Khẩn trương điều tra tìm nguyên nhân máy bay Nga rơi ở Ai Cập

Thứ Tư, 04/11/2015, 19:35
* Hãng CNN: Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, một vệ tinh của Mỹ đang ở vị trí bên trên bán đảo Sinai phát hiện một đốm nhiệt lóe sáng.
* Đây là dịp tốt để Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khai thác nhằm hạ nhục nước Nga như một hành động trả thù các cuộc không kích của Nga tại Syria.

Những âm thanh đầu tiên từ một trong hai hộp đen là tiếng trao đổi của các phi công và tiếng ồn cảnh báo từ động cơ máy bay

Các nhà điều tra của CHLB Nga đang phối hợp với cơ quan chuyên môn Ai Cập khẩn trương tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, nghiên cứu hộp đen điều tra chi tiết để tìm nguyên nhân gây ra vụ máy bay chở khách mang phiên hiệu 7K9268 (KGL9268) rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập, hôm 31/10, làm toàn bộ 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn, trong đó có 25 trẻ em, tử nạn.

Tính đến ngày 3/11, hầu như toàn bộ 163 thi thể nạn nhân được tìm thấy tại hiện trường vụ tai nạn máy bay 9268 đã được đưa về St. Petersburg để thân nhân nhận dạng và cơ quan chức năng xác định danh tính đối với những phần thi thể không toàn vẹn. Trong khi đó, công tác điều tra để tìm nguyên nhân gây tai nạn máy bay đang được tiến hành khẩn trương.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã hứa với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Ai Cập sẽ cho phép tối đa các chuyên gia Nga tham gia điều tra cùng các đồng nghiệp Ai Cập. Phần mình, Tổng thống Putin cũng đã chỉ đạo Thủ tướng Dmitri Medvedev mở cuộc điều tra riêng. Trong khi đó, các chuyên gia của Đức và Pháp – hai quốc gia của Hãng Airbus – cũng tham gia cuộc điều tra.

Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail kiểm tra hộp đen chiếc máy bay A321-200 gặp nạn.

Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov cùng một đoàn chuyên gia đã đến Ai Cập từ hôm 1/11 để phối hợp, hỗ trợ công tác điều tra. Cho đến ngày 2/11, Bộ trưởng Sokolov cho biết công tác điều tra chỉ thu thập được “ít thông tin” về vụ máy bay rơi. Bộ trưởng Sokolov cho biết, không hiểu lý do vì sao chiếc máy bay đột ngột bị mất độ cao chỉ trong vòng hơn 20 phút sau khi cất cánh.

Còn người đứng đầu Ủy ban An toàn Hàng không Nga Victor Sorochenko cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về bất cứ điều gì liên quan đến nguyên nhân máy bay rơi, nhưng ông cho rằng có dấu hiệu rõ ràng chiếc máy bay đã vỡ tung trên bầu trời trước khi rơi xuống đất. Điều này có thể được xác nhận bởi dữ liệu từ vệ tinh.

Theo CNN, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, một vệ tinh của Mỹ đang ở vị trí bên trên bán đảo Sinai phát hiện một đốm nhiệt lóe sáng. Hiện các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ đang phân tích các dữ liệu vệ tinh thu thập được để xem “đốm nhiệt lóe sáng” đó xảy ra trên không trung hay trên mặt đất, và dữ liệu đó có cung cấp được thông tin gì về chuyện đã xảy ra với chiếc máy bay.

Các nhà phân tích cho biết “đốm nhiệt lóe sáng” có thể là một trong các trường hợp sau: một vụ phóng tên lửa, một vụ nổ bom, một vụ nổ động cơ do trục trặc kỹ thuật và một vụ máy bay đâm xuống đất.

Hôm 2/11, ông Alexander Smirnov, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Kogalymavia, tên đăng ký bay là Metrojet, bác bỏ khả năng máy bay rơi do trục trặc kỹ thuật hoặc do lỗi của phi công. Ông Smirnov khẳng định trước khi bay, chiếc máy bay “trong tình trạng tuyệt vời”.

