Khẳng định tiếng nói, vai trò của Việt Nam

Thứ Hai, 03/06/2019, 09:29
Với việc tham gia ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đang ngày càng thể hiện được tiếng nói, vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế.

Ngày 7-6, khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Trong số này có một vị trí cho các thành viên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm này.

Từng bước khẳng định

10 năm trước, lần đầu tiên sau 3 thập kỷ tham gia LHQ (kể từ năm 1977),  Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Khi đó, tình hình quốc tế có nhiều biến chuyển sâu sắc, xung đột, khủng hoảng nổ ra ở nhiều nơi. Do vậy, HĐBA có một khối lượng công việc rất lớn phải làm với hơn 1.500 cuộc họp (trung bình 2,5 cuộc họp/ngày); thông qua 113 nghị quyết, 165 tuyên bố chủ tịch và tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục của chương trình nghị sự; xử lý nhiều vấn đề phức tạp.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho việc giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, hạn chế các biện pháp trừng phạt (như về vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên), dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản.

Qua đây, Việt Nam đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới nói chung, đảm bảo môi trường an ninh, tạo thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong nhiệm kỳ 2 năm, sự tham gia và biểu quyết của Việt Nam tại HĐBA về các vấn đề chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp,... đã góp phần bảo đảm lập trường nguyên tắc cũng như các lợi ích quốc gia.

Đúng 10 năm sau, Việt Nam lại tiếp tục ứng cử để trở thành thành viên của HĐBA (nhiệm kỳ 2020-2021). Với vị thế ngày càng đi lên của đất nước cùng với những thành công có được của nhiệm kỳ trước, nhiều quốc gia khác đang dành sự ủng hộ rất lớn cho Việt Nam và mong muốn khi trúng cử, Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa tại HĐBA.

Việt Nam thực sự đã có những bước tiến, phát triển kỳ tích, từ khắc phục hậu quả chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, rồi đổi mới, hội nhập, tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng hơn vào sinh hoạt quốc tế và các cơ quan LHQ. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình.

Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam cử 63 sỹ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Nam Sudan đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Việt Nam cũng tham gia Hội đồng Nhân quyền quốc tế giai đoạn 2014-2016. Cuối năm 2018, Việt Nam được lựa chọn vào Ủy ban của LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL). Đây là một vai trò mới của Việt Nam với thời hạn 6 năm kể từ 2019.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam trong một lần chia sẻ với báo chí đã đánh giá rằng Việt Nam đã tự tin trên trường quốc tế và hoàn toàn có đủ vị thế, năng lực để có những đóng góp tích cực tại HĐBA. Ông cũng cho rằng những kinh nghiệm mà Việt Nam có được về phục hồi sau chiến tranh, xây dựng kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn, cam kết chặt chẽ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vai trò trong lực lượng gìn giữ hòa bình cần được lan tỏa ra cộng đồng quốc tế.

Một đất nước đã trải qua khoảng thời gian dài chiến tranh, chịu nhiều đau khổ bởi chiến tranh như Việt Nam nhưng bây giờ lại là nước tham gia vào việc xây dựng và gìn giữ hòa bình, đó thực sự là kinh nghiệm rất đáng quý. Có thể khẳng định, từ chỗ tham gia tích cực, nay Việt Nam cũng sẽ chủ động góp phần vào xây dựng luật chơi, nghị sự, chuẩn mực của thế giới.

Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các công việc chung của LHQ.

Trách nhiệm lớn trước thách thức không nhỏ

Khi trúng cử HĐBA, Việt Nam vừa có thuận lợi lớn hơn nhưng cũng đứng trước trách nhiệm cao hơn, để thể hiện và phát huy vai trò, vị thế Việt Nam. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhưng đầy thách thức đối với Việt Nam khi ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu đều tồn tại nhiều vấn đề khó khăn.

Việt Nam có thể trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA nhưng cùng với đó sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Đó là những trách nhiệm rất nặng nề. Không những Việt Nam phải thể hiện được vai trò, năng lực trên trường quốc tế mà còn phải ở cả tầm khu vực, đóng góp vào việc giải quyết thách thức của khu vực và quốc tế.

Hiện nay, HĐBA vẫn có những bất đồng, thậm chí bất đồng hơn nhiều so với thời gian trước đây, trở thành khó khăn cho rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam khi tham gia vào HĐBA. Bên cạnh đó, nhiều người đang thể hiện sự lo ngại khi chủ nghĩa đa phương bị đe dọa nghiêm trọng, HĐBA cũng như Việt Nam phải bảo vệ tinh thần của chủ nghĩa đa phương đó.

Không phải vấn đề nào HĐBA cũng có thể giải quyết được. Nghị sự của HĐBA là một chương trình dày đặc các vấn đề về hòa bình, an ninh và giải quyết xung đột. Chưa kể, trên nhiều vấn đề, luôn tồn tại, nảy sinh các khác biệt, bất đồng, kể cả trái ngược quan điểm giữa các nước thành viên. Cạnh tranh nước lớn, khác biệt giữa các thành viên thường trực cũng là câu chuyện luôn tồn tại ở HĐBA và LHQ.

Do vậy, với Việt Nam, điều quan trọng là thể hiện trách nhiệm và đóng góp xây dựng của mình. Đó là kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, trách nhiệm với hòa bình, an ninh thế giới, bám sát các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bao gồm tôn trọng chủ quyền, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, có tính tới lợi ích của các bên liên quan...

Câu chuyện phía trước là trách nhiệm nặng nề song chúng ta hoàn toàn tin tưởng, khi trúng cử, Việt Nam sẽ làm tròn trách nhiệm, được các nước, cộng đồng quốc tế tin tưởng và đánh giá cao.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.