi rất tỉ mỉ rồi cấp cho tôi 6 loại thuốc vừa trị đau khớp, vừa đau bao tử, dặn về uống liên tục trong 7 ngày. Riêng thuốc trị cao huyết áp, bác sĩ cấp cho tôi uống trong 2 tháng”.

Ở khu vực phát quà, mỗi người bệnh sau khi khám bệnh, lĩnh thuốc xong thì đều nhận được một phần quà gồm: gạo, đường, sữa. Dưới cái nắng nóng 39oC, nhóm phát quà do bà Trương Thị Ngọc Yến phụ trách, ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cả 4 tài xế của 4 chiếc xe cũng mỗi người một tay, chuyển quà từ trên xe xuống.

Anh Trần Phiên, người lái chiếc xe 16 chỗ biết tiếng Campuchia nên anh kiêm luôn việc đọc tên từng người, mời họ nhận quà. Theo đánh giá của Phó tỉnh trưởng Prey Veng là ông Long Phat, việc khám bệnh, phát thuốc, tặng quà của các bác sĩ Việt Nam diễn ra rất nhịp nhàng, không ách tắc nên  bà con không phải chờ đợi.

12h30, bữa cơm trưa được mọi người trong Đội giải quyết chỉ trong 15 phút rồi công việc lại tiếp tục. Ngoài cổng BV huyện, cứ chừng mươi phút lại có một chiếc xe tải, chở người dân từ các phum xa xôi đến khám mà có người ở cách điểm khám đến gần 100 cây số…

“Con số 1.000 bệnh nhân mà chúng tôi khám chưa phải là nhiều so với dân số huyện Kaom Chay  Mea…”, bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, Đội trưởng cho biết: “Tuy nhiên, nó cũng đã thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh đó, sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị đã minh chứng cho mối tình hữu nghị thắm thiết này, đồng thời công tác tổ chức rất chu đáo của phía bạn đã là động lực giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

PV
.
.