Hiện trường vụ rơi máy bay Nga.

Điều này trùng khớp với phát biểu của Giám đốc Công ty Cảng hàng không Ai Cập Adel Al-Mahjoob xác nhận rằng trước khi khởi hành, chiếc A321-200 đã vượt qua đợt kiểm tra định kỳ tại Ai Cập.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng vấn đề trục trặc kỹ thuật của chiếc máy bay A321-200 được quan tâm nhiều nhất trong các nguyên nhân đang xem xét. Chiếc A321-200 bị tai nạn được sản xuất vào năm 1997, đến nay đã qua nhiều đời chủ sở hữu. Hãng Kogalymavia bắt đầu sử dụng chiếc máy bay này từ năm 2012. Tính đến thời điểm bị tai nạn, chiếc máy bay đã bay được 21.000 chuyến, với tổng cộng 59.000 giờ bay.

Cơ quan chức năng Ai Cập nhắc lại rằng, vào năm 2001, chính chiếc A321-200 này, khi đó do một hãng hàng không khác khai thác, đã từng bị sự cố đập đuôi xuống đường băng khi đang hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cairo, và đã phải yêu cầu sửa chữa. CNN dẫn thông tin Truyền hình Quốc gia Nga cho biết, ngay trước khi chiếc A321-200 cất cánh, một phi công trên chuyến bay đã phàn nàn với vợ anh ta về tình trạng kỹ thuật của chiếc máy bay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Hossam Kamal khẳng định phi công của chuyến bay đã không gửi tín hiệu cấp cứu trước khi máy bay rơi, và các dữ liệu tại Đài điều khiển không lưu Ai Cập không ghi nhận thông tin cấp cứu nào từ chuyến bay 9268.

Cho đến chiều Chủ nhật 1/11, 2 chiếc hộp đen của chiếc máy bay đã được mang về Cairo để tiến hành phân tích, nghiên cứu. Thông tin ban đầu cho biết những âm thanh đầu tiên từ một trong 2 hộp đen là tiếng trao đổi của các phi công và tiếng ồn cảnh báo từ động cơ máy bay.

Trước thông tin về nguyên nhân tai nạn máy bay chưa rõ ràng, hai hãng hàng không lớn là Lufthansa và Air France-KLM đã có động thái thận trọng, tránh đi qua đường bay mà chiếc A321-200 vừa gặp nạn. Nhiều hãng hàng không khác cũng đang xem xét hành động tương tự nhằm tránh gặp rủi ro đáng tiếc như  Hãng Kogalymavia.

Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov đến hiện trường vụ rơi máy bay.

Peter Goelz, cựu Giám đốc điều hành Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), nhận định việc xác định chiếc máy bay vỡ tung trên không đã giúp thu hẹp danh sách nguyên nhân khả dĩ gây ra tai nạn, nhưng vẫn còn nhiều kịch bản khác nhau có thể tạo ra nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khủng bố cũng không thể không tính đến.

Cùng quan điểm này, ông Dmitri Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin cho biết, trong các giả thuyết về nguyên nhân vụ máy bay rơi đang được xem xét không loại trừ nguyên nhân do tác động bởi một hành động khủng bố. Ông Peskov yêu cầu mọi người cần kiên nhẫn cho đến khi công tác điều tra cho chúng ta biết kết quả rõ ràng.

Vì sao IS nhận trách nhiệm?

Chỉ vài giờ sau khi thông tin về tai nạn hàng không loan đi, một nhánh của lực lượng IS ở Ai Cập đã nhận trách nhiệm bắn hạ máy bay này. Trên trang web của mình, phân nhánh IS tại bán đảo Sinai với tên gọi “Tiểu vương Sinai” tuyên bố: “Các chiến binh Hồi giáo đã thành công trong việc bắn hạ một chiếc máy bay Nga ở Sinai”. Tuyên bố khẳng định đây là hành động nhằm trả đũa các cuộc tấn công của Nga nhằm vào tổ chức IS tại Syria.

Sinai là nơi có một mạng lưới các tay súng cực đoan hoạt động tích cực, trong đó có nhóm thánh chiến “Tiểu vương Sinai” tự coi mình là đồng minh với nhóm IS.

Tuy nhiên, ngay sau đó, cả phía Nga lẫn Ai Cập đều phủ nhận điều này vì cho rằng IS không có khả năng bắn hạ một máy bay đang bay ở độ cao 9.400m với những loại tên lửa vác vai bán ở chợ đen.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 1/11, IS tiếp tục tung đoạn video và nói rằng đây là minh chứng cho thấy họ đã bắn hạ máy bay Nga. Tuyên bố của IS trên trang Aamaq - một website hoạt động như một hãng thông tấn bán chính thức của IS - cho biết: “Các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã bắn hạ một máy bay của Nga trên không phận tỉnh Sinai đang chở 224 người Nga. Tất cả bọn chúng đều đã chết”.

Trang tin cũng nhấn mạnh: Vụ tấn công này là nhằm “phản ứng trước các cuộc không kích Nga tiến hành đã giết hại hàng trăm tín đồ Hồi giáo trên lãnh thổ Syria”.

Ngay sau khi đoạn video này được tung lên mạng, các chuyên gia đã tiến hành mổ xẻ và chỉ ra nhiều điểm vô lý trong tuyên bố của IS. Thứ nhất, IS không nói bắn hạ máy bay Nga bằng gì. Thứ hai, những hình ảnh nhòe nhoẹt cho thấy một máy bay phát nổ phần đuôi và bốc khói khi lao xuống đất trong quãng thời gian khá dài.

Vạch mặt trò “nhận vơ” của IS, cựu phi công Hoàng gia Anh Steve Chadwick nói với tờ Express rằng chiếc máy bay trong đoạn video này không thể nào là máy bay thương mại và không phải loại Airbus A321. Ông nói thêm đây có thể là một đoạn phim về một chiếc máy bay bị cháy động cơ từ… những năm 1960.

Hiện trường vụ tại nạn máy bay Nga cho thấy, chiếc máy bay đã bị đứt làm hai, phần đuôi không hề có dấu hiệu của việc trúng tên lửa. Ngoài ra, đoạn video cho thấy sau khi bị trúng đạn, máy bay bốc khói và lao xuống, thời gian này đủ để tổ lái báo tín hiệu cấp cứu về mặt đất. Nhưng theo các cơ quan kiểm soát không lưu Ai Cập, máy bay Nga chỉ mất tín hiệu trên màn hình radar chứ không hề phát tín hiệu cấp cứu.

Còn nữa, máy bay của Nga bị mất tín hiệu ở độ cao gần 10.000m, vậy thì liệu một máy quay nào có thể nhìn thấy và quay được từ đầu đến cuối vụ tấn công? Nhiều chuyên gia nói chiếc máy bay trong đoạn video bay thấp hơn cao độ của chiếc Airbus A321 khi gặp nạn.

Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov ngày 2/11 cho rằng việc nhóm IS ở Sinai nhận trách nhiệm về vụ rơi máy bay “không được coi là đáng tin cậy”. Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ James Clapper nhận định: Không có “bằng chứng trực tiếp” nào cho thấy vụ rơi máy bay Nga tại Ai cập là do khủng bố.

Như vậy có thể thấy, tất cả những tuyên bố của IS liên quan đến vụ tai nạn máy bay Nga ở Ai Cập chỉ là trò “trẻ con” với mục tiêu duy nhất là khía cạnh chính trị. Chúng muốn hạ nhục nước Nga khi bị nước này không kích tại Syria. Thực vậy, không phải ai xem đoạn video trên cũng có thể nhận ra những điểm phi lý từ đó dẫn tới việc bác bỏ tuyên bố của bọn khủng bố.

Chưa kể khi IS tuyên bố chúng đã bắn hạ máy bay Nga thì các hãng truyền thông phương Tây (vốn chẳng ưa gì Nga) cứ đăng nguyên như vậy mà không có ý kiến phân tích bình luận đúng sai gì, khiến một bộ phận người Nga tin rằng đó là sự thật.

Khi thông báo đã bắn hạ máy bay dân dụng của Nga làm hơn 200 người chết, IS muốn nhắm tới dư luận Nga. Đây sẽ là dịp để những thành phần chống đối Tổng thống Putin lợi dụng để nhằm hạ uy tín của ông khi quyết định không kích IS tại Syria.

Người dân Nga đặt hoa và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay A321.

Cho đến nay, phía chính quyền Nga vẫn khẳng định vụ tai nạn này là do lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, đại diện của Hãng hàng không Kogalymavia thì bác bỏ nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật hay lỗi con người. Phát biểu với báo chí Nga hôm 2/11, Phó Tổng giám đốc Kogalymavia Alexander Smirnov nói, chỉ có thể có tác động về mặt vật lý hay kỹ thuật từ bên ngoài nhưng không nói rõ tác động đó là gì bởi “máy bay trong tình trạng tốt”. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu đúng là hai lỗi trên thì Hãng Kogalymavia phải bồi thường rất lớn cho các hành khách, có khi phải phá sản.

Còn một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến, đó là chiếc máy bay Nga bị đánh bom. Có nhiều cơ sở để khẳng định điều này. Thứ nhất là diện tích các mảnh vỡ của máy bay trải rộng tới 20km2. Theo các chuyên gia, chỉ có thể là chiếc máy bay bị nổ tung trên không trung mới có độ phát tán các mảnh vỡ lớn như thế. Thứ hai, Nga hiện đang tiến hành không kích Nhà nước Hồi giáo tại Syria, nên rất có thể nhóm này tìm cách trả thù.

Tuy nhiên, cũng có những lý lẽ cho rằng sân bay Sharm el-Sheikh ở Ai Cập là một trong những sân bay có hệ thống kiểm tra, giám sát an ninh nghiêm ngặt nhất trên thế giới, nên các phần tử khủng bố rất khó có thể mang được chất nổ lên máy bay.

Giáo sư Michael Clarke, làm việc cho tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng ở Anh, Royal United Services Institute, nhận định việc chiếc máy bay nổ tung giữa trời trước khi rơi xuống, thêm việc phi công không kịp phát bất kỳ một tín hiệu cấp cứu nào, cho thấy một thảm họa khẩn cấp đã xảy ra. Báo The Sun dẫn lời ông: “Khả năng nổ bom lớn hơn nhiều so với khả năng máy bay bị bắn rơi bằng tên lửa từ mặt đất”.

Liên quan đến một lỗi kỹ thuật cũng có thể khiến máy bay nổ tung trên bầu trời, các nhà phân tích cho rằng trong lịch sử ngành hàng không thế giới đã từng tồn tại những lỗi kỹ thuật như vậy. Chẳng hạn, vụ tai nạn của máy bay số hiệu CI611 của Hãng Hàng không China Airlines ngày 25/5/2002. Chỉ 20 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Đào Viên ở Đài Loan để đến Hong Kong, chiếc máy bay Boeing 747 này đã vỡ tung ở độ cao hơn 10.000m và đâm xuống biển, khiến 225 người thiệt mạng.

Từ sự cố này, người ta cho rằng có khả năng máy bay Nga gặp sự cố kỹ thuật khi đạt chế độ bay bằng thì phần đuôi của máy bay (bị nứt do không kiểm tra kỹ) đã bị văng ra khỏi thân máy bay khiến áp suất chênh lệch đột ngột, xé nát chiếc máy bay. Nhưng trong trường hợp này, liệu tổ lái có đủ thời gian phát tín hiệu cấp cứu xuống mặt đất? Đây là câu hỏi khó trả lời.

Trương Hùng - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.